Mái nhà của những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ
Dù có những đổi thay nhưng nơi ấy vẫn là vùng đất cách biệt với thế giới bên ngoài đầy nắng gió và những nhọc nhằn. Biểu hiện đậm nét của cái cực, cái khổ ấy là con số hơn 1.000 con người ở đủ độ tuổi, tiêm nhiễm lối sống đầu đường xó chợ, mang trong mình đủ thứ bệnh tật… cần được vực dậy tương lai và chăm sóc sức khỏe.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa tuy đóng trên địa bàn huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương nhưng trực thuộc sự chỉ đạo quản lý của Sở LĐ-TB&XH TP HCM. "Trong nhiều trung tâm nghiệp vụ của Sở như Làng trẻ em Tam Bình (chăm lo cho các cháu thiếu nhi), Trường mầm non 6 (chăm lo các cháu bị bại não), cơ sở người già Thạnh Lộc (chuyên về các cụ già có hoàn cảnh neo đơn)… thì Trung tâm BTXH Chánh Phú Hòa cáng đáng nhiều chức năng nhất vì phải chăm lo gần 1.200 đối tượng lang thang gồm trẻ em, người già, người khuyết tật, người trong độ tuổi lao động, thai phụ và các bà mẹ sinh con nhỏ…
Để hoàn thành nhiệm vụ, các bộ phận trong trung tâm như giáo dục viên, bảo vệ, hậu cần… đặc biệt là bộ phận y tế phải nỗ lực làm việc với muôn vàn khó khăn chồng chất. Chỉ có 19 anh chị em mà phải chăm lo cho hơn 1.200 người (kể cả lực lượng cán bộ trung tâm), nếu không có ý chí và quyết tâm cao độ thì khó mà trụ nổi.
Điều kiện sống và làm việc thiếu thốn, lại thêm "gánh nặng" đồng lương công chức… khiến không ít cán bộ y tế lúc đầu hăm hở để rồi sau đó phải bỏ cuộc. Vậy nhưng vẫn có những anh chị, nhất là các anh chị trong tổ y tế dù nhà cửa, vợ con ở thành phố… vẫn kiên gan bám trụ ở nơi heo hút này tới cùng. Đó là y sĩ Nguyễn Viết Toan có thâm niên hơn 20 năm. Là điều dưỡng viên Trần Thị Miêng cũng có ngần ấy năm gắn bó với những cảnh đời lang thang nay đau mai bệnh. Là anh Đỗ Hùng Tiến, Phó trưởng trạm y tế, giữ kỷ lục ở trung tâm được 31 năm… và nhiều anh chị khác nữa.
Phó trưởng trạm Nguyễn Hùng Tiến - người giữ kỷ lục 31 năm gắn bó với trung tâm. |
Để chúng tôi có thể hình dung những nhọc nhằn của các anh chị blouse trắng ở trung tâm, anh Trần Văn Ba, nhân viên phụ trách tổ chăm sóc 36 cụ già tại khu tàn tật, nhiệt tình đưa khách đến thăm khu tập trung hơn 400 người bị khuyết tật với đủ dạng đui, mù, mất tay, chân… "Ngặt nỗi những căn bệnh ấy là bệnh mạn tính, như bệnh da liễu, bệnh xương khớp, bệnh huyết áp… nên không thể điều trị một sớm một chiều. Hễ trái nắng trở trời là họ đau, là cần được đưa đến trạm xá cho các y bác sĩ chăm sóc. Thế nên chúng tôi làm việc còn có giờ nghỉ chứ các y bác sĩ ở trung tâm thì làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm".
Hôm nay cuối tuần lẽ ra về thăm gia đình ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh) nhưng Phó trưởng trạm Đỗ Hùng Tiến vẫn ở lại đón đoàn bác sĩ cũng ở thành phố đến khám chữa bệnh từ thiện cho trại viên. Anh trải lòng: "Chẳng ai lại nghĩ một ngày nào đó mình phải mang thương tật, phải sống lây lất, lê lết giữa đời và trông đợi vào lòng trắc ẩn của người khác. Cứ nghĩ giữa lúc mình chăn êm nệm ấm thì họ đói ăn đói mặc, sống không biết ngày mai sẽ ra sao nên dẫu lắm lúc muốn dứt áo ra đi, chúng tôi lại không nỡ. Cứ thế mà 10 năm, 20 năm trôi qua…".
Mặt trời lặn dần. Tiễn đoàn bác sĩ khám chữa bệnh từ thiện lên xe trở về chốn phồn hoa đô hội, những bóng áo blouse trắng tất bật trở lại phòng khám, nơi có hàng chục cụ già và người khuyết tật đang bị các cơn đau, vết thương hành hạ cần được chữa trị, thay băng. Điều này đồng nghĩa với đêm nay các anh chị lại phải thức trắng, lại lấy hình vợ - con ra ngắm nhìn cho đỡ nỗi nhớ thương… Đường về, những hình ảnh xúc động, hy sinh thầm lặng ấy của các "chiến sĩ" blouse trắng ấy cứ theo mãi chúng tôi trên từng vòng xe quay