Lời kể kinh hoàng về vụ sạt lở tại La Pán Tẩn

Thứ Ba, 11/09/2012, 09:50
Tối 6/9, bố của Trận - bảo vệ của khu mỏ cũng mới 23 tuổi, vừa mới đèo con bằng xe máy từ quê Văn Chấn lên nơi làm việc sau kỳ nghỉ, thì 10h sáng hôm sau, Trận thiệt mạng. Người bảo vệ may mắn thoát chết kể lại rằng, lúc đấy cậu tận mắt chứng kiến Trận bị khối đất đá khổng lồ hất bay lên không rồi mới rơi xuống. Nhìn thấy thế mà không ai làm gì được...

Ngày thứ 4 kể từ khi vị sạt lở núi kinh hoàng xảy ra tại bản Trống Páo Sang (xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái), công cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên vẫn chưa có hy vọng tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng. Trao đổi với PV Báo CAND, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn - Giàng Chứ Ly cho biết hết ngày 10/9, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thêm được một cái chân, nhưng cũng không xác định được là của ai. Nhiều người cho rằng hy vọng tìm được xác nạn nhân cuối cùng cũng hầu như là không còn.

Nhiều công nhân kinh hãi bỏ việc về quê

Sáng sớm ngày thứ 3 khi tai nạn xảy ra, chúng tôi lại có mặt tại hiện trường. Lúc này, công tác tìm kiếm đã được tiếp tục để tránh sương mù. Vẫn còn hơn 100 người của lực lượng tìm kiếm bao gồm Công an, Bộ đội, lực lượng của xã và công nhân mỏ đã chia làm 4 tổ đi tìm kiếm ven khe suối. Không khí tang thương và sợ hãi vẫn tiếp tục bao trùm khu vực bãi quặng.

Hiện trường vụ tai nạn vào buổi sáng 10/9, đất đá vẫn ngổn ngang. Chiếc xe máy bị cuốn hỏng hóc nặng nề.

Hơn 7h ngày 9/9, đường vào khu mỏ đã khô hơn qua 1 đêm chỉ mưa rải rác, nhưng vẫn tiềm ẩn đầy nguy hiểm. Ôtô muốn vào phải dùng xe hai cầu quấn bánh xích và đến cách khu vực tai nạn chừng 1 cây số thì không phương tiện nào vào được nữa, do một lượng đất đá khổng lồ đã đổ xuống vùi lấp toàn bộ con đường. Nếu leo qua đống đất đá này thì chỉ mất chừng 10 phút sẽ tiếp cận được khu mỏ, tuy nhiên do nguy cơ sạt lở có thể đến bất cứ lúc nào, nên không phải ai cũng dám mạo hiểm.

Sáng 9/9, đoàn công tác do Đại tá Nông Hồng Lai - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái phải đi vòng qua đường rừng, tốn thêm 1 tiếng đồng hồ mới đến được địa điểm xảy ra tai nạn. Các công nhân của mỏ cho biết, ngay tại địa điểm đó, một xác nạn nhân đã bị vùi lấp lần 2 khi người thân định khiêng người này về bản.

“Chúng tôi tìm được anh này, đã tắm rửa sạch sẽ, bàn giao cho người thân rồi. Họ vừa khiêng đến chỗ đống đá, đặt xuống để chuẩn bị trèo qua thì ầm một tiếng, lại một đống đất đá khác đổ xuống, người khiêng thì nhanh chân chạy được, còn người chết lại bị vùi lần nữa. Đợi yên yên, mọi người lại phải lao vào đào bới, đến tận 9h đêm mới tìm thấy. Số anh này thật khổ, bị vùi đến 3 lần mới yên thân” - một người có mặt tại mỏ lúc đó cho biết.

Biết là nguy hiểm, nhưng do ai cũng muốn đến hiện trường càng sớm càng tốt, nên Thượng sỹ Nguyễn Thanh Bình - Công an phụ trách xã La Pán Tẩn giục chúng tôi: “Mọi người đứng nghỉ một chút cho lại sức rồi trèo nhanh qua chỗ này, đừng nói chuyện”. Đến tận lúc này, biển cấm do sạt lở vẫn được cắm ở nhiều nơi, nhưng bất chấp điều đó, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều tốp công nhân đang tìm cách ra ngoài. Lần đi này sẽ là “một đi không trở lại”. Tai nạn quá khủng khiếp vừa qua đã khiến các công nhân hoàn toàn choáng váng, quyết định bỏ việc về quê.

Ngay tại bãi đá lở lấp kín đường cao đến vài mét, đầy nguy cơ sạt lở này, chúng tôi bắt gặp 5 công nhân đang hè nhau khiêng một chiếc xe máy qua. Hỏi ra thì được biết họ đều từ Lào Cai xuống làm thuê, giờ khiêng xe ra để về quê. “Em về luôn thôi. Nhiều người chết quá, chúng em sợ!”.

- Làm ở đây lương có cao không?

- Được một trăm hai mươi nghìn một ngày!

- Thế ngày làm việc mấy tiếng?

- 9 tiếng chị ạ.

- Công việc của em là gì?

- Thì em đánh mìn, đào quặng thôi.

- Có vất vả không?

- Cũng không vất vả lắm.

Trao đổi vội vài câu, 5 cậu thanh niên chỉ tầm ngoài 20 tuổi tiếp tục hè nhau khênh chiếc xe máy nặng trịch, bám trên những mẩu đá chênh vênh ra ngoài. Được biết, trước khi xảy ra tai nạn trong mỏ đang có khoảng hơn 20 công nhân. Họ vừa được gọi vào để chuẩn bị làm bởi suốt 3 tháng nay, La Pán Tẩn mưa suốt, mỏ không hoạt động được nhiều. Tuy nhiên, đến sáng 9/9, đã có hơn chục công nhân bỏ về do sợ hãi.

Sang đến bên kia đống lở, chúng tôi tiếp tục gặp một toán công nhân khác đi tới. Nhất - quê ở Bảo Thắng (Lào Cai), cho biết đang ra để mang lương thực vào mỏ.

- Em ra có vào nữa không?

- Có chị ạ!

- Không sợ à?

- (Ngập ngừng) Cũng không sợ lắm. Chắc vài hôm nữa em ra.

- Gia đình có biết mỏ em làm vừa bị sạt lở không? Có gọi em về không?

- Biết! Cũng gọi nhưng em chưa về.

Cậu công nhân này 25 tuổi nhưng đã có vợ và 2 con, một đứa 5 tuổi, một đứa 3 tuổi. Vợ ở Bảo Thắng chỉ làm nông nghiệp, nên kinh tế hầu như đặt hết lên vai chồng. Dù làm việc cả tháng cũng chỉ được vài triệu, nhưng như thế còn hơn ở nhà. Miếng cơm manh áo không cho cậu nhiều lựa chọn.

Chưa ngừng nỗ lực tìm kiếm

Khu mỏ vốn là nơi thời tiết rất khắc nghiệt, chỉ trong chớp mắt, sương mù đã kéo lên kín cả khe suối, có khi cúi đầu xuống ngẩng đầu lên đã không nhìn thấy mặt nhau. Bất chấp tất cả điều đó, công việc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục. Ngày thứ 3 sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng tìm kiếm vẫn còn trong hiện trường khoảng hơn 100 người, chia làm 4 tổ công tác đi dọc khe suối để truy tìm dấu vết các nạn nhân.

Sang đến ngày thứ 4, lực lượng đã được rút ra bớt còn khoảng hơn 50 người với máy móc hỗ trợ. Những người chứng kiến cho biết thực ra lượng đất đá đổ xuống không lớn, nhưng do đổ từ trên cao 200 mét, cộng với lượng nước lớn nên sức tàn phá cực kỳ nặng nề. 2 chiếc máy nén khí của DN khai thác nặng hàng tấn cũng dễ dàng bị cuốn bay. Tại hiện trường vẫn còn một chiếc xe máy méo mó, vỡ vụn nhiều phần, dù chỉ bị cuốn đi có một đoạn ngắn. “Đến sắt thép còn như thế. Con người là gì hả chị?”.

Đại úy Quách Minh Điệp và Thiếu tá Nguyễn Tất Thành đã bám trụ hiện trường ngay từ khi tai nạn vừa xảy ra.

Những ngày này, người thân của nạn nhân cuối cùng cũng chưa bỏ cuộc. Họ vẫn có mặt tại hiện trường cùng với cuốc xẻng đào bới. “Máu chảy ruột mềm”, người thân của các nạn nhân ngay sáng hôm đầu tiên cũng đã đổ vào rất đông.

Chị Thào Thị Xào, vợ  nạn nhân Lý A Lềnh bất chấp trời mưa, đường sá khó khăn cũng bế đứa con chưa đầy 1 tháng tuổi vào đợi tin chồng. “Đứa con còn đỏ hỏn, mẹ bế ngồi từ sáng, qua trưa đến tối dưới mưa, chẳng có gì ăn. Chúng tôi bảo công nhân mỏ mang cơm ra cho ăn, hai mẹ con vừa ăn vừa khóc” - ông Đào Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty Thịnh Đạt, đơn vị khai thác mỏ kể lại.

Nhìn vào từng số phận, ai cũng đau thương. Như hai anh em ruột Hảng A Dinh và Hảng A Sùng đều gặp nạn. Đang theo học Cao đẳng Nông nghiệp tại Sơn La, vì nhà nghèo Hảng A Sùng và người anh của mình rủ nhau đi nhặt quặng thiếc để bán, kiếm tiền vừa đi học vừa giúp đỡ vợ con. Nhưng lần đi này cả 2 anh em chẳng ai về nữa, để lại vợ và đứa con thơ được vài tháng tuổi.

La Văn Trận - bảo vệ của khu mỏ cũng mới 23 tuổi, được khen là vừa ngoan, vừa cao ráo, đẹp trai. Tối 6/9, bố Trận vừa mới đèo con bằng xe máy từ quê Văn Chấn lên nơi làm việc sau kỳ nghỉ, thì 10h sáng hôm sau, Trận thiệt mạng.

Người bảo vệ may mắn thoát chết kể lại rằng, lúc đấy cậu tận mắt chứng kiến Trận bị khối đất đá khổng lồ hất bay lên không rồi mới rơi xuống. Nhìn thấy thế mà không ai làm gì được

Vũ Hân - Ngọc Yến
.
.
.