"Linh hồn" của các dân tộc vùng biên giới Việt - Lào

Chủ Nhật, 12/07/2009, 11:19
Ở mảnh đất miền Tây Nghệ An, từ trước đến nay Vừ Chông Pao luôn được các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông ở mảnh đất này coi như linh hồn của tộc mình và là người "khắc tinh" số 1 của giặc phỉ.

Là một người Mông, quê mãi tận Mường Ải Khê, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhưng bằng khả năng, tự học hỏi, tự đến với cách mạng, ông đã trở thành Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn, Chủ tịch huyện, Đại biểu Quốc hội. Hiện nay tuy đã 80 tuổi, đã thôi mọi chức danh nhưng ông vẫn được bầu làm Phó Chủ tịch danh dự của MTTQ tỉnh.

Ông Vừ Chông Pao.

Mường Ải Khê là mảnh đất khốc liệt, mùa hè thì gió Lào quất ràn rạt, mùa đông thì giá lạnh và sương muối. Vừ Chông Pao đã sinh ra và lớn lên, bắt đầu biết đi nương đi rẫy, bắt đầu biết ngắt cái lá ở vệ đường để đặt lên môi thổi những bài hát để "gửi đến" những đôi tai các cô gái Mông, hay những bài hát cho mùa Tết đến xuân về của già và bao lớp trai cùng lứa khác đã không có được vào lúc thực dân Pháp đã đặt một bước chân xâm lược quá lớn vào nước ta.

Ngoài việc đàn áp, khống chế, đặt ách thống trị tại các đô thị tỉnh thành lớn trong nước ta chúng còn tổ chức thả biệt kích, thám báo xuống biên giới Việt - Lào để quấy nhiễu. Quê hương già Pao đã bị nhiều toán biệt kích thám báo tập kích, xả súng vào dân lành, cướp đi lương thực và nhóm lửa đốt đi bao mái nhà thân yêu. Xóm làng thành tro bụi, máu vương khắp các đường mòn, đau xót và thảm thương vô cùng.

Lúc này cách mạng ta còn non trẻ, các tổ chức cách mạng chưa đủ lực để vươn đến các miền quê heo hút như quê của Pao. Vốn là người có năng lực và bản lĩnh, không đang tâm ngồi nhìn những cảnh điêu tàn ấy, Pao đã tự nguyện đến các nhà vận động thanh niên trai tráng tự mình đứng lên bảo vệ xóm làng, tự trang bị vũ khí để chống lại bọn người mắt xanh mũi lõ kia.

Thấy Pao nói năng khuyên nhủ cặn kẽ nên ai cũng ủng hộ. Thế là Đội bảo an bảo vệ xóm làng do già thành lập đã ra đời. Hằng ngày ngoài việc cắt cử người canh gác, tập kích lại thám báo biệt kích, già còn tổ chức lao động sản xuất.

Từ ngày Đội bảo an của Pao ra đời xóm làng đã có phần bình yên, cái mảnh đất Na Ngoi bỗng chốc trở thành phên giậu, đem lại sự kinh hoàng cho thám báo và biệt kích Pháp.

Đội bảo an bảo vệ xóm làng của Pao ra đời và hoạt động đến năm 1948 thì cách mạng bắt đầu đến với quê hương của Pao. Cũng trong năm này Ủy ban Kháng chiến Hành chính được thành lập, với sự đóng góp ban đầu và với khả năng của mình, Pao đã được tín nhiệm bầu làm Trưởng Công an xã Nà Ngoi.

Sau khi Pháp thua ta ở Điện Biên Phủ, thám báo và biệt kích ở biên giới Việt - Lào trở nên nao núng. Xóm làng bình yên được một thời gian thì lại đến loạn phỉ.

Lúc này ngay tại biên giới Việt-Lào quê hương Pao, được đế quốc Mỹ hà hơi, Vàng Pao - một tướng của quân đội Hoàng gia Lào đã nhen nhóm tập hợp binh khí, quân đội chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc của Quân đội PaThét Lào. Vàng Pao đã chọn điểm xây dựng và tập trung lực lượng ngay sát biên giới Việt - Lào.

Để có lực lượng, Vàng Pao đã tự xưng là vua Mèo và cho người đi "tuyên truyền, vận động" thậm chí là dọa nạt, ép buộc đến các bộ phận người Mông nằm trên biên giới Việt - Lào bằng một tương lai đầy huyễn hoặc. Rằng nếu theo Vàng Pao, ủng hộ Vàng Pao thì khi "sự nghiệp" của hắn đã "công thành, danh toại" rồi thì người Mông sẽ trở thành bá chủ của các dân tộc khác, không làm cũng có ăn. Sẽ có một cuộc sống phú quý, an nhàn như ở trên thiên đường…

Do trình độ có hạn nên rất nhiều người Mông đã tin, đi theo và ủng hộ Vàng Pao, cuộc sống thanh bình trong chốc lát lại bị xáo trộn.

Vốn là người trọng hòa bình, không thể ngồi yên nhìn cảnh ấy, như thuở ban đầu, Pao lại vào trận. Thế nhưng cuộc chiến này lại không đơn giản như cuộc chiến ngày già và người dân của mình chống lại biệt kích và thám báo của thực dân Pháp. Để xóm làng bình yên chỉ còn cách khuyên nhủ, "làm sáng" những cái đầu đang u muội của dân làng.

Vốn là người cùng tộc nên Pao rất hiểu vai trò của những người cao tuổi trong mỗi bản làng. Phải dùng lớp người này để khuyên nhủ người dân vì người Mông thường kính trọng người cao tuổi trong làng xóm mình như kính trọng cha mẹ mình. Không nề hà, không quản đường sá xa xôi, nắm cơm, quả cà, Pao lên đường tìm đến những người cao tuổi này.

Tìm mọi lời lẽ khuyên can họ, để họ thấy cái trái về sự xưng vua của Vàng Pao, rồi Pao lại nhờ họ tập hợp dân ở các bản làng để khuyên nhủ họ. Một lần nói, hai lần nói, nhiều lần nói đã có người nghe ra. Một người bỏ Vàng Pao, hai người bỏ Vàng Pao về với bản làng.

Xóm làng lại yên ấm, người dân lại tích cực tham gia sản xuất và bảo vệ bình yên cho xóm làng mình. Với những công lao đóng góp tích cực này, năm 1960, Pao đã được bầu làm Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn.

Loạn phỉ Vàng Pao vừa kịp yên ắng, nhân dân nơi phên giậu của miền biên giới hữu nghị Việt - Lào bình yên chưa được bao lâu thì loạn lạc lại một lần nữa đến với vùng đất Kỳ Sơn. Lúc này tại mảnh đất Kỳ Sơn, Tương Dương nổi lên một thứ giặc có tên là Châu Phà do một người Mông có tên là Giàng Xay Xua cầm đầu.

Nguy hiểm hơn là giặc này lại nằm ngay trong lòng dân, khó đánh và khó tiêu diệt vô cùng. Một lần nữa vai trò của Pao lại được thể hiện, tạo thêm sự kính phục cho cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Năm 1960 được bầu làm Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn, 2 năm sau già Pao lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch huyện.

Ngày Quốc khánh 2/9/1963, Pao đã vinh dự được Bác Hồ và Chính phủ mời ra Thủ đô. Trong hàng trăm đại biểu thuộc đầy đủ các thành phần dân tộc đến từ các vùng miền trong cả nước, Pao đã được mời vào Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ.

Trong buổi gặp mặt này, ngoài những lời động viên, căn dặn và khuyên nhủ của Người, Bác Hồ đã hỏi đồng chí Lê Duẩn: Kỳ Sơn, Nghệ An đang có việc gì? Pao sững sờ về câu hỏi ấy, hóa ra chuyện khắp vùng miền địa phương nào Bác cũng thấu hiểu tường tận. Đồng chí Lê Duẩn đã báo cáo Bác:

- Thưa Bác, ở Kỳ Sơn, Nghệ An đang có giặc Châu Phà ạ!

Nghe câu nói đấy Bác lại ôn tồn và điềm tĩnh hỏi:

- Bác hỏi anh em, đại biểu ta có giặc Châu Phà thì ta phải giải quyết thế nào?

Vốn là người trực tính, đang nóng lòng về dẹp giặc Châu Phà nên Pao đã đứng lên thưa:

- Cháu là Chủ tịch huyện Kỳ Sơn, huyện cháu đang có giặc Châu Phà. Theo cháu ai theo giặc Châu Phà, cầm súng bắn lại nhân dân, bộ đội, nếu bắt được thì tuyên án tử hình. Ai theo Châu Phà, cầm súng, chưa gây tội, chưa bắn bộ đội và nhân dân nếu bắt được thì phạt cải tạo từ 1 - 3 năm. Ai không cầm súng nhưng ủng hộ Châu Phà nếu bắt được thì phạt cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm.

 Nghe già Pao nói vậy, Bác đã xua tay rồi nói:

- Không được, không được đâu các chú ơi! Theo Bác các chú phải xác định kẻ thù của chúng ta là ai? Ai muốn đô hộ, cướp nước ta? Nhân dân ta hiện nay trình độ có hạn nên đã nghe theo lời kẻ không tốt. 54 dân tộc anh em đều là bạn của ta hết. Nếu các chú coi họ là kẻ thù thì sẽ hết dân tộc. Cứ quan niệm như vậy thì đánh cả đời sẽ không hết giặc, đất nước sẽ không bao giờ có hòa bình cả. Muốn thắng họ cái quan trọng là phải cảm hóa được họ, nói cho họ thấy hết sai lầm, dạy cho họ biết đâu là điều phải trái…

Nghe Bác nói vậy, Pao hiểu rằng giặc Châu Phà vốn là người dân trình độ thấp bị mê hoặc, ngày họ là dân, đêm họ là giặc, thoắt ẩn thoắt hiện, phát hiện ra cũng không dễ. Để dẹp giặc đã bao đêm Pao chong đèn suy nghĩ. Thế rồi phương pháp "điệu hổ ly sơn" đã được Pao áp dụng.

Trong toán quân thiện chiến của Giàng Xay Xua có Lỳ Vả Chinh vốn là một thân tín của y. Lỳ Vả Chinh lại là chồng của Vừ Y Lầu vốn là chị họ của Pao, đang làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã. Vì Chinh đi theo Xay Xua nên Pao ghét đã tuyệt giao cùng gia đình họ.

Muốn bình yên xóm làng, từ câu nói của Bác Hồ, già Pao quyết định nối lại quan hệ. Tình người như bát nước hắt đi, có múc lại cũng không đầy nhưng vì mọi người nên Pao quyết định tìm đến nhà Chinh để nối lại quan hệ:

- Chị Lầu à! Lâu nay cái bụng tôi không ưa chị là do chồng chị đi theo Châu Phà. Thế nhưng anh em còn sống mà cứ ghét bỏ nhau thì không phải là người Mông ta. Châu Phà cũng như chồng chị đánh nhau cũng là đánh người Mông mình thôi. Người Mông cứ đánh nhau mãi thì cũng đến lúc hết người Mông. Không còn ai chơi, không còn ai để uống rượu nữa. Chị phải vào rừng gọi chồng về thôi. Nếu chồng chị cứ ở trong đó thì sẽ có lúc tôi và anh ấy bắn nhau. Nếu tôi chết thì chị sẽ mất em, nếu chồng chị chết thì chị sẽ mất chồng. Từ ngày chồng chị đi theo Châu Phà cái thóc cái lúa không ra, vợ chồng con cái không gặp mặt nhau, chỉ thấy thêm cái người chết, cái nhà cháy là nhiều thôi.

Hôm nay qua khuyên nhủ, giúp đỡ, ngày mai lại qua tiếp, như câu nói người Mông "nói phải củ cải cũng nghe" nên Vừ Y Lầu đã quyết định vào rừng gọi chồng. Cũng như Pao, một lần vào rừng nói không nghe, lần thứ hai Lầu lại vào tiếp. Vào mãi, nói mãi cuối cùng Lỳ Vả Chinh đã quyết định về nhà không theo Châu Phà nữa.

Là người được Châu Phà tin tưởng tuyệt đối nên khi Lỳ Vả Chinh bỏ rừng về nhà nhiều người theo Châu Phà cũng đã tìm đến hỏi. Câu nói của Pao lại được Chinh nói tiếp với nhiều người. Thế rồi từng người, từng người đều bỏ Châu Phà, Giàng Xay Xua tự nhiên mất quân rồi tan rã dần, không tốn một hòn tên, mũi đạn.

Kỳ Sơn, Tương Dương lại bình yên, lại rộn rã tiếng khèn tiếng sáo mỗi độ xuân về. Bằng những đóng góp này, năm 1990, Pao được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên ở vùng đất xa xôi nơi biên giới Việt - Lào này.

Đầu năm 2000, dưới sự trợ lực của các thế lực phản động, cụm phỉ do Xay Phia, người ở ngay cố hương Pao cầm đầu, theo Vàng Pao từ những năm 1960 lại nổi lên.

Lại theo phương châm của người thầy Vàng Pao, Xay Phia cũng lấy biên giới Việt - Lào gần quê hương già Pao làm nơi dấy binh hoạt động. Lại lôi kéo, lại dọa nạt các dân tộc thiểu số phải đi theo hắn trong đó nhiều nhất là người Mông của Pao.

Ngoài hành động lôi kéo, dọa nạt người khác theo mình bằng đủ các mưu kế thì các toán phỉ của Phia còn tổ chức tập kích vào nhà dân, trụ sở chính quyền để cướp lương thực và vũ khí. Ngang nhiên bắn giết cả dân lành nếu ai dám cản đường và không ủng hộ chúng.

Nhiều dân lành, nhiều chiến sỹ đã bị hạ sát trước những họng súng khát máu của chúng. Trong các vụ hạ sát này người ta nhớ nhất là sự ra đi của chiến sỹ Và Bá Giải - Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương và chiến sỹ dân quân Và Tống Khư - Phó Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Nậm Càn.

Cái tuổi 75 với những chiến tích tiễu phỉ đã từng trải, không quản ngại tuổi tác, già Pao chẳng thể ngồi yên để mà chứng kiến sự nhũng nhiễu, hạ sát dân lành và bộ đội của bọn phỉ nữa. Già Pao lại làm đơn đề xuất với các cấp ngành, xin một lần nữa để mình được vào trận, tiêu diệt hết tàn dư còn lại của tướng phỉ Vàng Pao.

Tại đất Kỳ Sơn, Tương Dương đại bản doanh của phỉ đóng ở Na Ngoi và Nậm Càn. Không quản ngại đường sá và nguy hiểm, già Pao đã chân đất chống gậy tìm vào. Nay lại điểm nóng Na Ngoi, mai lại điểm nóng Nậm Càn, ngày kia lại có mặt ở Hăm Thín. Bước chân tuổi 75 của già ra vào không mệt mỏi. Ngày thì đi tiếp xúc vận động, đêm thì về ngủ tại nhà dân.

Già Pao duy trì cuộc sống ba cùng, tận dụng mọi cơ hội khuyên nhủ người dân. Một người, hai người rồi nhiều người đã nghe ra. Đã không biết sợ, không đi tiếp viện cho phỉ Xay Phia nữa. Phỉ Phia mất chỗ dựa dẫm, co cụm dần, lực lượng của hắn cuối cùng chỉ còn lại 7 tên. Do không được tiếp viện nên chúng đã bị lọt vào ổ phục kích trong một lần mò ra cướp lương thực của dân. Một tên trong chúng bị tiêu diệt, 6 tên còn lại đã bị bắt cùng 3 súng AK và 17 viên đạn.

Chia tay già Pao tôi nhớ nhất câu nói của già: Mọi việc thành hay bại đều phải nhận được sự ủng hộ của người dân. Mà muốn dân ủng hộ phải biết họ nghĩ cái gì, làm cái gì và cần cái gì. Người dân rất sợ những gì quá to tát, quá xa xôi và không thực tế với cuộc sống của họ

Đơn Thương - Đức Tuyền
.
.
.