Li hôn: Hệ lụy buồn từ xuất khẩu lao động

Thứ Hai, 24/07/2006, 15:11

Khi nghe chúng tôi nhắc đến cô con dâu cũ là chị Đỗ Thị Thơ, bà lão hơn 80 tuổi ở trong căn nhà thấp lè tè ấy đã khóc, cô cháu gái bé bỏng thì chạy vọt đi, còn người đàn ông tuổi ngoài 30 thì cau mày, hậm hực.

Gần chục năm về trước, anh Lê Văn Ngọc ở xã Văn An, tên người đàn ông ấy, quen biết chị Thơ khi chị đang là cán bộ hợp đồng cho phà Phả Lại. Tình yêu nảy nở giữa đôi bạn trẻ và sau thời gian tìm hiểu, họ kết hôn. Cháu Lê Ngọc Yến là kết quả của tình yêu giữa họ.

Dạo đó, thấy trong làng nhu cầu xuất ngoại cải thiện kinh tế, vợ chồng anh Ngọc cũng bàn nhau vay tiền để chị đi. Những tháng đầu, thư từ tới tấp, anh ngỡ rằng xa cách, tình cảm vợ chồng sẽ thắm thiết hơn. Thế nhưng, gần năm sau thì những lá thư ấy đã thưa dần rồi bặt hẳn. Chừng 3 năm sau, sốt ruột, anh cũng xin sang Hàn Quốc để đi làm nhưng mục đích chính là tìm vợ. Ở xứ kim chi, gặp vợ một lần, anh tê tái khi hiểu rằng chị đã đổi thay...

Chị giấu nhẹm nơi mình làm và thường hờ hững, lánh mặt anh. Và, ông trời đã đặt dấu chấm hết cho cuộc nhân duyên khi anh bị mất việc và buộc phải về nước trước thời hạn...

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh án TAND huyện Chí Linh thì một, hai năm gần đây, tỷ lệ ly hôn trên địa bàn huyện tăng đột biến. Và hầu hết những vụ ly hôn đó đều có "yếu tố nước ngoài" ấy là chồng hoặc vợ đã, đang đi xuất khẩu lao động. Có lẽ, bởi vụ nào cũng… "ấn tượng" nên chẳng cần lục tìm hồ sơ, ông Cường kể vanh vách hàng chục vụ ly hôn mới đây mà TAND huyện vừa… giải quyết.

Vụ chị Hồng, anh Trung ở xã Văn An, đã có với nhau 2 mặt con, khi nghèo khó thì thương yêu tha thiết, đi xuất khẩu lao động, có tiền thì "đôi lứa chia ly". Nguyên nhân, bởi mỗi tháng có tiền triệu từ người vợ đi làm "ôsin" ở Đài Loan gửi về, anh Trung đâm sa ngã. Anh… quên khuấy những lời vợ dặn trước lúc đi xa, mà triền miên lao vào những cuộc nhậu nhẹt, chơi bời. Bên xứ Đài, biết chuyện, dù rất đau buồn nhưng chị Hồng vẫn cố làm lụng, vẫn đều đặn gửi tiền về cùng những lá thư khuyên nhủ chồng. Thế nhưng, anh Trung vẫn chứng nào tật ấy. Hết hạn, chị Hồng về nước và từ nhà mẹ đẻ, chị đến thẳng tòa.

Nhọc lòng hai chữ "tình", "tiền"

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chí Linh đang đau đầu bởi phải "thụ lý" một vụ kiện hy hữu. Anh Dương Văn Thành ở xã Tân Dân kiện ông Mai Văn Chúc, nguyên Trưởng Công an xã về việc 6 năm trước, ông Chúc đã xác nhận cho chị Trần Thị Loan, vợ anh Thành là còn độc thân để đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Czech. Theo Trưởng Công an xã Tân Dân, Nguyễn Quang Kiên thì chị Loan và anh Thành lấy nhau từ năm 1990, hiện đã có 2 mặt con, một trai, một gái.

Trước khi xuất ngoại, bởi làm nông nghiệp nên kinh tế gia đình anh Thành chẳng khá giả gì. Để có tiền xuất ngoại, hai vợ chồng đã chạy vạy vay mượn khắp nơi và anh Thành phải bán một suất đất mặt đường. Mâu thuẫn giữa anh Thành, chị Loan bắt đầu nảy sinh khi niềm "kỳ vọng" về "nguồn ngoại tệ mạnh" được gửi về từ người vợ ở "trời Tây" của anh Thành đã không thành hiện thực. Tết Nguyên đán vừa rồi, chị Loan về thăm lại quê hương bản quán. Và, vẫn chuyện tiền nong, hai vợ chồng lại… bất đồng quan điểm. Đỉnh điểm của xung đột là ai về nhà nấy, chấp nhận cuộc sống ly thân.

Sau Tết, chị Loan tiếp tục sang "phương trời mới" làm ăn, sinh sống. Anh Thành lại tiếp tục những ngày "há miệng chờ sung nhưng... sung không chịu rụng". Giận cá chém thớt, chẳng hiểu suy tính thế nào, anh Thành làm đơn kiện nguyên Trưởng Công an xã vì "tội" đã chứng nhận sai hoàn cảnh hôn nhân lúc đó của vợ mình, để "cô ấy có điều kiện đi Tây, có tiền và coi thường chồng con".

Cười ra nước mắt, theo Trưởng Công an xã Nguyễn Quang Kiên, anh Thành… ra điều kiện với ông Chúc, hiện đang làm Phó Chủ tịch xã Tân Dân: Nếu muốn yên vụ này thì phải tác động để vợ anh gửi tiền về, còn không thì anh kiện đến cùng. Về phía ông Chúc, ông không thừa nhận rằng chữ ký trên tờ chứng nhận ấy là của mình.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được từ vụ kiện lạ lùng này: Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chí Linh đã phát hiện con dấu công chứng trên tờ chứng nhận… "vợ tôi còn… độc thân" phôtô từ bản viết tay là giả. Nguyên do, Phòng công chứng số 2 của huyện Chí Linh đến ngày 13/8/2001 mới có quyết định thành lập, nhưng dấu trên tờ chứng nhận của anh Thành có từ ngày 23/5/2001. Để vụ việc được thẩm định chính xác hơn, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chí Linh sẽ trưng cầu giám định tờ chứng nhận đó ...

Phó Chánh án Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hầu hết những vụ ly hôn do… xuất khẩu lao động mà TAND huyện Chí Linh đã xét xử trong thời gian gần đây đều có mâu thuẫn xuất phát bởi hai chữ: tình, tiền. Hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ nếu một trong hai người không vượt qua được cám dỗ, không "biết cách ứng xử" với những khoản tiền lớn có được nhờ những tháng ngày lao động vất vả ở đất khách, xứ người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chí Linh cũng như nhiều vùng quê khác của tỉnh Hải Dương, hiện có hàng nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài. Và, theo Phó Chánh án Nguyễn Mạnh Cường, mái ấm của những lao động ấy rất dễ bị đổ vỡ nếu họ không luôn có ý thức nâng niu, gìn giữ

Xuân Mai - Thanh Đào
.
.
.