Lợi dụng giấy phép khai thác đá xây dựng đi khai thác đá trắng

Thứ Năm, 13/08/2009, 15:34
Theo Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Nghệ An, tính đến hết tháng 2/2009, trên địa bàn tỉnh có 226 quyết định cấp phép khai thác khoáng sản các loại. Trong đó lĩnh vực được cấp phép nhiều nhất vẫn là đá xây dựng với 141 giấy phép. Đây cũng chính là kẽ hở mà nhiều trường hợp đã lợi dụng giấy phép này đi khai thác đá trắng.

Nhiều vi phạm khai thác khoáng sản

Đá trắng vẫn đang bị khai thác bừa bãi trên một số địa bàn miền Tây Nghệ An. Đó đang là thực trạng đáng báo động. Trong một chuyến công tác lên vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu… chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh những núi đá đang bị xẻ thịt với tốc độ chóng mặt. Tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trên địa bàn của Nghệ An hiện có rất nhiều loại khoáng sản quý hiếm, thậm chí có những loại được xếp vào "top" chiến lược như: vàng, đá quý, thiếc, chì, đá trắng, sắt, mangan…

Theo Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Nghệ An, tính đến hết tháng 2/2009, trên địa bàn tỉnh có 226 quyết định cấp phép khai thác khoáng sản các loại. Trong đó lĩnh vực được cấp phép nhiều nhất vẫn là đá xây dựng với 141 giấy phép. Đây cũng chính là kẽ hở mà nhiều trường hợp đã lợi dụng giấy phép này đi khai thác đá trắng.

Theo lực lượng Công an thì tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức. Trong một cuộc tổng kiểm tra, rà soát gần đây nhất, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện: Trước khi lực lượng Công an vào cuộc thì tình trạng vi phạm trong tổ chức khai thác trái phép các loại khoáng sản chiếm tỷ lệ từ 70-80% trong tổng số các tổ hợp, doanh nghiệp tham gia hoạt động về lĩnh vực này.

Lực lượng Công an Nghệ An đẩy đuổi một điểm khai thác quặng trái phép.

Rất nhiều doanh nghiệp đã tự cho mình được phép chế biến khoáng sản. Trong đó, trên thực tế chỉ có một số ít doanh nghiệp được phép cấp mỏ, áp dụng chế biến khoáng sản thô. Còn tất cả đều chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép chế biến độc lập. Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm khai thác khoáng sản thực tế lại không đúng với loại khoáng sản ghi trong giấy phép...

Chỉ tính riêng 3 doanh nghiệp lớn là Chính Nghĩa, Hồng Lương và Kim Loại màu Nghệ Tĩnh, từ năm 2007-2008 đã chế biến quặng thiếc có nguồn gốc từ khai thác trái phép lên tới hàng ngàn tấn, vào thời điểm trên có trị giá ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đấy là chưa tính đến hàng chục doanh nghiệp, tổ hợp khai thác vàng, đá trắng và các loại khoáng sản trái phép khác…

Cần xử lý nghiêm vi phạm

Theo lực lượng Công an thì qua công tác điều tra cơ bản, kiểm tra và nắm tình hình thực tế về việc cấp phép, quản lý sau cấp phép và quản lý Nhà nước về khoáng sản, hiện có khá nhiều sơ hở, lỏng lẻo. Đây chính là vấn đề tạo điều kiện cho vi phạm tái diễn.

Để xử lý những vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn công tác tập trung đấu tranh với tình trạng vi phạm khoáng sản. Những địa bàn được xem là trọng điểm là huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phong…

Bên cạnh việc rà soát, thống kê phân loại thì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản cũng được chú trọng.

Cho đến nay, lực lượng Công an đã lập điều tra cơ bản được 64 doanh nghiệp, địa bàn phức tạp, có dấu hiệu vi phạm về hoạt động khoáng sản. Tổ chức 200 cuộc kiểm tra, đẩy đuổi các hoạt động khai thác khoáng sản ở địa bàn 5 huyện, 19 xã và 214 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Đã đẩy đuổi ra khỏi khu vực khai thác trái phép hàng ngàn lượt người. Thu giữ hàng trăm máy móc phương tiện như máy xúc, máy ủi, máy nghiền quặng, máy xẻ đá. Chấm dứt việc khai thác, chế biến trái phép đối với 122 doanh nghiệp, tổ hợp…

Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, song trên thực tế, cuộc chiến chống nạn khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Hiện tại vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và thật rõ nét trong khâu chủ động giải quyết những tồn tại trong cấp phép khoáng sản, về thẩm quyền cấp phép của cấp tỉnh tương ứng với loại khoáng sản thực tế đang khai thác trên cùng một diện tích.

Cụ thể là hiện tại giấy phép cấp khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường nhưng thực chất các đơn vị này đang khai thác đá trắng. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ mới cấp 3 quyết định khai thác đá vôi trắng, nhưng trên thực tế thì đang có nhiều diện tích đá trắng bị khai thác vô tội vạ.

Tình trạng tranh chấp cục bộ diện tích khai thác, quyền khai thác, lợi nhuận và những vấn đề về thị trường tiêu thụ… cũng thường xuyên diễn ra gây mất ANTT. Tình trạng khai thác trái phép tuy được ngăn chặn cơ bản song tại một số vùng sâu, vùng xa của Quỳ Hợp, Tương Dương, Tân Kỳ… vẫn còn tiếp tục tái diễn vi phạm nhất là vào ban đêm. Trong số 122 doanh nghiệp, tổ hợp vi phạm bị Công an đình chỉ hoạt động, đến nay một số tổ hợp vẫn lén lút hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, do không được xử lý ngăn chặn từ đầu nên hiện tại có khoảng hơn 100 tỷ đồng vốn đầu tư cho các hoạt động trái phép này đang tồn đọng. Lực lượng Công an tỉnh cũng kiến nghị các cấp, ngành cần tăng cường công tác quản lý, cấp phép việc hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm có liên quan

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.