Giữa thủ đô, dân vật vã, khốn khổ vì mất nước
- Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 13
- Bao giờ hoàn thành đường ống nước sông Đà số 2?
- Thiếu nước sinh hoạt, dân đào xới nhà để khoan giếng xây bể chứa nước
Khốn đốn vì mất nước
Chỉ tay vào bể ngầm hơn 30m2 trơ đáy, anh Đỗ Bảo Khánh, số nhà 18, tổ 45, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc cho hay, đã cả tuần nay gia đình anh phải thường xuyên sơ tán sang nhà ông bà ngoại ở khu Cổ Nhuế để sinh hoạt nhờ, từ ăn uống đến tắm giặt.
Mất nước sinh hoạt khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn. |
“Đêm nào cũng thức để chờ dùng máy bơm chân không hút nhưng hôm có hôm không. Thậm chí có hôm thức cả đêm mà cũng chỉ hút được vài ba khối chỉ đủ láng đáy bể ngầm hơn 30m3 nước. Thương nhất là các cháu sinh viên đang thuê nhà ở đây. Mình còn chạy đến chỗ người quen, chứ chúng nó chân ướt chân ráo từ quê ra đây thì chạy đi đâu. Nhìn cảnh chúng nó phải đạp xe đi xin từng tí nước mà thấy tội”, anh Khánh than thở.
Theo anh Khánh, việc mất nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình mà còn ảnh hưởng cả đến việc kinh doanh nhà cho thuê bởi gia đình anh hiện đang có hơn 20 phòng cho thuê đang vào mùa cao điểm.
Tình trạng mất nước sin hoạt vài ngày qua diễn ra trên diện rất rộng. Từ Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Tất cả những khách hàng dùng nước sạch sông Đà đều ít nhiều bị ảnh hưởng.
2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ gia đình anh Nguyễn Lê Phương, khu vực Đầm Hồng (phường Khương Đình, Thanh Xuân) cho hay, khoảng 1 tuần trở lại đây đã trở thành khách hàng ruột của 1 khách sạn trên đường Trường Chinh, nguyên nhân cũng vì không có nước sinh hoạt.
“Vài ngày đầu, cả gia đình còn xuống sinh hoạt nhờ nhà bà chị ở dưới khu đô thị Xa La. Từ nhà xuống đến đấy khá xa nhưng cũng phải chấp nhận. Thế nhưng nhờ vả ăn uống, giặt giũ chứ ở nhờ sao được. Nhà bà chị chung cư cũng chật, thêm nhà mình nữa thì ở vào đâu. Có hôm từ Xa La về vẫn không có nước, con nhỏ lại sốt, đến khổ. Cả nhà đành kéo nhau ra khách sạn”, anh Phương cho biết.
Mất nước nhiều gia đình phải mang can đi xin từng can nước về sử dụng. Thậm chí có nhà phải mua nước đóng bình về ăn uống, còn tắm giặt thì tìm mọi biện pháp khắc phục. Tình trạng mất nước đang làm cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân Thủ đô khốn đốn.
Công ty cấp nước không có giải pháp
Trao đổi với PV Báo CAND ngày 18/8, ông Nguyễn Anh Việt, Tổng giám đốc Viwaco thừa nhận việc mất nước sạch trên diện rộng trong những ngày qua.
Bố con ông Nguyễn Văn Xuyến (Khương Đình, Thanh Xuân) đêm nào cũng phải thức để chờ hút nước sạch dùng cho sinh hoạt. |
Ông Việt cho biết, tất cả các khu dân cư sử dụng nguồn nước sạch sông Đà đều bị ảnh hưởng. Nguyên nhân được ông Việt chia sẻ là do áp lực nước trong ống yếu hơn bình thường, những nơi cao thì nước không chảy vào được.
“Chúng tôi có hỏi Nhà máy nước sạch sông Đà về vấn đề áp lực nước yếu thì được trả lời rằng nếu tăng áp lực nước trong ống lên sẽ dẫn đến vỡ đường ống từ nhà máy ở Hòa Bình về Hà Nội. Chúng tôi chỉ là đơn vị phân phối, dù rất quyết tâm để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân nhưng lực bất tòng tâm. Chúng tôi rất mong muốn bà con cùng thông cảm và chia sẻ với công ty”, ông Việt chia sẻ.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu nước theo giải thích của ông Việt là do đang vào thời điểm nắng nóng nên lượng nước tiêu thụ cũng lớn hơn ngày thường. Thêm nữa là vài ngày qua, người dân đã sử dụng hết nước trong bể chứa nên lượng nước bơm vào hiện không đáp ứng được.
Theo thông tin từ Viwaco thì ngày 17/8, UBND TP Hà Nội cũng đã có cuộc họp với đơn vị này để bàn giải pháp tháo gỡ tình trạng mất nước cho người dân. Nhưng theo khẳng định của ông Nguyễn Anh Việt, Tổng giám đốc Viwaco thì đơn vị này cũng chẳng có giải pháp nào cụ thể.
Các giải pháp tình thế hiện này chỉ là sử dụng biện pháp cắt nước luân phiên. Bên cạnh đó là ưu tiến cấp nước cho những nơi thật cần thiết như: trường học, bệnh viện...
“Mất nước ở diện quá rộng nên chúng tôi cũng không tìm ra được giải pháp nào thiết thực hơn”, ông Việt nói.
Trước câu hỏi khi nào có thể cấp nước ổn định trở lại cho hơn 70.000 hộ dân, ông Việt cho biết ít nhất cũng phải 5 ngày đến 1 tuần nữa, Viwaco mới có thể cấp nước ổn định trở lại được cho bà con.