“Ma tốc độ”, thủ phạm gây ra TNGT từ phía sau

Thứ Ba, 04/11/2014, 15:05
Không làm chủ tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) từ phía sau, từ bên kia đường như một thứ tai họa bất thần ập xuống người khác và phương tiên lưu thông đúng luật, đúng quy định. “Ma tốc độ” có khi được hình thành từ “ma men”, từ người điều khiển phương tiện không chấp hành luật lê giao thông và thói chủ quan, lỗi sự cố kỹ thuật…

Theo nghiên cứu của các chuyên gia về giao thông, tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây TNGT. Các thông số tính toán cũng cho thấy, nếu tốc độ tăng 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Từ thực tế đó, UBATGT quốc gia, Ban ATGT các tỉnh thành phố và lực lượng CSGT luôn tăng cường các biện pháp kiểm soát tốc độ các loại phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là xe khách, xe tải ben và xe gắn máy.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT, UBATGT quốc gia cũng tiến hành đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, xóa điểm đen, cắm biển báo tốc độ, phạt nồng độ cồn vượt mức cho phép, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera an toàn giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm tra giám sát tập trung và lưu động…

Một vụ TNGT do xe chạy với tốc độ cao.

Hơn 80% vụ TNGT nghiêm trọng do lỗi người điều khiển phương tiện. Trong đó có khá nhiều vụ TNGT gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Thêm một lần nữa cần gióng chuông cảnh báo nguy cấp về tốc độ giao thông đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ quanh ta. Nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước về giao thông hiện nay cũng được đặt ra, cần sớm xem xét .

Đã có nhiều ý kiến cho rằng lái xe bất cẩn gây TNGT trên hành trình chủ yếu là do chủ xe “ép” tiến độ, thời gian, dù xe đã gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) với các quy định rất rõ. Từ 1/7/2013 trở về trước, thiết bị này bắt buộc nhưng chưa kiểm tra, mục tiêu để các chủ phương tiện tự giác thực hiện, nhưng từ ngày 1/7/2013 trở đi, sẽ tiến hành xử phạt đối với tất cả chủ xe và lái xe không lắp thiết bị hành trình hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động. Tất cả những thông số trên hộp đen sẽ báo hành trình của xe cũng như điều kiện xử lý doanh nghiệp.

Lái xe không tuân thủ quy định về tốc độ trở thành một hiện tượng phố biến, thậm chí “đối phó” với CSGT khi qua trạm, chốt tuần tra, kiểm soát sau đó tiếp tục chạy với tốc độ rất cao “để bù” lúc “bò qua” khu vực có CSGT. Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn TP đã xảy ra 595 vụ TNGT, làm 501 người chết và 213 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2013 giảm cả 3 tiêu chí.

Các nguyên nhân chính gây ra TNGT: Lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định 17,2%, vi phạm tốc độ chiếm 11,5%... Điều này cho thấy, nguyên nhân dẫn đến TNGT xuất phát chủ yếu từ người tham gia giao thông, vi phạm lỗi chủ quan.

Nghị định số 171/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Đối với xe môtô nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km đến trên 20km/h, tùy mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 3.000.000 đồng. Đối với ôtô, nếu điều khiển chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 20km/h, tùy mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 3.000.000 đồng. Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h, sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng, giữ giấy phép lái xe 1 tháng.

Chế tài xử phạt như trên là khá nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến người lái xe, bước đầu đã có hiệu quả làm giảm đáng kể tình hình TNGT và ùn tắc giao thông. Nhưng vẫn chưa có tính răn đe, giáo dục cao như mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, đặc biệt với người lái xe môtô, hai, ba bánh. Vì tính tự giác chưa thật sự trở thành một thói quen tự nguyện, tự giác mà chỉ dùng trong việc đối phó.

Tài xế Lê Anh Động, lái xe khách tuyến Sài Gòn - Nha Trang hơn 30 năm đã cho biết, khi lưu thông trên những cung đường vắng, các lái xe phát “tín hiệu” báo cho nhau không có CSGT, hầu hết tài xế đều tăng tốc ngay, không một ai chạy đúng tốc độ quy định. Ai cũng biết câu “đi ngang, về tắt” để chỉ hành vi thiếu đứng đắn, không tuân thủ luật lệ của con người khi ứng xử trong cuộc sống, nhưng dường như không ai nhận thấy mình sai khi cố tình tăng tốc lúc đang cầm vô lăng.

Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBATGT quốc gia, nếu chạy xe với tốc độ thấp, an toàn thì lái xe có thể xử lý các tình huống chính xác hơn, giảm thiểu tai nạn. Ngay cả trong trường hợp xảy ra tai nạn, xe chạy với tốc độ thấp cũng làm mức độ thiệt hại giảm xuống đáng kể. Nhiều tài xế thường xuyên chạy xe quá tốc độ do họ quá tự tin vào tay lái của mình và áp lực về doanh số, kinh doanh nên phóng nhanh, vượt ẩu để giành khách, về bến sớm.

Công việc đảm bảo an toàn giao thông là công việc liên tục, không bao giờ kết thúc, khi nào con người còn tham gia các hoạt động giao thông. Vì phần lớn các vụ TNGT gây tử vong có liên quan đến người điều khiển vi phạm tốc độ, không làm chủ tay lái, không kịp xử lý các tình huống xảy ra…

Cần phải mạnh tay và quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm về tốc độ giao thông, thậm chí tước vĩnh viễn bằng lái xe nếu người vi phạm tái diễn vi phạm tốc độ nhiều lần. Tất cả các vụ TNGT đã và đang diễn ra hằng ngày hầu như liên quan đến tốc độ. Ngay như vụ tài xế dũng cảm đâm xe vào vách núi tại Khánh Hòa trước đây cũng đã cho thấy, tốc độ quy định đổ dốc đèo chỉ 30km/h, nhưng tài xế đã chạy và thả số cao hơn rất nhiều dẫn đến thắng gấp, thắng nhiều lần làm hỏng, cháy thắng dẫn đến tai nạn.

Tính mạng của hàng chục con người trên xe đều phó thác vào tay nghề của tài xế chưa đủ, mà còn tính tự giác chấp hành đúng luật giao thông của mỗi tài xế khi điều khiển phương tiện lưu thông

Hoàng Châu
.
.
.