Mắc bẫy vì tin lời 'cò' lao động

Chủ Nhật, 17/05/2015, 14:26
Đất hoạt động của “cò” việc làm là các bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), An Sương (quận 12), Miền Đông (quận Bình Thạnh), khu công nghiệp Sóng Thần (quận Thủ Đức), khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân)…

Anh N.V.D (25 tuổi, quê Trà Vinh) được đội ngũ xe ôm trước cổng bến xe Miền Tây săn đón, đưa vào trung tâm giới thiệu việc làm M.Q. (phường An Lạc A, quận Bình Tân) ngay sau khi xuống tới bến xe. Nghe lời giới thiệu có cánh về công việc nhẹ nhàng, lương cao, anh kí vào tờ cam kết và nhận việc phụ xe tải. 

“Không giống như lời giới thiệu của trung tâm, mình phải vác gạo, cám mỗi bao 50kg, cứ xe đến là phải làm cả ngày. Giờ nghỉ xin ra ngoài cũng không cho mà bắt giam mình tại nơi làm việc luôn”, anh D. nói. Sau một thời gian làm việc, không chịu nổi áp lực và sự nặng nhọc, anh D. quyết định nghỉ việc. Tuy nhiên, trung tâm giới thiệu việc làm buộc anh phải nộp 800 ngàn đồng mới cho nghỉ và mới gọi cho chủ lao động trả lại quần áo, đồ đạc. Anh D. đành trả đủ tiền mới thoát thân.

Bến xe Miền Tây. Ảnh: K.H.

Mới đây, ngày 25/3, Công an TP HCM ra lệnh tạm giữ vợ chồng chủ quán karaoke Ngọc Hiếu (phường Cát Lái, quận 2) là Nguyễn Xuân Thành (39 tuổi) và Nguyễn Thị Kiều (45 tuổi, cùng ngụ quận 2) cùng hai nhân viên Dương Hoàng Hân (22 tuổi) và Kim Chương (28 tuổi, cùng quê Trà Vinh) để điều tra về hành vi “bắt giữ người trái phép”, thông tin từ đơn tố cáo của chị N.T.B. là nhân viên phục vụ quán về việc bị giam lỏng, ép phải “tiếp khách”.

Ngày 18/3, thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm, chị B. được giới thiệu tới quán karaoke Ngọc Hiếu. Tại đây còn có 5 nữ nhân viên phục vụ cũng từ các tỉnh miền Tây lên làm việc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm. Họ bị chủ quán cho người canh giữ và bị nhốt trong một phòng kín sau khi hết ca. Không chịu nổi yêu cầu “làm khách hài lòng” của chủ quán, chị B. xin nghỉ và gửi đơn tố cáo.

Trong vai người đi tìm việc, phóng viên đến khu vực bến xe Miền Tây, một xe ôm xưng tên Hưng nhanh nhảu đề nghị giới thiệu, tìm việc miễn phí, chỉ cần chúng tôi có CMND.

Chúng tôi được chở đến trụ sở Công ty H.S.Q (phường An Lạc, quận Bình Tân). Căn nhà ba tầng với tấm biển “Giới thiệu việc làm miễn phí” đang có gần 10 người ngồi đợi phỏng vấn xin việc. Nhân viên yêu cầu chúng tôi phải nộp CMND ghi họ tên, tuổi và quê quán vào một tờ giấy rồi bắt chúng tôi kí vào.

Tìm cớ kéo dài thời gian, chúng tôi nói có đứa em gái ở miền Tây đang lên đây tìm việc thì nhân viên này mời gọi nếu là nữ mà tuổi còn trẻ, dưới 25 tuổi thì có rất nhiều đầu việc nhẹ nhàng, lương cao như làm nhân viên phục vụ quán nhậu, karaoke. Tiền lương cơ bản là 2,5 triệu đồng/tháng, thu nhập chính vẫn là tiền bo của khách, “mỗi tháng lên đến hơn chục triệu đồng”.

Những người tới trung tâm môi giới việc làm này đều bị yêu cầu nộp CMND bản gốc, phải kí vào tờ giấy “thỏa thuận nhận việc làm” trong đó ghi rõ “người xin việc phải nộp giấy CMND để người sử dụng lao động đăng ký tạm trú. Ngay sau khi kí thỏa thuận, nếu đổi ý hoặc không làm quá 3 ngày một chỗ, mà muốn lấy lại CMND thì phải trả cho công ty số tiền 300.000 đồng. Khi nhận việc, người lao động phải kí “thỏa thuận cung ứng lao động phổ thông” với quy định sau 6 ngày, nếu bỏ việc hoặc đổi việc thì phải trả 800 nghìn đồng chưa kể chi phí xe ôm và các chi phí khác do các trung tâm phải chi hoa hồng cho đội ngũ xe ôm dẫn khách.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP HCM hướng dẫn: “Người tìm việc nên vào các trung tâm uy tín của thành phố, không nghe theo lời lôi kéo của những người hành nghề xe ôm, người lạ ở trước các bến xe để tránh bị đưa vào đường dây “bán” lao động, bị lừa đảo”. Ngoài ra, người lao động cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bởi hiện tại tất cả các công ty trên địa bàn thành phố khi nhận công nhân đều yêu cầu hồ sơ đầy đủ chứ không phải chỉ có CMND.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM) khuyến cáo, người tìm việc không nên giao các bản gốc giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ cho các công ty, trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tránh việc bị lợi dụng hoặc gây khó dễ về sau. Theo ông Chánh, khi có trục trặc, người lao động cần mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các công ty làm dịch vụ.

PV
.
.
.