“Lời khẩn cầu” của chim phóng sinh

Thứ Ba, 09/03/2010, 17:09
Để thể hiện đức hiếu sinh và mong muốn tích đức cầu may, nhiều người có thói quen mua chim, cá, rắn, rùa phóng thích chúng về với môi trường tự nhiên. Do lún sâu vào tham vọng được phát tài, phát lộc mà ngày càng nhiều người phớt lờ tình cảnh bi đát của những con vật mà họ phóng thả. Điều này đồng nghĩa với việc đã có hàng ngàn vạn con chim trời bị hành xác thảm thương và chết oan.

Đói, khát và… chờ chết!

Thực trạng bi đát ấy hiện diện rõ bên trong các lồng chim phóng sinh được bày bán tại khắp các ngôi chùa có đông khách đến dâng hương. Tại Tổ đình Hội Sơn, ngôi cổ tự có kiến trúc đậm chất phương Nam tọa lạc tại phường Long Bình (quận 9), ngay khi vừa bước vào cổng chính dẫn vào chánh điện, khách trẩy hội lập tức lọt vào vòng quay của đội quân bán chim phóng sanh với hơn chục chiếc lồng lổn ngổn những chú chim xác xơ lông cánh. Vỗ vỗ tay vào chiếc lồng đặc đen chim trời, trong đó có nhiều con đã "nhắm mắt, xụi cánh" với đôi chân bé xíu, khẳng khiu chĩa thẳng lên trên, bà chủ lồng chim sở hữu gương mặt tô son trét phấn đậm nét cho biết "trong lồng có hơn hai trăm con, chủ yếu là chim manh manh và chim sẻ".

Nghía kỹ các lồng bán chim phóng sanh ở Tổ đình Hội Sơn, mới thấy có trên 80% số lồng có sự hiện diện của những chú chim bạc mệnh chết thẳng cẳng. Nhiều con ngắc ngứ, đầu cánh rũ rượi đang đậu trên cành cây án ngang chiếc lồng bị bầy đàn giành chỗ, giẫm đạp thấy mà thương. Chim chết nhiều quá nên một người đàn ông mở cửa lồng thọc tay vào trong lôi ra bỏ vào chiếc túi nilông màu đen. Ông này giải thích "tụi nó chết do đói, khát, mệt".

- Sao chú không cho chim ăn, uống để chúng khỏi bị đứt bóng?

- Hơi sức đâu mà làm chuyện đó! Cái giống chim phóng sanh này ngộ lắm, khi bị hốt vào lồng dẫu có cho ăn, cho uống gì chúng cũng chết thôi! Ngó mấy con ngáp ngáp vậy chứ mở cửa lồng là chúng bay vù vù đó!

Nhưng sự thực không như biện giải của người đàn ông nọ. Kịch liệt bài bác chuyện "thả chim phóng sanh tích đức", chị Mai Hương, một phật tử thường xuyên ghé chùa, lắc đầu: "Chim thú cũng như con người, đói khát mà được cho ăn uống thì sao có chuyện chẳng màng tới. Dân bán chim phóng sanh nhiều người ngộ lắm, họ cứ nghĩ trước sau gì cũng bán hết nên không để tâm đến chuyện đói khát của chim. Những con chim chết được họ bỏ vào bọc bán lại cho những quán ăn có trương bảng chim sẻ nấu cháo đậu xanh, nướng muối ớt đấy". Chị Hương cám cảnh: "Phục vụ cho mục đích tích đức của thiên hạ mà số phận của những con chim phóng sanh bi đát lắm, chúng bị bỏ mặc đói khát để chờ chết". 

Sinh - tử mặc bay

Không chỉ Tổ đình Hội Sơn mà tại nhiều ngôi chùa khác an tọa trên đất Sài thành như chùa Châu Đốc III (quận 9), chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10), chùa Xá Lợi, Tổ đình Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Phật cô đơn ở Bình Chánh…, số phận chết thảm của những chú chim phóng sinh cũng được thể hiện rõ trong những chiếc lồng bọc lưới mắt cáo với con xác xơ lông cánh, con chỏng chân cứng đơ, con ngắc ngứ chờ chết… Nhưng khách ghé chùa không quan tâm đến điều đó. Họ nhìn những con chim chết thảm tặc lưỡi ra vẻ xót thương và sau đó dồn tâm trí vào việc mặc cả, hối người bán gom chim vào chiếc lồng nhỏ đặng phóng sanh tích phước. 

Tại chùa Xá Lợi, một bà luống tuổi sau một hồi mặc cả "một chục sáu chục" (10 con chim giá 60.000 đồng) đã được người bán là một thanh niên thọc tay vào lồng tóm 20 chú chim cho vào chiếc lồng nhỏ. Bà nọ cầm chiếc lồng lên xốc xốc đặng kiểm tra chất lượng mẻ "hàng" rồi bảo anh nọ đổi 4 chú chim toàn thân đầy vết trầy trông ốm yếu bằng những chú chim mạnh khỏe.

Thấy vậy một bà khách xỏ xiên: "Mấy con ốm yếu vậy mới thực sự cần phóng sanh, đổi làm gì?". Bà nọ đanh giọng đốp lại: "Chim mạnh khỏe thì thả chứ ốm yếu mà tháo cửa cho sổ lồng thì chúng cũng ngủm củ tỏi thôi. Thà để nó chết khuất mắt chứ chết do mình tiếp tay là tội ác đó" (???).

Tại chùa Châu Đốc III, hoan hỉ mỗi người rinh một lồng chim, cặp vợ chồng nọ quỳ trước chiếc lư hương khổng lồ, 2 tay dâng cao lồng chim rồi lạy liên tục khiến lũ chim nháo nhào kêu la loạn xạ. Hành xác lũ chim xong, cả hai đến công đoạn mở cửa lồng. Chừng như do bị choáng nên có vài chú chim lao thẳng vào chiếc lư nhang đang tỏa khói hương nghi ngút, khiến mùi lông chim cháy tỏa khét lẹt. Nhiều khách lễ chùa thấy cảnh ấy bảo "sang chỗ khác mà thả" thì anh chồng gân cổ: "Sống có phần, chết tại số. Con nào mạng tận vận hết thì lủi vô thôi mà!".

Sau đó cũng tại khu vực có chiếc lư hương khổng lồ ấy, chừng bực mình vì cửa lồng mở nãy giờ mà không chịu bay nên chú chim sẻ đuối sức bị chị nọ thọc tay vào lôi ra rồi tung ném lên trời. Chú chim tội nghiệp đập đập cánh vài cái rồi rơi tõm xuống sông. Chẳng động chút lòng từ, chị nọ oán trách: "Chỉ mỗi việc bay mà cũng không nên thân, chết là phải" (???).

Tích phước hay tiêu diệt chim?

Trái với suy nghĩ của nhiều thiện nam tín nữ "phóng sanh giúp ích cho môi trường", hiện tượng ngày càng nhiều người đổ xô vào trào lưu mua chim thả tạo phước càng khiến hệ sinh thái bị xâm phạm nghiêm trọng. Để có nguồn chim phóng sanh ấy, đội quân thợ săn ngày lại ngày giăng bẫy ở khắp mọi nơi.

"Điều đáng quan tâm là sau khi được thả ra, nếu không bị chết vì kiệt sức thì những chú chim phóng sanh ấy lại bị dính bẫy và bị bỏ đói, khát thảm thương. Vòng quay đầy bi kịch ấy sẽ tái diễn đến khi nào lũ chim trở thành… chim thiên cổ”. Sau trăn trở trên, chị Thu Hồng, phật tử chùa Xá Lợi, bày tỏ quan điểm: "Hầu như những người mua chim phóng sinh đều biết rõ những thảm cảnh sẽ đến với bầy chim mà họ phóng sanh nhưng tham vọng tích đức, cầu phước lộc đã lấn át lý trí, lòng trắc ẩn trong họ. Biết nhưng vì lợi riêng mà vẫn lao vào và gián tiếp gây thương tổn cho chim trời theo tôi là đáng phải lên án"

Thành Dũng
.
.
.