Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Lòng vòng trách nhiệm
>> Điều tra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng
Quyết làm rõ trách nhiệm
Dự án thủy điện Đạ Dâng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Nhận chuyển dự án này từ tháng 3/2006, nhưng quá trình thi công địa chất có thay đổi, phía hạ lưu đường hầm dẫn nước địa hình đất pha cát nên việc thi công rất khó khăn. Tại hiện trường trên đỉnh đồi cho thấy, một số hố tạo thành từ hiện tượng sụt đất.
Theo quy định, trước khi nhận dự án và thực hiện thi công, các đơn vị liên quan phải tiến hành kiểm tra thực tế lại toàn diện công trình thi công, nếu thấy đảm bảo mới tiến hành thi công.
Theo quy định về quản lý trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình đối với thủy điện Đạ Dâng thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Công Thương và Sở Xây dựng Lâm Đồng là những cơ quan trực tiếp kiểm tra, giám sát công trình theo phần việc chuyên môn của mình để tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Chiều 22/12, trả lời PV Báo CAND, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện việc điều tra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng đang được tiến hành làm rõ. Phía Bộ Xây dựng đã có báo cáo với Thủ tướng kết quả ban đầu vụ việc; phía tỉnh Lâm Đồng, hiện cơ quan Công an và ngành chức năng như Sở Công Thương, Sở Xây dựng đang tiến hành thực hiện các bước công tác theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của mình. Nói về việc trách nhiệm giám sát công trình này, phía Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình trên là của Sở Xây dựng; còn Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thì cho rằng, chủ đầu tư giữ hồ sơ nên không giám sát được. Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Việt cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Kiểm tra một đoạn đường hầm sau sự cố. |
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, mọi công tác điều tra đang rất khẩn trương. Tuy nhiên, vì có nhiều phần công việc phải làm, liên quan từng khâu, từng ngành nên cần phải có thời gian kiểm tra kỹ để kết luận chính xác. Trong vụ việc này có phần việc liên quan đến các đơn vị ở các Bộ nên Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an.
Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về việc chủ đầu tư thừa nhận công trình đường hầm địa chất yếu nhưng vẫn thuê các nhà thi công tiếp theo làm và đã xảy ra hậu quả thì trách nhiệm ra sao? Thiếu tướng Bùi Văn Sơn cho rằng, đang tiến hành giám định, khi có kết luận cụ thể sẽ làm rõ trách nhiệm...
Chủ đầu tư nói lời xin lỗi
Chiều 22/12, UBND tỉnh Lâm Đồng có cuộc họp rút kinh nghiệm về việc cứu hộ, cứu nạn và những ứng phó đối với vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các đơn vị liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư phải có ý kiến về công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tại buổi họp, ông Võ Nhật Thăng, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội), thay mặt chủ đầu tư nói lời xin lỗi với các nạn nhân, người nhà nạn nhân và toàn thể nhân dân vì đã gây ra “một sự việc phức tạp”, làm ảnh hưởng đến nhiều người. Ông Thăng cho rằng, trong thời gian xảy ra tai nạn, ông đi công tác ở nước ngoài, nhưng ở nhà vẫn cử Giám đốc Công ty có mặt ở hiện trường... Ông xin lỗi vì sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của doanh nghiệp.
Ông Võ Nhật Thăng, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội nói lời xin lỗi. |
Nói về công trình thủy điện Đạ Dâng, ông Võ Nhật Thăng cho biết được nhận chuyển lại từ Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 và có sự cho phép của ngành chức năng. Sau đó, doanh nghiệp đã thuê nhiều đơn vị thi công, đầu tiên là Công ty Xây dựng Lũng Lô có kinh nghiệm về đào hầm nhưng cũng đã phải “đầu hàng” dự án này. Nhà thầu thứ 2 là Công ty cổ phần Vinavico cũng có rất nhiều kinh nghiệm đào hầm nhưng vẫn không thể triển khai đào được đến cùng. Hiện nay, đơn vị đào phần đường hầm còn lại này là Công ty cổ phần Sông Đà 10, còn Công ty cổ phần Sông Đà 505 là đơn vị đổ bê tông cố định đường hầm vĩnh cửu. Theo ông Thăng, lý do khi Công ty cổ phần Sông Đà 505 vào dọn hầm để đổ bê tông dẫn đến bị sập là do trước đó hơn 1 tháng trời có mưa, nước ngấm vào đất chuyển sang thành dạng bùn. “Chưa bao giờ chúng tôi gặp một vùng đất đá phức tạp như ở thủy điện Đạ Dâng”, ông Thăng nói.
Phía nhà thi công, ông Đặng Quang Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 505 nghẹn ngào khi nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã tham gia cứu giúp các công nhân thoát nạn.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, phía chủ đầu tư còn tham gia hạn chế ngay từ đầu trong việc tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ông Việt cảm ơn các cơ quan báo chí đã không quản ngại ngày đêm thông tin sự việc một cách kịp thời.