Lũ chồng lũ, người dân Hà Tĩnh gồng mình trong nước

Thứ Hai, 18/10/2010, 17:30
Liên tiếp trong những ngày qua, trên toàn địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa đo được ở nhiều nơi ở các huyện miền núi Hà Tĩnh lên đến 810 mm. Mực nước ở các sông lên cực to, trên báo động ba từ 2-3,5 mét. Cộng với lượng nước còn tích lại ở trận lũ vừa cách đây hai tuần nên đã làm ngập lụt 198/262 xã phường, thị trấn, trong đó 105 xã bị chia cắt hoàn toàn.

Giao thông Nam - Bắc, Đông - Tây gần như tê liệt bởi các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 8, Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Hà Tĩnh bị lũ làm ngập nhiều đoạn sâu từ 0,5 -1,5 mét (Đường Hồ Chí Minh ngập sâu 1,5 từ km 808 đến km 817 đoạn Phúc Đồng (Hương Khê); đặc biệt, Quốc lộ 1A ngập nhiều đoạn sâu hơn 1 mét như đoạn qua xã Vượng Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Xuân Lam (Nghi Xuân)... Quốc lộ 8 đoạn thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn cũng không thể qua lại được. Các tuyến đường 15A, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 5 cùng hàng trăm km đường liên huyện, liên xã cũng bị biến thành sông có độ sâu từ 1-3 mét. Giao thông tại Hà Tĩnh giữa các địa phương bị tê liệt hoàn toàn.

Đợt mưa lũ ác liệt đầu tháng 10 chưa rút hết, Hà Tĩnh lại phải đối mặt với một trận lũ lịch sử chưa từng có trong vòng 100 năm qua trên lưu vực sông Ngàn Sâu. Mưa với cường suất lớn, kết hợp xả lũ hồ Kẻ Gỗ (để đảm bảo an toàn cho công trình) đã gây ra trận lũ chưa từng có, làm ngập lụt 178 xã của tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tính đến sáng ngày 17/10, Hà Tĩnh đã có 28 người chết và mất tích, trong đó: Nghi Xuân 20; Can Lộc 4 người, thành phố Hà Tĩnh 2 người, Kỳ Anh 1 người và Hương Sơn 1 người.

Nhiều nhà dân dỡ ngói để chờ ứng cứu.

Theo Văn phòng BCH PCLB Hà Tĩnh, đến hôm nay 18/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 105 xã bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn. Lũ không chỉ làm ngập lụt các địa phương miền núi mà còn gây ngập lớn ở nội đồng, làm 12/12 huyện, thành phố, thị trong tỉnh bị ngập, trong đó nhiều địa phương ngập sâu, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên ngập lụt 91 thôn của 11 xã, ảnh hưởng trực tiếp đến 30.000 nhân khẩu của 8.571 hộ dân.

Huyện Hương Khê lũ lụt chia cắt hoàn toàn 14/22 xã, thị trấn; trên 30.000 hộ dân bị ngập, trong đó hơn 20.000 hộ bị ngập sâu từ 2 - 3 m; 100 nhà dân bị trôi; 1 cầu treo ở xã Gia Phố bị đứt; đập Làng (Hương Giang), đập Miệu (Hương Vĩnh), đập Rú Mạo (Phúc Đồng) … bị sạt lở nghiêm trọng.

Huyện Hương Sơn, mưa lũ đã làm đập Khe Mơ ( trữ lượng 0,75 triệu m3 nước) bị vỡ khoảng 25m tại địa phận xã Sơn Hàm, 23/32 xã với khoảng 15.000 hộ dân bị ngập; 40 trường học, 12 trạm xá, 90 hộ quán, 2 trạm bưu điện văn hóa xã bị ngập…

Huyện Kỳ Anh, nước đã làm ngập cục bộ một số xã trong vùng tái định cư: Kỳ Liên, Kỳ Long; các xã Kỳ Thượng, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn bị chia cắt; nước cuốn trôi 1,5 km kênh và làm ngập cống chính đập Khe Chọ (xã Kỳ Bắc), cuốn trôi cống ngầm tràn khe Cấy (tuyến Kỳ Lâm - Kỳ Thượng) và cầu tạm nối 2 khu vực tái định cư thuộc xã Kỳ Long.

Thị xã Hồng Lĩnh: 4/6 phường, xã với hơn 1.900 nhà dân, 6 trường học, trạm xá bị ngập lụt; hơn 1.000 người dân phải sơ tán đến các nơi an toàn. Huyện Vũ Quang: 85 thôn của 12/12 xã, thị trấn bị nước lũ cô lập; 3.721 hộ bị ngập; 7.255 họ bị ảnh hưởng; di dời 2.000 hộ dân. Huyện Đức Thọ: Khoảng 20.000 nhà dân bị ngập, trong đó 7 xã vùng thượng bị cô lập hoàn toàn.

Huyện Lộc Hà: 3.505 nhà/10.519 nhân khẩu phải sơ tán, 4.897m3 đê và nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện Can Lộc: Hơn 20.000 hộ dân bị ngập từ 0,8 - 2m. Huyện Thạch Hà ngập hoàn toàn 3 1/31 xã, thị trấn; hơn 17.000 hộ dân bị ngập.

Huyện Nghi Xuân có 7 xã bị ngập, trong đó có 20 thôn với khoảng 300 hộ bị ngập nặng, 8 nhà dân ở xã Xuân Lam bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất. TP Hà Tĩnh hiện 1.130 hộ dân ở các xã Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Môn … bị ngập hoàn toàn.

Nhiều tuyến đường bị chia cắt.

Chưa thể lường thống kê, kiểm đếm hết thiệt hại vào thời điểm này khi dự báo trong nhiều ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa lớn trên diện rộng và tình hình ngập lụt sẽ còn nghiêm trọng hơn. Đến thời điểm này, 100% hồ chứa vừa và nhỏ, các đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn mực nước đã dâng cao vượt quá cao trình và nguy cơ tràn qua thân đập rất cao, đe dọa nguy hiểm tính mạng của người dân.

Để chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ kinh hoàng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã kịp thời triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ và Ban chỉ đạo PCLB Trung ương; đồng thời phát các Công điện khẩn dự báo, cảnh báo và chỉ đạo các địa phương triển khai đối phó với diễn biến hết sức phức tạp của mưa lũ xẩy ra trên địa bàn.

Sơ tán dân kịp thời là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và các lực lượng liên quan ở Hà Tĩnh trong những ngày qua. Tính đến sáng ngày 18/10, tỉnh đã huy động 35 xuống cao tốc của tỉnh, 5 xuồng cao tốc của Quân khu 4 và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng với lực lượng dân quân tự vệ trực tiếp ứng cứu, sơ tán an toàn cho 17.000 hộ với 68.000 nhân khẩu của các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn...

Cùng đó, Hà Tĩnh đã huy động 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước uống đóng chai để kịp cứu trợ cho nhân dân các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, đồng thời trích ngân sách 15 tỷ đồng hỗ trợ các huyện mua lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trận lũ kinh hoàng này đã gây thiệt hại lớn cho nhân dân Hà Tĩnh. Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước từ cơn lũ đầu tháng 10 vừa qua đã sưởi ấm hàng vạn đồng bào vùng lũ. Nhưng, trước trận lũ mới này, Hà Tĩnh lại tiếp tục cần sự trợ giúp từ các bộ, ngành của Trung ương, các nhà hảo tâm.

Trước mắt, tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ 5.000 tấn gạo để kịp cứu đói cho nhân dân vùng ngập lũ; hỗ trợ 100 tỷ đồng cho dân sinh và khắc phục hậu quả; trang cấp 3 xuồng y tế và 500 cơ số thuốc y tế; trang cấp 30 xuống máy loại ST 660

4h sáng ngày 18/10, ở khu vực Cầu Rong trên QL1A thuộc địa phận xã Xuân Lam (Nghi Xuân) đang bị nước lũ tràn qua, chiếc xe khách giường nằm chất lượng cao mang BKS 48K-5868 đang lưu hành hướng Nam - Bắc đã bị nước lũ cuốn trôi ra sông. Trên xe lúc này có khoảng 37 người (kể cả nhà xe). Cho đến 8h cùng ngày thì chỉ có 15 hành khách và 2 nhà xe thoát được ra ngoài.

Anh Lương Văn Thành, hành khách vừa thoát chết sau vụ lật xe, kể lại: "Trời mưa rất to, chúng tôi đang ngủ say, bỗng nhiên thấy xe nghiêng, rồi lao xuống nước. Một số khách đã đập vỡ cửa kính chui ra ngoài. May mắn tôi biết bơi nên mới thoát. Hầu hết khách bị chết do chấn thương và ngạt nước".

Lúc này, đồng chí Đại tá Trần Văn Lợi - Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh và đồng chí Trung tướng Nguyễn Hữu Cường - Tư lệnh QK4 - đã trực tiếp có mặt tại nơi xảy ra tai nạn để chỉ đạo phòng PC67, Công an huyện Nghi Xuân phối hợp các lực lượng cứu hộ cứu nạn khác và dân vạn chài địa phương cứu vớt. Đồng thời, lên phương án tìm kiếm 20 hành khách và chiếc xe 48K-5868 đã bị nước lũ cuối trôi.

Có mặt để chỉ đạo Hà Tĩnh chống chọi với lũ lụt, đồng chí Uông Chu Lưu - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đã có mặt để kịp thời động viên và trao quà cho 17 hành khách vừa thoát nạn.

Bài: Hồng Phú - Ảnh: Đình Vũ
.
.
.