Liệu có đủ thẩm phán cho toà Hôn nhân và Gia đình?

Thứ Tư, 18/04/2007, 10:23
bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế & Ngân sách QH, dẫn lại ý kiến của Chánh án TAND tối cao về việc thiếu thẩm phán và hỏi "Liệu khi tách ra, toà HN-GĐ có tìm được thẩm phán không, nhất là khi những thẩm phán này được yêu cầu phải có chất lượng thực sự?".

Sáng hôm qua (17/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp 48, cho ý kiến về việc thành lập toà Hôn nhân và Gia đình thuộc Toà án nhân dân tối cao và toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo ngành toà án, lý do để cần thành lập toà Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) xuất phát từ tình hình thực tiễn: Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2003 đến gần cuối năm 2006, toà án nhân dân cấp huyện và tỉnh trong cả nước đã thụ lý, giải quyết một khối lượng vụ việc về HN-GĐ chiếm khoảng 50% số vụ việc về dân sự nói chung.

Đồng thời, cũng trong khoảng thời gian này Toà Dân sự TAND tối cao đã thụ lý gần 17 ngàn đơn khiếu nại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có khoảng 10% đơn khiếu nại bản án, quyết định về HN-GĐ.

Một điểm nhấn "lý do" khác, ngay tại kỳ họp 10, QH khoá XI, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng "các vụ án về ly hôn vẫn tiếp tục gia tăng".

Có mặt sáng nay, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa bày tỏ quan điểm: Vấn đề về HN-GĐ là khá phức tạp, cần có bộ máy toà án chuyên sâu, cán bộ chuyên sâu. Tuy nhiên thời điểm nào nên thành lập thì cần tính toán.

Tiếp theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật QH Trần Thế Vượng cho rằng, việc thành lập toà HN-GĐ cần phải được xem xét, cân nhắc trước hết từ cấp sơ thẩm. Hiện nay, việc xét xử sơ thẩm các vụ án HN-GĐ chủ yếu do toà cấp huyện đảm trách. Số vụ cần phải xử phúc thẩm ở toà cấp tỉnh chưa nhiều mỗi tháng không vượt quá 5 vụ, và cũng không có vướng mắc gì nhiều.

Vẫn theo ông Vượng, cần cân nhắc từ cấp sơ thẩm để giải quyết đồng bộ tiến trình cải cách tư pháp chứ không đơn thuần chỉ là tách toà dân sự để thành lập toà HN-GĐ thuộc cơ cấu của TAND tối cao và toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế & Ngân sách QH Dương Thu Hương thì "đề nghị tha thiết" trước khi quyết định tách hay không tách toà HN-GĐ thì cần xem xét hai chuyện: Thứ nhất, nếu thành lập riêng thì sẽ có một hệ thống toà HN-GĐ từ trung ương xuống địa phương, vì vậy hiệu suất hoạt động sẽ có vấn đề, nơi nhiều việc, nơi ít việc (tuỳ theo tính chất xã hội của khu vực: thành thị hay nông thôn, vụ án HN-GĐ xảy ra nhiều hay ít...).

Ngược lại nếu chỉ thành lập toà HN-GĐ theo khu vực, cụm (vài tỉnh có một toà) thì lại gây bất tiện cho người dân. Tóm lại, chỗ này theo bà Hương cần phải tính kỹ mô hình để vừa thuận dân vừa không lãng phí.

vấn đề thứ hai, bà Hương nhắc lại: "Tại kỳ họp QH gần đây nhất, ông Chánh án TAND tối cao đã nói đến chuyện số lượng và chất lượng của đội ngũ thẩm phán".

Câu hỏi được bà Hương nêu ra là: Nếu toà án dân sự đã thiếu thẩm phán như thế, thì liệu khi tách ra, toà HN-GĐ có tìm được thẩm phán không, nhất là khi những thẩm phán này được yêu cầu phải có chất lượng thực sự? 

Uỷ ban Pháp luật đề nghị, trước mắt cần tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002; Nghiên cứu tổng thể về cơ cấu, tổ chức của ngành toà án (trong đó có việc thành lập các toà chuyên trách phù hợp với tình hình thực tế). Từ đó trình QH, sửa đổi Luật tổ chức Toà án nhân dân, đồng thời đưa ra kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ thẩm phán của các toà chuyên trách

Theo Đỗ Minh (VietNamnet)
.
.
.