Mất mùa lúa vì nguồn nước ô nhiễm

Thứ Bảy, 19/02/2011, 15:10
Cuộc sống của người dân khóm 3, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lâu nay vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa. Tuy nhiên, nhiều bà con nông dân bức xúc bởi vụ mùa vừa qua, họ mất mùa do cơ sở nuôi trồng thủy sản ở địa phương trực tiếp thải nước gây ô nhiễm môi trường.

Bước vào vụ xuân hè này, cánh đồng lúa của bà con nông dân ở khóm 3, thị trấn Tràm Chim tốt và xanh rì, nhiều người không hiểu về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sẽ nghĩ, đồng lúa sẽ cho mùa bội thu. Trong khi đó, các nhà khoa học, bán bộ kỹ thuật thì lắc đầu “phán” đồng ruộng có nguy cơ mất mùa cao nhất, vì lúa... quá tốt.

Ông Dương Văn Cọp, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông thị trấn Tràm Chim, cho biết: “Mấy năm nay, từ khi huyện ký hợp đồng cho Công ty TNHH Hùng Cá vào đây nuôi trồng thủy sản thì bà con nông dân đã giảm chi phí phân bón hơn 70%, lúc trước mỗi công (1.000m2) trung bình phải bón đến 50kg phân các loại, nay chỉ còn 15 đến 17kg/công. Tuy nhiên, xung đột bắt nguồn từ đây, khi lượng đạm từ các hồ cá theo nước thải trực tiếp chảy ra mương đồng, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch”.

Ông Võ Văn Niên, Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết thêm: “Cách đây vài hôm, anh Hải (kỹ sư nông nghiệp thuộc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang) đến kiểm tra chất lượng lúa (trong vùng thử nghiệm) của công ty và cho biết lượng đạm hiện tại trên đất là không thể kiểm soát được, đây cũng là tác nhân làm cho cây lúa tăng trưởng ngoài dự tính và tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn bùng phát, bệnh lép hạt sẽ xảy ra khi cây lúa bắt đầu ngậm sữa”. Trong khi đó, theo nhiều nông dân trực tiếp sản xuất từ cánh đồng này thì họ rất ngán ngại mỗi khi bước xuống ruộng. Bởi, mỗi lần lội ruộng chỉ khoảng 10 phút là thấy ngứa rần cả chân, sau đó nổi mẩn đỏ.

Những chiếc cống như thế này đêm đêm lại xả nước thải ra mương thủy lợi.

Được biết, từ năm 2007, Công ty TNHH Hùng Cá đến địa phương thuê toàn bộ mặt nước dọc theo tuyến dân cư Thanh Bình – Tam Nông với tổng diện tích là 15,6ha để nuôi trồng thủy sản.

Trong biên bản họp dân lấy ý kiến ngày 12/4/2007 có ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tràm Chim (nay là Chủ tịch UBND thị trấn) cùng đại diện doanh nghiệp Hùng Cá và 18/22 hộ dân có đất dọc theo tuyến dân cư thì doanh nghiệp Hùng Cá sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và làm 4 con đập cắt ngang qua hầm nuôi tạo điều kiện cho bà con vận chuyển nông sản, vật tư, máy móc phục vụ cho sản xuất được dễ dàng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hứa miệng, bởi đến nay 4 con đập chưa được xây dựng mà thay vào đó là 2 cây cầu ván rộng khoảng 1,2m (hiện đang xuống cấp).

Nghiêm trọng hơn, cơ sở nuôi thủy sản này đã ngang nhiên đặt cống (rộng 60cm) xả nước thải trực tiếp ra các mương thủy lợi nội đồng, tràn lên ruộng gây khó khăn cho việc kiểm soát nguồn nước và lượng đạm trong đất, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Việc làm trên bị người dân phát hiện, phản ứng buộc phải lắp lại các cống thì thỉnh thoảng người dân lại phát hiện cơ sở này tháo nước vào lúc nửa đêm.

Từ vụ lúa đông xuân năm 2007 – 2008, bà con xã viên ấp 3 (nay là khóm 3) đã làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Tam Nông và huyện phân công cho UBND thị trấn Tràm Chim giải quyết nhưng đến nay vẫn... im lặng.

Đề nghị chính quyền địa phương cử cán bộ nông nghiệp đến hướng dẫn bà con kỹ thuật rửa đất và sử dụng lượng nước cho phù hợp để đảm bảo sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Cần theo dõi giám sát những động thái của cơ sở nuôi cá trong quá trình xả nước thải để không ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân

Nam Giao – Tân Hiệp
.
.
.