Mầm non tư thục: Không thể chỉ là trông giữ trẻ

Thứ Sáu, 13/03/2009, 14:37
40 cháu nhỏ chen chúc trong căn nhà chỉ rộng hơn 30m2, cháu nào cháu nấy ngồi im phăng phắc vì chuẩn bị được xem cô giữ trẻ "phạt" một bạn bằng phương pháp "ủ lò" - tức là ai có lỗi thì cô sẽ trùm chăn bông lên người bạn đó và cho các cháu nhảy lên...

Chất lượng chăm sóc sức khỏe, ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh tai nạn cho trẻ trong các cơ sở nhóm, lớp tư thục tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ, đặc biệt là nhóm lớp mầm non tư thục (MNTT) chưa được cấp phép.

Nhiều nhóm, lớp MNTT quản lý bữa ăn của trẻ chưa chặt chẽ, thiếu công khai trong việc chi tiêu ăn uống hằng ngày, có nơi cắt xén chương trình và dạy chữ trước theo chương trình lớp 1. Đặc biệt còn tới 41,8% số nhóm lớp chỉ thực hiện việc trông giữ trẻ là chính…

Đó là những thông tin mới nhất được Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) đưa ra tại hội thảo toàn quốc tìm "Biện pháp quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục MNTT" do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/3 tại Hà Nội.

Chế độ chính sách cho GV, chất lượng chăm sóc trẻ, mức học phí… còn rất lộn xộn

Không thể phủ nhận mạng lưới trường, lớp MNTT phát triển nhanh, đã đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, tạo thêm chỗ trẻ học, đồng thời tạo việc làm cho một số lao động, góp phần giảm áp lực cho các trường công lập. Nhưng khi các cơ sở MNTT càng bung ra mạnh, thì càng nảy sinh nhiều vấn đề, gây lo lắng cho toàn xã hội, từ trình độ đội ngũ giáo viên, đến cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc trẻ.

Theo nhận định của Vụ GDMN, điều đáng lo ngại là đội ngũ GVMNTT thiếu ổn định, thu nhập rất khác nhau, nơi cao thì lương 3,5 triệu đồng/tháng như Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; nơi thấp chỉ 600.000 đồng/tháng như Bắc Giang, Hà Nội.

Thêm nữa, chế độ chính sách đối với GV tại các cơ sở MNTT chưa được các chủ trường, lớp quan tâm, đặc biệt là chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ, thai sản, đóng bảo hiểm. Tại Đà Nẵng, chỉ có 35% số GV được hưởng chế độ BHXH và BHYT.

Được vui chơi tại những lớp học rộng rãi, đủ ánh sáng là nhu cầu thiết yếu của trẻ.

Về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy của GV còn hạn chế, việc tổ chức cho trẻ hoạt động, vui chơi theo chương trình quy định chưa đảm bảo chất lượng, chỉ lo cho trẻ ăn ngủ là chính.

Cách đây không lâu, tôi đã thâm nhập vào một cơ sở MNTT ở Hà Nội và được chứng kiến cảnh 40 cháu nhỏ chen chúc trong căn nhà chỉ rộng hơn 30m2, cháu nào cháu nấy ngồi im phăng phắc vì chuẩn bị được xem cô giữ trẻ "phạt" một bạn bằng phương pháp "ủ lò" - tức là ai có lỗi thì cô sẽ trùm chăn bông lên người bạn đó và cho các cháu nhảy lên. Nhiều phụ huynh khi nghe con kể lại phát hoảng, đã phải xin cho con sang học trường tư thục khác…

Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mức đóng góp cho trẻ ăn tại các cơ sở MNTT rất khác nhau, thấp nhất là 3.000 đồng/trẻ/ngày, cao nhất là 45.000 đồng/trẻ/ngày. Mức thu học phí cũng rất khác nhau, trung bình từ 200.000 - 500.000 đồng/tháng, nơi thấp nhất là 100.000 đồng/tháng. Thu thấp thì chất lượng chăm sóc cũng sẽ rất thấp. Quản lý mức thu học phí tại các cơ sở GDMNTT cũng là một thách thức rất lớn đối với các nhà quản lý.

Cần giao đất, cho thuê đất, cho vay vốn, tạo điều kiện để các cơ sở xây dựng trường

Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho những hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong nhiều cơ sở MNTT. Do quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển quá nhanh (TP HCM trong vòng 5 năm, trung bình mỗi năm tăng hơn 4.000 trẻ). Nhiều nơi quy mô nhỏ lẻ mang tính tự phát, manh mún, thiếu ổn định, không theo quy hoạch, trong khi biên chế cán bộ quản lý giáo dục mầm non tại các Sở, Phòng Giáo dục không tăng, nên quản lý rất khó khăn. Mặt khác, một số địa phương còn buông lỏng việc cấp quyết định thành lập, hoặc mang tính đối phó, thiếu kiên quyết trong việc đình chỉ các cơ sở nhóm, lớp tư thục không đủ điều kiện.

Hiện vẫn còn tới 47,8% số phòng học chưa đạt yêu cầu theo quy chế, các nhóm lớp tư thục đều được cải tạo từ nhà ở, nên hầu hết phòng ốc chật hẹp, không đủ ánh sáng; các trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy học còn thiếu thốn, bếp ăn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo đại diện của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, hiện tỉnh này đang rất thiếu nguồn để tuyển đội ngũ GV MNTT có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên; mức học phí giữa hai loại hình trường MNTT và MN công lập chênh lệch quá lớn, tạo sự bất bình đẳng về quyền lợi của người thụ hưởng. Do đó, Lào Cai kiến nghị Bộ GD&ĐT ban hành chế độ học phí không quá chênh lệch giữa tư thục và công lập.

Trường MNTT Trưng Vương (TP Hải Phòng) thì đề xuất, phải có cơ chế cụ thể ưu tiên trong việc phát triển trường, lớp MNTT như giao quỹ đất, vay vốn đầu tư, thuê các cơ sở vật chất của các cơ quan, doanh nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng; đồng thời cần có cơ chế để các cháu học ở trường MNTT cũng được hưởng một phần đầu tư ngân sách nhà nước, đem lại sự công bằng cho các cháu, khi đi học ở bất cứ loại hình trường nào. Nhiều trường MNTT còn kiến nghị ưu tiên miễn thu thuế, truy thu thuế đối với các nhóm trẻ - lớp mẫu giáo…

Tại hội thảo, Vụ GDMN đề xuất các UBND tỉnh, thành phố cần có chính sách giao đất, cho thuê đất, cho vay vốn xây dựng trường MNTT, hỗ trợ trang thiết bị, đồ chơi cho các nhóm trẻ khó khăn và có chính sách hỗ trợ GVMN. Để chấn chỉnh lại những lộn xộn tại các cơ sở MNTT, phải kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy chế như cắt xén, hoặc dạy không đúng chương trình do Bộ GD&ĐT quy định, không đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ, hoặc có hành vi ngược đãi trẻ. Yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở không đủ điều kiện, những cơ sở có số trẻ vượt quy định 50 trẻ, sớm hoàn thiện các điều kiện để thành lập trường theo quy chế.

Thời gian tới, mục tiêu Bộ GD&ĐT đưa ra là sẽ phấn đấu 100% GVMNTT phải đạt trình độ đào tạo chuẩn…

Theo số liệu báo cáo của 58 tỉnh, thành phố, toàn quốc hiện có 822 trường MNTT, trong đó số trường đã được cấp phép là 426, chiếm 51,8%. Tổng số nhóm, lớp MNTT lẻ là 9.332 nhưng chỉ có 4.017 nhóm lớp được phép thành lập, chỉ chiếm 43%. Những địa phương có tỷ lệ trường, nhóm, lớp MNTT chưa được cấp phép ở mức cao là Nam Định (102/140 nhóm lớp lẻ), Hưng Yên (162/197), Phú Thọ (324/348), Quảng Ninh (356/460), Hải Phòng (355/453)…

Năm học 2007 - 2008, Bà Rịa - Vũng Tàu cho ngưng hoạt động 15 cơ sở MNTT; Hà Nội giải thể 68 cơ sở, xử phạt hành chính 8 cơ sở và gia hạn khắc phục 7 cơ sở; TP HCM xử lý từ 500.000 tới 10 triệu đồng một số nơi vi phạm nghiêm trọng.

Thu Phương
.
.
.