Lời kể của phóng viên CAND Online đi theo trực thăng tìm kiếm

Thứ Ba, 11/03/2014, 14:59
Khi tiếp cận khu vực tìm kiếm, cơ trưởng Ngô Vi Sơn đã hạ độ cao 500 xuống 200m và giảm tốc độ xuống còn 120km trên/h. Các thành viên tổ bay chăm chú quan sát mặt biển.

Lúc 14h25' chiều 13/3, trực thăng Mi 171 số hiệu 8431 đã cất cánh từ sân bay Cà Mau tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, tìm kiếm tại toạ độ mới vừa được Sở chỉ huy thông báo.

Thành viên trên trực thăng Mi 171 dõi mắt theo dõi vùng biển.

Lúc 13h7’ cùng ngày 11/3, trực thăng Mi 171 mang số hiệu 04 do Thượng tá Ngô Vi Sơn làm cơ trưởng; Trung tá Nguyễn Đức Tải làm nhiệm vụ dẫn đường kiêm phi công; Thượng tá Dương Văn Đại, Phạm Văn Tuấn làm nhiệm vụ cơ giới trên không; Đại uý Lê Ngọc Thành, trợ lý dù tìm kiếm cứu nạn và Thượng uý Đỗ Bá Tuấn, bác sĩ quân y đã đáp xuống sân bay Cà Mau, kết thúc đợt tìm kiếm kéo dài hơn hơn 3 tiếng 30 phút trên vùng biển, cách bờ biển Bạc Liêu khoảng 120km về phía Đông Nam.

Trước đó 20 phút, trực thăng Mi 171 số hiệu 8431 do Thượng tá Nguyễn Quốc Long và Đại uý Đoàn Hồng Hải cùng đảm nhiệm vị trí cơ trưởng; Thượng tá Đỗ Văn Hùng làm nhiệm vụ dẫn đường; Thượng tá Nguyễn Chí Hiền và Nguyễn Văn Pho cũng đã đáp xuống sân bay Cà Mau, kết thúc đợt tìm kiếm ở vùng biển phía Tây Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 100km.

Như vậy, mỗi trực thăng vừa kể đã thực hiện việc tìm kiếm trong bán kính từ 30 - 50km2; cách bờ biển Cà Mau từ 100 - 200km.

Trước đó, hai trực thăng này nhận lệnh từ Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc (Kiên Giang) và đã cất cánh lúc 9h45’ sáng 11/3 từ sân bay Cà Mau.

PV CAND Online (trái) cùng đoàn cứu hộ quan sát mặt biển.

Có mặt trên chiếc trực thăng Mi 171 số hiệu 04, PV CAND Online cho biết sau khi cất cánh trên độ cao khoảng 500m, với tốc độ 200km/h, trực thăng Mi 1717 số hiệu 04 đã tiếp cận khu vực tìm kiếm sau 20 phút bay. Khi tiếp cận khu vực tìm kiếm, cơ trưởng Ngô Vi Sơn đã hạ độ cao 500 xuống 200m và giảm tốc độ xuống còn 120km trên/h. Các thành viên tổ bay chăm chú quan sát mặt biển.

“Thời tiết trên vùng biển tìm kiếm khá thuận lợi, ít sóng, trời sáng, tầm nhìn xa từ 7 - 10km, thuận lợi cho việc tìm kiếm. Sau 3 tiếng 30’ tìm kiếm không phát hiện dấu vết, vật thể lạ nào, trực thăng Mi 171 số hiệu 02 đã quay trở lại sân bay Cà Mau tiếp nhiên liệu, tiếp tục chờ lệnh” - PV CAND Online kể thêm.

Cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo kế hoạch của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, được triển khai sáng cùng ngày 11/3, hoạt động tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích trong ngày 11/3 được chia thành 2 khu vực chủ yếu.

Cụ thể, khu vực 1 sẽ do tàu HQ 954, HQ 637, SAR 413 hoạt động ở tọa độ 8o00 vĩ độ bắc đến 103o50 kinh độ đông.

Khu vực 2 sẽ gồm tàu SAR 273, tàu kiểm ngư 774, tàu cảnh sát biển 2002, tàu cảnh sát biển 2003 hoạt động ở tọa đô 7o00 vĩ độ bắc đến 103o50 kinh độ đông.

Tham gia vào hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích ngày hôm nay, phía Việt Nam còn có 2 máy bay tuần thám biển. Cụ thể, máy bay CASA 8991 đã cất cánh lúc 9 giờ 22 phút sẽ đảm nhận tìm kiếm ở khu vực phía đông đảo Thổ Chu. Máy bay CASA 8982 cũng rời đường băng lúc 9h38 đi tìm kiếm ở khu vực phía bên phải đường bay nơi máy bay bị mất tín hiệu liên lạc.

Trao đổi với PV CAND Online, một Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết hiện Phú Quôc có 100 khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ lưu trú với trên dưới 2.520 phòng, đáp ứng được cho khoảng trên dưới 3.000 lượt khách lưu trú mỗi ngày. Nếu tình huống xấu đã xảy ra và việc tìm kiếm đã có kết quả, uớc tính có từ 800 đến 1.000 người thân của nạn nhân sẽ đến Phú Quốc.

Th. Bình - Văn Vĩnh
.
.
.