Lời ru buồn từ nạn tảo hôn ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 27/08/2014, 15:04
Cô gái HLim ở xã biên giới Ia O, Ia Grai, Gia Lai đã “bắt” Rah Lan Tuấn làm chồng năm mới 15 tuổi. Năm lên 18 tuổi, hai cô cậu đã có nhau được 2 mặt con. Tay bế, tay bồng, anh nhổ cỏ, em cắt rau, rồi cùng nhau gùi con lên rẫy... Không có gì e ngại, những chàng trai, cô gái ở đây khi biết thích nhau là có thể thành vợ chồng. Đêm ra đầu làng, hay nhân bữa lễ bỏ mả... họ gặp nhau thấy thích, cái bụng ưng nên xúi cái đầu suy nghĩ và làm theo. Cũng giống như HLim, chị họ HLoan, hay Rah Lan Thel, bạn cùng lớp và nhiều người khác cũng “bắt chồng” từ thuở 15-17 tuổi.

Câu chuyện của Khan ở làng Bông Bim, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai mồ côi khi 13 tuổi và em chấp nhận lấy Khiêm làm chồng. Hai người ưng nhau đã tự nguyện dọn về ở với nhau rồi sinh con đẻ cái chứ không có tiền làm đám cưới.

Ông Đinh Xuân Nguyên - Chủ tịch UBND xã Ia Phí, huyện Chư Pah (Gia Lai) cho biết, xã có 13 thôn, làng, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Do đặc điểm phong tục tập quán người dân địa phương còn hạn chế nên tình trạng lớp trẻ đến với nhau như vợ chồng trước tuổi hôn nhân theo quy định pháp luật vẫn còn nhiều. Năm 2013 có 22 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2014 có 13 trường hợp lập gia đình trước tuổi thành niên. Cụ thể như trường hợp em Rơ Châm Tinh ở làng Yăng 3, xã Ia Phí, Chư Păh, bố mất sớm, gia đình khó khăn nên Tinh đã bỏ học từ lớp 5 ở nhà làm rẫy và “bắt chồng” khi mới 15 tuổi...

Ở xã Ya Hội và Yang Bắc, huyện Đak Pơ có tới hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Càng ở những vùng khó khăn thì số cặp vợ chồng trẻ dưới 18 tuổi càng nhiều. Nhiều thanh, thiếu niên bỏ học sớm, tự nguyện đến với nhau từ tuổi 15-17, rồi sinh con đẻ cái như một lẽ tự nhiên và không cần đăng ký kết hôn. Đinh, năm nay mới 20 tuổi nhưng đã lấy vợ từ năm 2010, khi 16 tuổi, bỏ học giữa chừng. Hơn 3 năm vợ Đinh đã sinh được 2 đứa con. Vợ chồng chỉ hai bàn tay trắng, làm thuê mướn đủ ăn qua ngày. Thương con nên phía vợ cho Đinh được mấy sào ruộng để có hạt gạo ăn, còn lại tự đi làm kiếm tiền mua mắm...

Công an Gia Lai tăng cường công tác tuyên truyền, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cặp tảo hôn, chủ yếu là học đến lớp 5, 6 rồi bỏ học ở nhà lấy chồng khi mới 15, 16 tuổi, bởi nhận thức của người dân còn thấp và bị chi phối theo phong tục. Phần lớn các đối tượng nghèo đều do nguyên nhân chính là “bắt chồng” quá sớm, sinh đẻ không kế hoạch, kéo theo là bệnh tật, ốm đau. Đây là vấn đề nan giải mà các ngành chức năng ở địa phương chưa tìm ra cách khắc phục. Theo báo cáo Sở Tư pháp Gia Lai, trong 10 năm (2002-2012), toàn tỉnh Gia Lai có 1.118 vụ tảo hôn nhưng không thể buộc chấm dứt tình trạng hôn nhân thực tế. Đặc biệt là tảo hôn ở trẻ vị thành niên vẫn tăng hằng năm.

Hiện nay, một số địa phương ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng, tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học, bắt chồng sớm dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh cho gia đình và xã hội. Mỗi năm, tỉnh Kon Tum có khoảng trên 200 cặp tảo hôn tập trung ở các huyện Sa Thầy, Đak Tô, Ngọc Hồi và Đak Glei... Thống kê của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Kon Tum tại xã Rờ Kơi thì trong 333 đối tượng được khảo sát đã có tới 269 đối tượng tảo hôn, chiếm 80,78%; trong 269 đối tượng tảo hôn thì nữ chiếm 76,95%, nam chiếm 23,05%, có đến 93,39% lấy nhau do tự nguyện, 193 người chưa đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn...

Chế tài xử lý vấn đề tảo hôn dù luật đã quy định chưa thể xử lý đồng bộ, cuộc sống người dân tộc thiểu số lại nặng phụ thuộc vào hương ước, quy ước của thôn, làng. Việc đăng ký kết hôn muộn hiện chỉ nhắc nhở, xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe...

 Tỉnh Gia Lai đang triển khai mô hình nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại 20 xã, thị trấn thuộc các huyện Ia Pa, Chư Pưh, Mang Yang, Kông Chro và Ia Grai. Ngoài mục đích góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống của người dân tại địa bàn các xã còn nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, bệnh tật... do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống...

Tảo hôn không chỉ gây ra hệ lụy cho chính bản thân mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn là do bị ảnh hưởng bởi tập tục kết hôn sớm đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Để ngăn chặn vấn đề này, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục còn phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở vùng sâu, vùng xa

Ngọc Như
.
.
.