Liên quan đến việc xử phạt mũ bảo hiểm không đúng chuẩn: Khó cho người dân và cả lực lượng CSGT

Thứ Ba, 24/06/2014, 09:05
Theo kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kể từ ngày 1/7/2014, sẽ thực hiện xử lý người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH. Quy định là thế, song trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng thẳng thắn, đây là việc không đơn giản.

PV: Thưa Đại tá Đào Vịnh Thắng, theo quy định của Ủy ban ATGT quốc gia, mà đúng hơn là theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, thì từ 1/7, lực lượng CSGT sẽ phải xử phạt người dân đội MBH không đúng quy chuẩn. Đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã sẵn sàng với nhiệm vụ mới này chưa?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Để đảm bảo ATGT cho mọi người dân, hằng ngày, lực lượng CSGT trên toàn thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Cụ thể, mỗi ngày, có tới hơn 1.000 trường hợp vi phạm bị lập biên bản. Trong số này, có tới 400, thậm chí là 500 trường hợp người dân vi phạm lỗi liên quan đến mũ bảo hiểm, như không đội mũ, đội mũ không cài quai. Song tôi cũng thẳng thắn nói rằng, lực lượng CSGT không ngại tuần tra kiểm soát, không ngại cống hiến sức mình, ngày đêm đảm bảo ATGT của Thủ đô. Thế nhưng, với việc xử lý MBH không đúng quy chuẩn thì không đơn giản chút nào.

Đại tá Đào Vịnh Thắng trả lời phỏng vấn các báo, đài.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về khó khăn trong việc xử lý MBH không đúng quy chuẩn?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Việc kiểm tra tuyên truyền, nhắc nhở diễn ra từ ngày 15/6, tuy nhiên từ trước đó 2 tháng, các đội Cảnh sát cùng với xử lý người vi phạm đã nhắc nhở việc đội MBH theo đúng quy cách. Còn theo kế hoạch, từ 1/7 nếu phát hiện người tham gia giao thông đội mũ không đủ 3 bộ phận sẽ bị dừng xe xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc này không dễ, vì bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là mũ không đạt chuẩn, đâu là mũ dán tem giả...

Tôi nghĩ, Bộ Khoa học công nghệ, đơn vị quản lý thị trường, cần phải có kế hoạch tuyên truyền dài hơi, để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Hơn nữa, hiện nay, bản thân CSGT cũng chưa được tập huấn và hướng dẫn cụ thể về cách phân biệt mũ đạt tiêu chuẩn mà chỉ xem, nghe, nghiên cứu qua truyền hình, báo chí, trên mạng nên việc xử lý chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

PV: Mới đây, đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học Công nghệ )có trả lời trên Báo CAND rằng, để giúp CSGT nhận biết mũ không phải MBH, đơn vị đã có công văn gửi Cục CSGT đường bộ, đường sắt về mũ không phải MBH kèm theo hình ảnh. Trong trường hợp CSGT có yêu cầu, Cục sẽ cử cán bộ phối hợp tại một số trạm để giúp cho việc phân biệt, xử lí. Đồng chí có cho rằng, điều này sẽ giúp lực lượng CSGT thuận lợi hơn trong việc xử phạt vi phạm?  

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Cho đến thời điểm này, Phòng CSGT Hà Nội chưa nhận được văn bản nào như lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhắc ở trên. Phòng cũng chưa từng được tập huấn gì về vấn đề này. Qua tìm hiểu, bản thân tôi cũng như nhiều chiến sĩ khác cũng biết rằng, MBH được coi là đạt chất lượng (theo QCVN 2:2008/BKHCN) là mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, đệm hấp thu xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Ngoài ra, MBH phải được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa kèm theo. Thế nhưng, giờ tem cũng có tem giả, thì CSGT rất khó phân biệt. Với trường hợp không rõ ràng thì xử lý rất khó, khó cả cho người dân, lẫn đơn vị thực thi nhiệm vụ.  Còn việc Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa bố trí người xuống hỗ trợ lực lượng, trên địa bàn Hà Nội có vài trăm chốt trực, nếu chốt nào cũng có nhu cầu thì làm thế nào. Tôi nghĩ rằng, mọi việc cần được giải quyết từ “gốc” là nơi sản xuất đạt chất lượng đến quy trình phân phối hợp lý, kiểm tra chặt chẽ cơ quan chức năng cần tuyên truyền và xử lý tận gốc, nơi sản xuất, buôn bán mũ, chứ không nên mang Cảnh sát giao thông ra đối đầu với người dân.

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp đội mũ bảo hiểm không đúng quy định.

PV: Vậy, từ 1/7, Phòng CSGT có tiến hành xử phạt quy định này không, thưa Trưởng phòng?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Nghị định 171 có quy định,  từ 1/7 đối với người đi môtô, xe gắn máy, xe máy (kể cả xe máy, xe đạp điện) đội mũ không đủ 3 bộ phận sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH, với mức phạt từ 100.000-200.000 đồng. Quy định thì đã rõ ràng, song hiện nay trên thị trường có tới 60-70% MBH không đạt chuẩn. Vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân có thời gian hiểu và thay đổi, chúng tôi sẽ căn cứ tình hình thực tế để xem xét đến vấn đề xử phạt hay không. Có thể, với thời gian đầu chúng tôi sẽ chỉ nhắc nhở.

PV: Xin cảm ơn Trưởng phòng CSGT, Đại tá Đào Vịnh Thắng!

Thanh Huyền (thực hiện)
.
.
.