Lời thỉnh cầu của 99 đỉnh Non Hồng

Thứ Bảy, 01/05/2010, 11:30
Núi Hồng - sông La từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa - lịch sử của người Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Với dãy Hồng Lĩnh, ngoài ý nghĩa về mặt tinh thần, nó còn được xem như bức tường thành trấn giữ biển Đông, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân. Thế nhưng, việc khai thác đá một cách ồ ạt đã và đang tàn phá môi trường nơi đây.

Bắt nguồn từ bờ Nam sông Lam, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam cho đến sông Nghèn (huyện Can Lộc), núi Hồng Lĩnh dài khoảng 30km, rộng chừng 15km, gồm có 99 đỉnh, đỉnh cao nhất tới 768m so với mực nước biển.

Trải qua hàng ngàn năm, Hồng Lĩnh hấp thu khí chất của non nước, con người xứ Nghệ trở thành một biểu tượng văn hóa rất riêng biệt. Giờ đây, trên các ngọn núi vẫn lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa có giá trị lớn. Đặc biệt, nằm ẩn bên trong các ngọn núi là một hệ thống hơn 100 ngôi đền, chùa.

Có nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng như đền Trang Vương, chùa Thiên Tượng, chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, cùng với các dấu tích lịch sử như đỉnh Tháp Cờ - nơi Hoàng Tử con Mai Thúc Loan xây căn cứ, núi Lầu - nơi đặt hành cung của Lý Thánh Tông, Lũy Đá của nghĩa quân Ngô Quảng nổi lên chống Pháp.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nơi đây còn là trận địa phòng không của bộ đội ta bảo vệ cầu Bến Thủy, thành phố Vinh và thị xã Hà Tĩnh. Tất cả đã tạo nên nét đẹp văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.

Hồng Lĩnh hiên ngang khí phách, thơ mộng và huyền thoại là thế, vậy mà việc khai thác đá một cách ồ ạt đang khiến cảnh quan nơi đây có nguy cơ trở thành hoang phế. Theo thống kê, tại khu vực Cộng Khánh, thuộc thị xã Hồng Lĩnh hiện có tới 12 công ty, xí nghiệp chuyên khai thác đá với quy mô lớn.

Một ngọn núi đang bị tàn phá.

Trước đây do nhu cầu về vật liệu xây dựng, một số người dân địa phương cũng đã tiến hành khai thác đá dọc theo tuyến QL1A, thuộc dãy núi phía Tây. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức khai thác thủ công, quy mô nhỏ. Bởi vậy, mức độ ảnh hưởng về cảnh quan môi trường không đáng là bao. Hơn nữa, các khu vực mỏ đá mà bà con khai thác chủ yếu là những vách núi "đầu thừa, đuôi thẹo", không liên quan gì đến 99 đỉnh trong quần thể non Hồng.

Nhưng gần đây các cấp chính quyền sở tại đã thành lập hẳn một khu công nghiệp khai thác đá tập trung tại khu vực Cộng Khánh. Có được "bảo bối" là các quyết định cấp phép trong tay, các doanh nghiệp ào ạt đua nhau nhảy vào lĩnh vực làm ăn hết sức béo bở này.

Hằng ngày, dọc theo hai bên dãy núi phía Đông và Tây, những tiếng mìn nổ ầm ầm, những cỗ máy nghiền đá luôn chạy hết công suất, những chiếc xe tải hạng nặng hối hả ra vào quần tả tơi trên các con đường tạo nên một màn khói bụi bay mù mịt bao bọc lấy cả thung lũng rộng lớn.

Chứng kiến cảnh những ngọn núi đang bị "xẻ thịt" một cách không thương tiếc, nhiều người dân không khỏi bất bình. Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh bức xúc: Hồng Lĩnh là một quần thể di tích quan trọng của cả nước chứ không riêng gì Hà Tĩnh. Là một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm, tôi không tán thành việc khai thác đá một cách ồ ạt như hiện nay. Vì như thế sẽ không lưu giữ được những nét độc đáo và phá vỡ cảnh quan vốn có của nó.

Đành rằng việc khai thác tài nguyên nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, song nếu khai thác một cách vô tội vạ sẽ gây ra những tác động tiêu cực rất lớn. Cụ thể, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tầng địa chất, thổ nhưỡng mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật hết sức phong phú nơi đây cả về trước mắt cũng như lâu dài, không bao giờ khôi phục lại được.

Vậy mà ông Trần Văn Sỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hồng Lĩnh cho rằng: Việc khai thác đá không hề hấn gì đến cảnh quan môi trường ở đây. Bởi các công ty chỉ khai thác theo một diện tích nhất định đã được cấp phép và chủ yếu nằm ven chân núi.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về nguy cơ lở núi và rằng nếu một mai mất đi một trong 99 ngọn núi thì ai phải chịu trách nhiệm, ông Sỹ lại phân bua theo một hướng khác: "Việc cấp phép mỏ không thuộc thẩm quyền của chúng tôi mà là của UBND tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế thì ở một mức độ nào đó phải chấp nhận ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Hồng Lĩnh là một thị xã nghèo, cuộc sống của đa số người dân ở đây chủ yếu dựa vào nghề khai thác đá. Vì vậy, nếu cấm không cho khai thác thì sẽ tạo ra một tác động tiêu cực rất lớn về mặt xã hội".

Khai thác các nguồn lực, thế mạnh để phát triển kinh tế là một chủ trương đúng đắn của các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, không vì thế mà sẵn sàng đánh đổi tất cả. Dư luận địa phương đang trông đợi các cấp có thẩm quyền ở Hà Tĩnh xem xét lại việc cấp phép và quản lý khai thác đá ở Hồng Lĩnh để bảo đảm không ảnh hưởng đến quần thể, cảnh quan hết sức đặc biệt này

Văn Hảo - Văn Đình
.
.
.