Mập mờ dự án trồng rừng sau lũ

Thứ Sáu, 29/10/2010, 17:00
Sau cơn lũ lịch sử năm 1999, tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu triển khai dự án trồng rừng khắc phục lũ lụt cho các xã chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn lũ lịch sử gây ra.

Thế nhưng, 10 năm trồng rừng, nhiều gia đình tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) mới té ngửa khi thu hoạch thì bị Hạt kiểm lâm huyện Phú Lộc về áp giá toàn bộ diện tích trên chính mảnh đất của dân, mà từng hộ được hưởng lợi (theo quy định của tỉnh), sau 10 năm họ trồng rừng lợi ích họ thu lại là con số không…

Phải xác định ngay, đây là dự án trồng rừng khắc phục lũ lụt sau cơn lũ lịch sử năm 1999. Tỉnh Thừa Thiên - Huế ra chủ trương này là để hỗ trợ vốn trồng rừng cho nhiều địa phương sau cơn lũ lịch sử năm 1999, vì thế hàng trăm hộ dân được hỗ trợ vốn, giống, công bảo vệ và chăm sóc cây. Trong đó, chi phí cây giống (850 nghìn đồng/ha); 3 năm đầu mỗi hécta được tỉnh hỗ trợ là 420 nghìn đồng. Hưởng ứng chủ trương trên, gần 90 hộ dân các xã Lộc Trì, Lộc Bình, Lộc Sơn đã tham gia trồng rừng. Và đến ngày thu hoạch họ mới té ngửa, khi Hạt kiểm lâm huyện Phú Lộc về áp giá như rừng các dự án khác.

Theo Quyết định 1430, ban hành tháng 6-2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; về việc hưởng lợi khi khai thác tận thu tận dụng gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh, thì các hộ dân trồng rừng còn lại tại xã Lộc Bình phải trích nộp 65% ngân sách để đầu tư cho công tác trồng rừng, bảo vệ rừng; 3% cho chính quyền xã, 17% cho chủ rừng (Hạt kiểm lâm huyện), người trồng rừng chỉ còn lại 15%.

Ông Nguyễn Ngọc Đình (xã Lộc Bình) và khu rừng trồng sau 10 năm.

Ông Nguyễn Thái, hộ dân trồng rừng tại xã Lộc Bình, bức xúc nói: "Năm 2006, cơn bão số 6 đã tàn phá một phần diện tích trồng rừng, nhiều diện tích của các hộ dân đã tiến hành khai thác và họ được hưởng lợi 100% mà không phải nộp một khoản nào. Hơn 23,5ha rừng không bị hại tiếp tục bị "treo" thời hạn thanh lý. Tuy nhiên, đến năm 2010 khi chúng tôi xin thanh lý rừng thì nhận được bảng áp giá theo Quyết định 1430 của UBND tỉnh. Nhiều hộ dân bức xúc, khi trồng năm 2000 là chưa có quyết định của UBND tỉnh, và những người dân nào khai thác trước năm 2006 thì không chịu một chi phí nào. Đùng một cái, tỉnh ra quyết định áp giá, nếu tính theo bảng áp giá cho dân, người trồng rừng 10 năm họ hưởng chưa được 2 triệu đồng".

Không riêng gì hộ gia đình ông Nguyễn Thái, nhiều hộ dân xã này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan đến ngày thu hoạch, không thu thì lãng phí, mà thu thì không được bao nhiêu. Họ không dám thanh lý, vì thanh lý sẽ lỗ so với tiền chăm sóc, trồng rừng.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Lộc, ông Tống Phước An nói: "Chúng tôi làm là theo căn cứ quyết định của UBND tỉnh, dù biết rằng quyết định đó không hợp với rừng khắc phục lũ lụt, dân chịu thiệt nhưng nhiều lần chúng tôi kiến nghị, nhiều lần đề xuất các ngành có trách nhiệm vẫn chưa có động thái gì. Chúng tôi làm theo văn bản, quyết định, không thể làm trái được"...

Ngọc Minh
.
.
.