Liều thuốc tình người cho người có HIV

Chủ Nhật, 30/12/2007, 13:57
Sự kỳ thị xa lánh sẽ đẩy người có HIV thêm mặc cảm với cuộc sống và sớm đi vào cõi chết. Ngoài những liều thuốc ARV, người có HIV còn rất cần liều thuốc tình người.

Vẻ đẹp chân quê vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt phúc hậu, dễ thương, cho dù đôi mắt có chút ngấn lệ, phảng phất màu buồn, nhưng vẫn ánh lên nét nhìn đầy nghị lực sống. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hằng - thành viên Câu lạc bộ Nha Trang Xanh ở 85 Hồng Bàng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Cú sốc nghiệt ngã...

Bằng giọng trầm tư sâu lắng, chị Hằng kể: "Tôi sinh ra ở ngoại thành Nha Trang. Bố mẹ đều là nông dân, 20 tuổi, duyên nợ đưa tôi kết hôn với một thanh niên ở nội thành. Sau hơn 2 năm chung sống, tôi nhận ra chồng mình đi sớm về khuya, nhiều lúc vật vã như người đang chuếnh choáng men say khiến cho tôi linh cảm có một điều gì đó chẳng lành.

Tuy nhiên, công việc mua bán trái cây cuốn hút thời gian, hơn nữa đứa con đầu lòng mới hơn 10 tháng làm cho tôi không có điều kiện tìm hiểu sâu về các mối quan hệ sinh hoạt của chồng. Và điều bất hạnh đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của tôi, bà mẹ chồng cho biết chồng của tôi đã có HIV".

Chị tâm sự: "Đã có lần tôi tính đến chuyện tiêu cực, dùng thuốc độc để tự kết liễu đời mình. Nhưng rồi nhìn hai đứa con đang ngon giấc ngủ, tôi day dứt vô cùng. Đôi lúc tôi tự nhủ con mình không có tội, chúng có quyền sống và phải được sống trong sự thương yêu đùm bọc của mẹ, nếu mình tìm đến cái chết là né tránh trách nhiệm làm mẹ, là chối bỏ tình mẫu tử thiêng liêng".

Chỉ một thời gian ngắn sau khi nằm viện, chồng chị Hằng trút hơi thở cuối cùng, tinh thần và thể xác chị suy sụp đến mức không ai có thể tin chị sẽ sống. Chị Hằng càng suy sụp hơn khi chị đi xét nghiệm máu với kết quả HIV dương tính.

Từ một phụ nữ trẻ, khỏe, chỉ sau nửa tháng chị Hằng tiều tụy, xanh xao đến tàn tệ. Sau nhiều lời động viên an ủi của người thân, chị lầm lũi đưa hai đứa con về xã Vĩnh Ngọc ở với bố mẹ ruột. Thế nhưng những lời xầm xì, đồn đại của bà con lối xóm khiến cho chị quỵ ngã.

Xót xa hơn nữa là đứa con gái đầu lòng bước vào lớp học mẫu giáo bị những cái nhìn nghi kị, dò xét của nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí có người còn vô tâm khi buông những lời lẽ xúi quẩy: "Chồng nó chết vì mắc bệnh Siđa, thì đằng nào cũng đến lượt nó, con nó".

Không chịu đựng nổi những lời lẽ cay nghiệt của bà con lối xóm, chị Hằng đưa con trở lại gia đình nhà chồng. Bán trái cây không được, mở quán cà phê cóc cũng không xong, bày sạp báo cũng chẳng ai đến hỏi. Tất cả chỉ vì HIV đã ám ảnh, loan truyền đến tai nhiều người. Chị Hằng không trách, bởi họ và ngay cả chính chị là người nhiễm bệnh vẫn chưa có nhiều kiến thức về HIV/AIDS.

Đến nghị lực sống từ sự sẻ chia của cộng đồng xã hội

Niềm tin cuộc sống trong chị được đánh thức khi cầm kết quả xét nghiệm HIV hai đứa con đều âm tính. Thêm một niềm tin đã thắp sáng cuộc đời chị Hằng vào cuối năm 2005, một nhóm phụ nữ từ Câu lạc bộ Nha Trang Xanh tìm đến động viên, chia sẻ và gợi ý chị tham gia sinh hoạt trong nhóm giáo dục đồng đẳng.

Chị Nguyễn Thị Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ là một phụ nữ trải nghiệm trong cuộc sống, nên sau vài lần tiếp xúc đã thuyết phục được chị Hằng. Đều đặn mỗi ngày, chị Hằng đến câu lạc bộ học may thêu và đến nay đã trở thành một người thợ lành nghề.

Dù sản phẩm của Nha Trang Xanh chưa có điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng mỗi tháng chị Hằng cũng thu nhập hơn nửa triệu đồng. Chị tâm sự: "Chưa bao giờ tôi cảm thấy đồng tiền do chính mình làm ra lại quý giá hơn thế, bởi lẽ trước đó tôi không tin mình có đủ nghị lực vượt qua nỗi đau để vươn dậy với đời".

Câu chuyện thật sự cởi mở, nên khi đề cập chuyện riêng tư trong đời sống tình cảm, chị cười và bảo: "Có những điều tưởng chừng không có thật nhưng lại là sự thật". Đó là một chuyện tình đẹp như cổ tích giữa đời thường.

Cách đây gần hai năm, tình cờ một người đàn ông goá vợ tán tỉnh chị, đánh thức trái tim chị Hằng thêm một lần rung động trước tình yêu. Chị kể: "Tôi thật sự bất ngờ nên phải né tránh những câu hỏi của anh ấy. Nhiều đêm tôi thao thức và tự hỏi mình có nên cho anh ấy biết mình là người phụ nữ có HIV không? Và liệu mình có phải là kẻ có tội nếu cố tình im lặng, che giấu sự thật nghiệt ngã mà mình đang gánh lấy?".

Thêm một bất ngờ nữa là qua tìm hiểu, chị Hằng được biết người yêu thương mình là giám đốc một doanh nghiệp đang hoạt động thành đạt trên thương trường. Lo ngại nhiều điều phiền toái sẽ xảy ra đối với mình và cả vị giám đốc nọ, nên chị Hằng tìm cách từ chối mãi nhưng không được, cuối cùng chị đã nói sự thật. Nhưng vị giám đốc nọ không hề né tránh, mà ngược lại càng gần gũi động viên chị sống vui và chăm sóc tốt hai đứa con chị.

Chị Hằng thú nhận: "Trước tình cảm rất chân thành của anh ấy, tôi như sống lại thời thanh xuân. Chúng tôi đã nhiều lần quan hệ ân ái, và đương nhiên là phải lựa chọn biện pháp an toàn. Còn anh ấy thì ước nguyện sẽ được chăm sóc tôi đến cuối đời bằng tất cả tấm lòng, trái tim và tình cảm".

Trước khi khép lại câu chuyện, tôi hỏi chị Hằng: "Đến thời điểm này, điều gì làm chị hạnh phúc nhất?". Chị cười, một nụ cười tự tin và nói rất thật lòng: "Có hai điều làm cho tôi hạnh phúc nhất. Trước hết là hai đứa con tôi không lâm vào số phận nghiệt ngã của người có HIV. Thứ hai là sau cú sốc lớn trong đời mình, tôi đã gượng dậy và vươn lên trong cuộc sống bằng chính sự chia sẻ thương yêu của cộng đồng xã hội".

Vâng! Sự kỳ thị xa lánh sẽ đẩy người có HIV thêm mặc cảm với cuộc sống và sớm đi vào cõi chết. Ngoài những liều thuốc ARV, người có HIV rất cần liều thuốc tình người. Hy vọng qua bài viết này, mọi người cùng chia sẻ với chị Hằng, với tất cả những người có HIV, để họ thêm hiểu tình người, tình đời đẹp lắm!

Hữu Toàn
.
.
.