Lương giáo viên sẽ được đề nghị ở mức cao nhất

Thứ Tư, 26/03/2014, 13:24
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi quán triệt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT cho Đảng bộ Học viện Chính trị Khu vực I ngày 25/3. Bên cạnh những thành tựu và hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu trong Nghị quyết, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh đến quan điểm, định hướng đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.

Bộ trưởng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là vừa phải kế thừa, vừa phải cụ thể hoá những truyền thống, thành tựu về giáo dục mà cha ông ta để lại. Chúng ta kế thừa những truyền thống: "Đức, trí, thể, mĩ"; "Có đức mới có tài"; "Học đi đôi với hành"... hay những quan điểm chỉ đạo sáng suốt của Đảng về giáo dục đã có từ trước đây: "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", "Giáo dục là quốc sách hàng đầu"... Nhưng chúng ta cần cụ thể hoá những điều này. Vị tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, cụ thể hoá những truyền thống, thành tựu giáo dục trong thời gian qua phải thống nhất về nhận thức chứ không phải nói giống nhau là thống nhất. Nghị quyết 29 của Trung ương lần này đã cụ thể hoá thêm nhiều điều trong đó có nhấn mạnh: "Đầu tư cho giáo dục là một biện pháp nằm trong chương trình phát triển kinh tế xã hội và phải được đầu tư trước". Bộ trưởng cho biết, cá nhân ông rất tâm đắc với  điểm này trong Nghị quyết vì khi bàn đến kinh tế xã hội là phải bàn đến giáo dục và giáo dục phải được đầu tư trước. Một trong những việc làm cụ thể hoá này, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo và  mạnh dạn xin ý kiến Quốc hội, sắp tới sẽ nâng lương giáo viên lên bậc cao nhất.

Nếu lương giáo viên được đề nghị tăng ở mức cao nhất, những giáo viên vùng cao sẽ yên tâm hơn để gắn bó với nghề.

Nói về thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kêu gọi toàn xã hội, các bậc phụ huynh hãy cùng đổi mới với ngành. Theo Bộ trưởng, đổi mới toàn diện là đổi mới từ thầy đến trò, đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, thi cử, chương trình sách giáo khoa... nhưng tất cả điều đó vẫn chưa đủ khi nhận thức của xã hội trong đó có các bậc phụ huynh chưa được thay đổi. Bộ trưởng cho rằng các bậc phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào thành tích học tập của con em mình khi các cháu còn rất nhỏ, điều này sẽ dẫn đến bệnh thành tích trong giáo dục nặng thêm. Sắp tới, theo tinh thần của Nghị quyết, ngành giáo dục sẽ chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Khi gia đình, nhà trường cùng thay đổi, xã hội thay đổi, điều đó mới góp phần thực hiện Nghị quyết thành công.

Bộ trưởng cũng cho biết, nền giáo dục của chúng ta đang thay đổi theo hướng mới đi lên của cả thế giới nhưng không thể thay đổi ngay vì hơn 20 triệu học sinh của chúng ta không được phép dừng học dù chỉ một giờ để chúng ta kiện toàn đổi mới rồi tiếp tục công việc giáo dục và đào tạo. Công việc đổi mới này cần được làm song song với quá trình dạy và học. Đây là một trong những điều rất khó đối với ngành. Bộ trưởng chia sẻ, xã hội cũng không nên quá nôn nóng mà hãy đặt niềm tin, cùng chung tay góp sức để cùng ngành giáo dục thực hiện thành công Nghị quyết của Trung ương đã đề ra

Phạm Kim Anh
.
.
.