Mất hàng trăm triệu đi nước ngoài kinh doanh... về tay trắng

Thứ Hai, 19/07/2010, 16:15
Đưa ra mức lương cao từ vài trăm đến một nghìn USD/tháng, được công ty cho đóng bảo hiểm xã hội, được đi khám chữa bệnh miễn phí… đó là những lời mà ông Luyện Xuân Đoàn, trú tại thôn Chi Long, xã Ngọc Long (Yên Mỹ, Hưng Yên) giới thiệu cho người dân muốn sang Cộng hòa Séc kinh doanh. Nhưng giấc mộng đổi đời đã tan thành mây khói khi họ đặt chân đến Cộng hòa Séc bằng visa kinh doanh, không có công ty, không có việc làm, sống lay lắt ở khu nhà trọ tồi tàn.

Gánh nợ bởi giấc mộng đổi đời

Chúng tôi về thôn Chi Long, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trong một buổi trưa hè nắng gắt. Căn nhà nhỏ cấp 4 của anh Ngô Văn Hùng - nạn nhân trong vụ đi kinh doanh tại Cộng hòa Séc tuềnh toàng, cạnh đó là ao cá và ruộng cà chín bị bỏ quên đã khô quắt dưới nắng hè. Gương mặt vợ chồng anh Hùng buồn rầu, lo lắng trước món nợ lên tới 200 triệu đồng chưa biết khi nào mới trả được. Anh Ngô Văn Hùng và anh Ngô Văn Nghị là hai nạn nhân của "chiếc bánh vẽ" mà ông Luyện Xuân Đoàn đã vẽ ra. Trao đổi với chúng tôi, cả hai anh đều không khỏi xót xa khi kể lại câu chuyện gần 1 năm phiêu bạt bên trời Tây...

Theo lời kể của anh Hùng thì tháng 6/2007, anh sang nhà ông Luyện Xuân Đoàn chơi. Do có người nhà tại Cộng hoà Séc, ông Đoàn đã ngỏ ý giúp cho vợ chồng anh Hùng đổi đời bằng cách đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Cộng hoà Séc. Biết anh Hùng có một người em họ là anh Ngô Văn Nghị, cùng là người trong thôn Chi Long nên ông Đoàn hứa sẽ lo được cho 2 suất. Tuy nhiên, mức phí đóng cho một công ty XKLĐ lên đến 11.100 USD/người.

Anh Hùng và anh Nghị bàn tính với vợ gom góp số tiền chắt chiu và vay mượn của họ hàng để nộp cho ông Đoàn. Gần 2 năm sau họ mới được đưa ra Hà Nội làm thủ tục. Ngày 10/1/2009 họ được sang Cộng hoà Séc bằng visa kinh doanh với thời hạn 7 tháng mà vẫn tưởng mình được đi XKLĐ. Nhưng vừa đặt chân xuống sân bay, một người đàn ông có tên Thắng tự nhận là người nhà ông Đoàn đã đến đón anh Hùng và anh Nghị. Thay vì đưa hai anh đến công ty, anh Thắng lại đưa họ thẳng đến một khu nhà trọ và bảo cứ chờ sẽ sắp xếp công việc. Hàng ngày, người đàn ông này mua cơm cho 2 anh ăn rồi lại tiếp tục hứa hẹn... Gần 1 năm không công ăn việc làm, sống chui lủi tại nhà trọ, anh Hùng và anh Nghị không còn cách nào khác là vay 1.600 USD để mua vé máy bay về nước.

Vợ chồng anh Hùng và anh Nghị bức xúc kể lại chuyện ra nước ngoài cho phóng viên.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Không có chức năng XKLĐ nhưng ông Đoàn lại tự ý đứng ra môi giới người nói là đi kinh doanh ở nước ngoài. Ông Đoàn đã trực tiếp nhận tiền của mỗi lao động là 8.500USD. Sau một thời gian dài chờ đợi không thấy được đi ra nước ngoài, anh Hùng và anh Nghị đã nhiều lần sang hỏi, ông Đoàn bảo thủ tục bên kia khó khăn, muốn đi thì nộp thêm tiền. Tổng cộng ông Đoàn đã thu của mỗi lao động là 11.000USD. Theo Công an huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cho biết, ông Đoàn tự đưa ra một bản "tuyển dụng lao động Việt Nam", trong đó có mục Hợp đồng lao động không thời hạn với rất nhiều nội dung như: người lao động được đảm bảo có công việc ổn định, được chọn công việc phù hợp, mức lương từ 600-1.000 USD/tháng, được hưởng chế độ đãi ngộ như công ty lo chỗ ở cho công nhân, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để tạo lòng tin cho anh Hùng và anh Nghị.

Thậm chí, trong tờ giấy tuyển dụng còn vẽ cả một viễn cảnh như: "Đây là hình thức tuyển tất cả các lao động trên danh nghĩa đi kinh doanh, nên tất cả các lao động sẽ có giấy phép kinh doanh tại Cộng hoà Séc và sau khi cư trú từ 5 năm đến 10 năm sẽ trở thành công dân cư trú dài hạn và được hưởng quyền lợi như công dân Séc, có thể bảo lãnh cho người thân sang đó làm ăn và sinh sống đến khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu". Nhưng trên thực tế, visa sang Cộng hoà Séc kinh doanh của anh Hùng và anh Nghị chỉ có thời hạn 7 tháng thì làm sao mà có được những quyền lợi như cam kết trên...

Theo lời khai của ông Đoàn trước cơ quan Công an, cho rằng ông không chiếm đoạt tiền của anh Hùng và anh Nghị. Số tiền 22.000 USD ông đã 4 lần giao cho chị Trịnh Thị Mai Anh, ở khu Tập thể Bộ Tài chính, phố Đê La Thành là 20.700 USD và đều có biên nhận. Số tiền còn lại (1.200USD) ông đã giao cho anh Thắng (người nhà ông Đoàn sống ở Cộng hoà Séc) trong một dịp Tết khi anh này về Việt Nam, tại một ngã tư, chỉ có 2 người với nhau, không có giấy biên nhận.

Đây mới chỉ là lời khai một phía của ông Đoàn. Nhưng với hành vi tự môi giới lao động, đưa thông tin gian dối để tạo lòng tin cho người lao động nộp tiền cho ông Đoàn cần phải được xem xét trách nhiệm một cách thấu đáo

Nhóm Phóng viên điều tra
.
.
.