Mê hồn trận đông trùng hạ thảo
Được đồn thổi "bổ gấp trăm lần nhân sâm" nên dù giá cao ngất ngưởng nhưng đông trùng hạ thảo với tên phiên âm Hán Việt là dongcong xiacao vẫn được những người lắm tiền chi bạc triệu để đổi quyền sở hữu. Xâm nhập vào thế giới này, chúng tôi phát hiện món biệt dược mà người nghèo không dám rớ rất dễ bị làm giả.
Tiền nào của ấy!
Ngoài các loại thực phẩm, dược phẩm hạng sang như nhân sâm, bào ngư, vi cá, hải sâm, yến huyết, nhung quế…, nhiều năm qua chợ An Đông, chợ Bình Tây, trên đường Triệu Quang Phục và khu phố Đông y Hải Thượng Lãn ông (quận 5, TP HCM) được xem là trung tâm mua bán "thảo dược 5 sao" sầm uất nhất nước.
Sau khi hét mỗi bao đông trùng hạ thảo khoảng 30 con (trọng lượng 20g) giá 1,5 triệu đồng, thấy "thượng đế" không mặn mà, tưởng khách có nhu cầu cao hơn, bà chủ quầy hàng thực phẩm cao cấp ở chợ An Đông lôi trong ngăn đựng tiền bao hàng chi chít chữ Tàu, màu sắc sặc sỡ nặng 100 gam gân cổ chào hàng: "Tặng quà cho sếp nên lấy loại này. Do con lớn hơn (bằng ả nhộng tằm) nên nó tích tụ nhiều dược chất".
Được một dân trong nghề mách nước từ trước nên sau một hồi săm soi, anh bạn đồng nghiệp vờ tặc lưỡi: "Chưa phải loại tốt nhất" thì chị nọ nhoẻn miệng cười: "Đây là loại hai. Loại một cũng trọng lượng vầy nhưng giá gấp 4 lần loại bình thường. Chị ngại em nghe xong choáng nên… Nếu em kết, chị bớt chút đỉnh làm quen".
Tại các quầy thực phẩm cao cấp khác, cũng với bọc đông trùng hạ thảo "loại hảo hạng" nặng 100gam, chúng tôi được các ông bà chủ chào nhiều giá khác nhau. Có quầy chỉ dăm ba triệu đồng nhưng cũng có quầy lên đến chục triệu. Hỏi: "Vì sao cùng một loại mà giá chênh nhau dữ vậy?" thì các ông bà chủ ỡm ờ: "Tiền nào của đó mà cưng".
Dáng người nhỏ thó, ông chủ ở chợ Bình Tây nhiệt tình biện giải: "Muốn hái đông trùng hạ thảo người ta phải khăn gói leo lên núi cao, lặn lội sâu vào những vùng rừng hiểm trở đầy chướng khí. Một cánh rừng rộng lớn nhưng sau mùa thu hoạch, giỏi lắm cũng chỉ tầm được vài trăm gam. Hái về phải phân loại lớn nhỏ khác nhau, sau đó phải vận chuyển từ sâu trong nội địa Trung Quốc (tỉnh Vân
Bộc bạch tới đây, ông này bỏ nhỏ: "Của rẻ là của ôi. Giang hồ hiểm ác, chú em đừng ngờ nghệch kẻo dính bẫy hàng giả hoặc kém chất lượng!".
Thật ít... giả nhiều!
Được biết giá xuất xưởng của đông trùng hạ thảo loại bình thường lên đến hơn 50 triệu đồng một kilôgam. Đến tay người tiêu dùng, giá này tăng thêm 50% hoặc hơn thế nữa. Vì giá trị cao ngất ngưởng như vậy nên đông trùng hạ thảo là dược phẩm cao cấp được làm giả nhiều nhất. Vấn đề ở chỗ phần lớn người mua đều không có kinh nghiệm nhận biết đâu là "hàng" chất lượng cao và ngược lại.
Đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa loài nấm túi với sâu non của một loài côn trùng. Vào mùa đông, bướm đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng và bị bào tử của nấm xâm nhiễm. Nấm ký sinh vào sâu non, làm chết sâu non bằng việc ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Hè về, sâu chết khô và nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn ra khỏi mặt đất. |
Sau nhiều ngày đeo bám giới con buôn và tham khảo chỉ dẫn của nhiều lương y, chúng tôi rút tỉa được nhiều kinh nghiệm trong việc phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả. Một thầy thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông kể chuyện, nhiều người sau khi mua đông trùng hạ thảo đã tìm đến ông nhờ kiểm chứng xem "chính hiệu hay đồ giả?". Kết quả là trong 10 người mua chỉ có 1-2 trường hợp là "mua trúng hàng chất lượng".
Vị lương y này bật mí: "Kinh nghiệm nhiều năm chỉ giúp tôi phân biệt được đông trùng hạ thảo thật-giả mà thôi. Còn việc phân biệt giữa đông trùng hạ thảo được thu hái trong tự nhiên và qua nuôi trồng nhân tạo thì chịu. Mà theo giá thị trường, giữa hàng thu hái và nhân tạo có khoảng cách xa lắm!".
Đông trùng hạ thảo "chính hãng" có 8 cặp chân (4 đôi chân ở giữa thân là rõ nhất), đầu màu nâu đỏ, trông giống như con tằm, phần thân màu nâu vàng hoặc vàng sẫm với khoảng 20-30 vằn khía, phần vằn khía gần đầu nhỏ hơn phần thân. Sâu non dễ bẻ gãy, bên trong có phần ruột căng đầy, màu trắng hơi vàng. Riêng phần chất đệm nấm (hạ thảo) mọc trên đầu sâu khá dai, khi nhai có vị thơm đặc biệt, bên trong có ruột hơi rỗng, màu trắng ngà… Với người tiêu dùng, nếu chỉ căn cứ theo những kiểu nhận biết trên sẽ rất dễ bị "hố hàng" bởi kỹ nghệ làm giả dongcong xiacao của các "chuyên gia" ngày càng tinh xảo.
Chủ một quầy hàng biệt dược cao cấp trên đường Triệu Quang Phục, bật mí: "Hàng giả thường được làm từ thân củ thảo thạch và địa tàm. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy hàng giả có gờ hơi cong, mặt cắt có màu trắng và rất giòn chứ không dai như hàng thật".
Không dừng lại ở đó, giới gian thương còn làm giả đông trùng hạ thảo từ bột ngô hay bột lúa mạch bằng cách gia công ép màng phủ bên ngoài. Cách phân biệt theo nhiều lương y "hàng giả khi cầm có trọng lượng nặng (không nhẹ tênh như loại thật), nhai lâu dính răng, vị ngọt đậm, sâu non nhẵn bóng rõ các vằn khía và không có chân". Để không bị “dính bay” của phường gian thương, tốt nhất khi mua đông trùng hạ thảo cần nhờ người có kinh nghiệm thẩm định. Đừng tin vào những lời đường mật và hám rẻ để rồi lâm cảnh trả tiền thật, rinh hàng dỏm