Lộc "12 ngoại ngữ" đi du học

Thứ Sáu, 16/11/2007, 11:13
Hà Duy Lộc, con trai bác gác cổng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, nổi tiếng với "gia tài" 12 ngoại ngữ, hiện đang du học tại Đài Loan. Lộc đi du học tại Trường Đại học National Taitung University (NTTU) từ tháng 9/2007, được trường cấp 100% học bổng.

Lộc là cựu học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong (TP HCM). Thế nhưng, các thầy cô giáo cũng như tất cả các bạn nhớ đến Lộc gắn với cái tên Lộc "12 ngoại ngữ".

Thật đáng ngạc nhiên, Lộc là con trai bác gác cổng của trường, gia đình thuộc dạng hộ nghèo của thành phố. Gia đình Lộc sống trong ngôi nhà ọp ẹp, ghép từ những cánh cổng hỏng do trường thải ra.

Lộc biết 12 thứ tiếng, trong đó thông thạo tiếng Anh, Trung, Pháp, Nga; ngoài ra có thể giao tiếp bằng các ngôn ngữ Arab, Đức, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và hiện đang tìm hiểu thêm tiếng Indonesia, Thái Lan. Điều đặc biệt hơn là, dù biết đến 12 ngoại ngữ, nhưng Lộc chưa một lần đi học thêm ngoại ngữ. Tất cả chỉ là tự học, là say mê.

Từ những năm học THCS, Lộc đã rất say mê học ngoại ngữ. Lần đầu tiên Lộc tiếp xúc với tiếng Anh, tiếng Anh đã cuốn hút Lộc. Trong lớp Lộc học, có các bạn người Hoa, Trung Quốc.

Giờ ra chơi, hoặc những lúc muốn trao đổi riêng với các bạn thường dùng tiếng Trung. Thầy tiếng Trung có cách phát âm và ngữ điệu lạ, Lộc học theo để trò chuyện với các bạn.

Khi lên học THPT, Lộc làm hồ sơ thi vào lớp 10 chuyên tiếng Trung của Trường THPT Lê Hồng Phong. Tiếng Trung là thứ tiếng sở trường sau tiếng Việt của Lộc, được học tại lớp, tại trường. Còn những thứ tiếng khác, thì Lộc học lỏm từ các bạn, hoặc đứng ngoài "nghe trộm" thầy, cô giảng bài và học qua sách...

Cho đến nay, những thứ tiếng mà Lộc có vốn từ vựng hơn 3 ngàn từ, giao tiếp thông thường gồm: Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italia, Nga, Bồ Đào Nha...

Hỏi bí quyết học ngoại ngữ, Lộc nói em chẳng có bí quyết gì, chỉ yêu thích là học. Trước khi đi ngủ, học 10 từ trong từ điển. Cứ như vậy, vốn từ vựng ngày càng nhiều thêm theo thời gian.

Theo Lộc thì muốn học tốt ngoại ngữ, giao tiếp được và hiểu cặn kẽ nghĩa của từ, thì ngoài việc học từ vựng, người học phải tìm hiểu thành ngữ. Chính những từ trong thành ngữ làm cho người ta nhớ nghĩa từ lâu và mở rộng sự hiểu biết.

Thói quen ghi chép đầy đủ và đọc sách, báo tiếng nước ngoài cũng là một cách học tốt. Mỗi buổi học, Lộc dành thời gian một tiếng đồng hồ cho việc học từ vựng và ngữ pháp tiếng nước ngoài. Từ những cuốn sách, tài liệu có được, Lộc kiên trì tự làm tự điển tra cứu cho riêng mình.

Lộc chia trang giấy thành 15 cột, mỗi cột tương ứng là một ngôn ngữ. Còn về ngữ pháp thì Lộc tìm hiểu và rút ra những đặc trưng của từng thứ tiếng để việc học được dễ dàng.

Lộc cho biết: Học tiếng Anh thì cần tìm hiểu nhiều về thành ngữ; nhưng với tiếng Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha thì phải chính xác khi xác định giống với danh từ; còn tiếng Hàn, tiếng Nhật Bản thì phải chú ý động từ để cuối câu, cách dùng trạng thái động từ. Riêng tiếng Trung, người học phải nhớ được 214 bộ và các nét viết cơ bản...

Nghe Lộc nói chuyện mà tôi ù tai. Quá nhiều đặc trưng của từng thứ tiếng phải nhớ, vậy mà cậu học sinh gầy, dong dỏng cao, tóc có sợi bạc ấy đã nắm bắt được nó bao nhiêu năm nay.

Lộc tâm sự: "Em nhớ như in ngày khai giảng năm học lớp 10, tại diễn văn khai giảng, các thầy giới thiệu về ngôi trường cùng với sự nổi tiếng của học giả Petrus Ký - người biết tới 26 ngôn ngữ trên thế giới. Em thấy xúc động và muốn là học trò của ông và em đang cố gắng để xứng đáng là học trò của ông".

Mẹ Lộc kể rằng: Cứ có thời gian rỗi là Lộc đi đến những điểm bán sách cũ, tìm kiếm mua về đọc. Các thầy, cô giáo trong trường thì gom từng cuốn sách ngoại ngữ để tặng Lộc. Thầy cô nào cũng thương Lộc, khi Lộc đứng ngoài nghe giảng bài "trộm", có thầy, cô còn bảo Lộc vào lớp ngồi nghe.

Vì là trường chuyên, có nhiều môn ngoại ngữ nên trong các cuộc giao lưu quốc tế, hội thảo về ngôn ngữ, các thầy cô đều tạo điều kiện cho Lộc tham gia. Và, điều các thầy cô tự hào về Lộc là Lộc đã không phụ lòng mọi người.

Thực tế, sách của Lộc cũng không nhiều, chỉ toàn do thầy cô, bạn bè tặng, sách tự mua rất ít, vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình không cho phép. Thế nhưng, có bao nhiêu tiền học bổng, tiền thưởng qua các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi Olympic, rồi tiền lì xì... Lộc đều dành để mua sách.

Bộ máy tính cũ là tài sản quý giá nhất đã giúp Lộc truy cập website tìm tài liệu, học bổng toàn phần về ngôn ngữ.

Đến nhà em, đúng như chúng tôi hình dung khi nghe các thầy cô kể: Nhà nhỏ, lụp xụp nhưng ngăn nắp và gọn gàng. Những thứ đáng giá nhất của gia đình đều là đồ dùng học tập của Lộc. Sách và sách...

Giờ đây, ngoài cái tên Hà Duy Lộc - con trai người gác cổng Trường chuyên Lê Hồng Phong, thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh nhớ đến Lộc với cái tên "Lộc - Bách khoa thư" hoặc "Chủ nhiệm Hội Nghiên cứu ngoại ngữ Trường Lê Hồng Phong".

Chia tay với Lộc, tôi nhớ như in kế hoạch "rất con nhà nghèo" ham học: "Học tại NTTU, ngoài việc không phải đóng học phí và lo nhà ở, em còn được cấp 6 ngàn Đài tệ/tháng, tính ra tiền Việt khoảng 3 triệu đồng. Chị biết em dùng số tiền này để làm gì không? Cố gắng chi tiêu tiết kiệm, còn lại một nửa để dành mua sách".

Sách và sách, đó là những từ mà Lộc nhắc rất nhiều trong khi trao đổi, nói chuyện với chúng tôi. Hy vọng, Lộc sẽ đạt được mơ ước mà em mong muốn

Nguyễn Vũ Thùy Dương
.
.
.