"Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" được tặng Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ V

Thứ Ba, 07/09/2010, 11:41
Ngày 6/9, Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 5 đã trân trọng tổ chức lễ trao thưởng cho tập thể chỉ đạo và biên soạn công trình khoa học "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến".

Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu do Giáo sư Trần Văn Giàu thành lập năm 2002 nhằm trao thưởng, động viên các công trình nghiên cứu về hai lĩnh vực: lịch sử tư tưởng và lịch sử Nam Bộ.

Đây cũng là những lĩnh vực mà giáo sư đã dành trọn cả cuộc đời đề nghiên cứu và giảng dạy. Tham gia giải thưởng năm nay có 4 công trình khoa học, trong đó, công trình "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" nhận được 100% số phiếu bầu chọn của các thành viên Ủy ban giải thưởng.

Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, ông Tô Bửu Giám trao tặng thưởng cho Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, đại diện tập thể tác giả công trình "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến".

Công trình "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" được Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cho khởi công từ năm 2002, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng làm chủ biên.

Sau 8 năm tích cực triển khai, công trình mới được hoàn thiện. "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" có tổng cộng 4.200 trang bản thảo, được bố cục thành 4 phần: Nam Bộ trong lòng Việt Nam; Nam Bộ kháng chiến chống Pháp; Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ và phần Tổng luận. Theo nhận định của Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu thì ngoài việc tổ chức các chương mục có kết cấu chặt chẽ, logic, nội dung của công trình rất phong phú, phản ánh khá toàn diện lịch sử cuộc trường kỳ kháng chiến, đi trước về sau của nhân dân Nam Bộ.

Chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chính trị, quân sự, các giai đoạn và sự kiện, xoáy vào các bước chuyển biến về quân sự, chính trị trên chiến trường Nam Bộ, cuối mỗi chương đều có tiểu kết, cuối công trình có phần tổng luận súc tích, rút ra những bài học lịch sử quý giá cho hiện nay và mai sau…

Tuy nhiên, theo chia sẻ của đội ngũ những người thực hiện công trình, để có được "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" trọn vẹn như hôm nay, các tác giả đã tập hợp xử lý nguồn sử liệu rất phong phú. Đáng giá nhất là các tài liệu lưu trữ ở cả hai phía ta và địch, các hồi ký lịch sử của những nhân chứng đã tham gia vào các sự kiện lịch sử, đặc biệt là nguồn sử liệu sống của chính những người đã tham gia làm nên lịch sử.

Công trình cũng tiết lộ khá nhiều điều chưa công bố: Lực lượng biệt động Sài Gòn qua tài liệu của Mỹ đã được nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng dày công cùng các đồng nghiệp sang tận nước Mỹ đọc, thu thập lúc sinh thời; Các tư liệu bí mật do cơ quan trung ương lưu giữ trong tàng thư…

Được biết, hiện tại, toàn bộ công trình đã được chuyển đến Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, chuẩn bị ra mắt công chúng vào thời điểm thích hợp

N.Nguyễn
.
.
.