Ghi “nóng” từ vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam):

Máy bay, tàu Trung Quốc nhiều lần khiêu khích, uy hiếp các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam

Thứ Ba, 17/06/2014, 00:18
Khi thấy 2 tàu KN766 và KN768 tăng tốc, tiến vào trong khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 theo hướng Bắc Tây Bắc, Trung Quốc đã huy động số lượng lớn các tàu hộ tống có công suất, tải trọng lớn như: hải cảnh: 3383, 46001, 45101; hải giám 2168; tàu kéo 263… để uy hiếp các tàu Kiểm ngư của chúng ta. Chỉ huy tàu KN22 cho biết, việc đưa số lượng lớn tàu có công suất, tải trọng lớn ra để uy hiếp, đe dọa, ngăn cản hoạt động thực thi pháp luật của các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển cũng như ngư dân Việt Nam là một trong những “chiêu thức” mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong những ngày qua tại vùng biển Hoàng Sa.

Ngay từ sáng sớm 16/6, quan sát từ vùng biển Hoàng Sa, đoạn cách vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khoảng 11,6 hải lý, PV Báo CAND ghi nhận hàng chục tàu các loại của Trung Quốc đang hoạt động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Vẫn các tàu hải cảnh: 3383, 46001, 45101; hải giám 2168; tàu kéo 263… chốt chặn tại vòng ngoài theo hướng mà biên đội tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên tiếp cận.

9h, quan sát thấy các tàu Kiểm ngư: KN629, KN22, KN766, KN768… sắp xếp đội hình chuẩn bị tăng tốc tiến về phía khu vực giàn khoan Hải Dương 981, tiến hành hoạt động tuyên truyền, vận động, đấu tranh trước hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, các tàu Trung Quốc đã chủ động dàn hàng ngang nhằm cản trở, quấy nhiễu việc thực thi pháp luật của các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam.

Tàu hải giám 2168 vẫn hung hăng như những hôm trước. Nó là tàu đầu tiên tăng tốc hướng về phía các biên đội tàu của ta. Cũng cần phải nói thêm rằng, đây chính là con tàu mà vào lúc 16h40 ngày 15-6 đã lao vào biên đội tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển với mục đích thăm dò, khiêu khích các tàu thực thi pháp luật của chúng ta. Tuy nhiên, do đã chủ động từ trước, nên các tàu KN22, KN766, KN768, KN629…đã không bị sập “bẫy”, tránh được thủ đoạn trên.

Tàu KN768 chủ động né tránh cú đâm va của tàu hải giám 2168.(Ảnh chụp sáng 16/6).

Trở lại vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) - nơi mà chúng tôi đang có mặt trong sáng 16/6. 9h30, khi thấy 2 tàu KN766 và KN768 tăng tốc, tiến vào trong khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 theo hướng Bắc Tây Bắc, Trung Quốc đã huy động số lượng lớn các tàu hộ tống có công suất, tải trọng lớn như: hải cảnh: 3383, 46001, 45101; hải giám 2168; tàu kéo 263… để uy hiếp các tàu Kiểm ngư của chúng ta. Chỉ huy tàu KN22 cho biết, việc đưa số lượng lớn tàu có công suất, tải trọng lớn ra để uy hiếp, đe dọa, ngăn cản hoạt động thực thi pháp luật của các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển cũng như ngư dân Việt Nam là một trong những “chiêu thức” mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong những ngày qua tại vùng biển Hoàng Sa.

Chưa hết, song song với việc đưa các tàu lớn ra quấy nhiễu, sẵn sàng đâm va các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển, trong mấy ngày qua, phía Trung Quốc còn không ngừng triển khai máy bay cánh bằng, tổ chức bay lượn ngay trên đầu các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển, nhằm phô trương sức mạnh, uy hiếp tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển. Minh chứng, vào lúc 13h55 ngày 15/6, máy bay cánh bằng mang ký hiệu CMS 3843 liên tục bay lượn trên đầu các tàu Kiểm ngư: KN22, KN768, KN766, KN629…

Theo chỉ huy các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa – nơi PV Báo CAND đang có mặt, mặc dù thời gian qua – kể từ thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc luôn đẩy mạnh việc phô trương sức mạnh của máy bay, tàu hộ tống giàn khoan, thế nhưng vẫn không ngăn được ý chí quyết tâm tuyên truyền, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ngư dân Việt Nam.

Cũng trong sáng 16/6, với sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình tiến sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981, các tàu Kiểm ngư của Việt Nam đã tránh được sự cản phá, đâm va của các tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo… của Trung Quốc. Đáng chú ý, vào lúc 10h20, tàu hải giám 2168 cố tình bẻ lái, đột ngột tăng tốc độ, định đâm ngang thân tàu KN768, song, tàu KN768 của ta đã chủ động, né tránh kịp thời cú đâm này một cách tài tình, khi khoảng cách giữa hai tàu có lúc chỉ là 50m

Trần Huy (ghi từ Hoàng Sa, Việt Nam)
.
.
.