Lên mạng thuê người… đi học

Thứ Sáu, 27/06/2008, 15:35
"Mình cần người học thuê, thời gian không cố định. Yêu cầu là nam sinh viên, địa điểm học tại Định Công, thời gian từ 17h30' tới 20h hằng ngày. Ai có nhu cầu xin gọi 0987335…". Hay: "Giá học thuê cho một tiết như thế này thì bèo quá, phải tăng gấp rưỡi lên mới nhận lời được…". Đây chính là một trong những mẩu tin ngã giá cho những buổi học thuê được một số sinh viên thời nay rao hẳn lên các trang web điện tử. Rất bất ngờ, song đó lại là sự thật.

Học hộ, học thuê là vấn đề hết sức nghiêm cấm trong quy chế đào tạo học sinh, sinh viên của bất cứ trường đại học hay cao đẳng nào. Nhưng không, vấn đề thuê học, thuê điểm danh đã được không ít sinh viên có tư tưởng lụy bằng cấp đưa hẳn lên những trang web điện tử trao đổi và thảo luận công khai như những cuộc mua bán hết sức đơn thuần.

Những trang website về học hộ, học thuê

Truy cập vào mục rao vặt của trang website đập vào mắt người đọc là mẩu tin khá lạ: "Tìm người học hộ giá "hot". Hiện tôi là sinh viên kế toán, Đại học N.T. do công việc bận rộn ít thời gian lên lớp. Do vậy tôi cần tìm người học hộ các môn đại cương của khối kinh tế. Yêu cầu các bạn sinh viên học giỏi các môn đại cương, giá 150 ngàn đồng cho một bài điều kiện từ 8 điểm trở lên... Giá cho mỗi buổi học là 30 ngàn đồng. Chương trình học tín chỉ nên linh động về thời gian. Ai có nhu cầu giúp xin liên hệ với tôi qua số điện thoại 09827519…" .

Ngoài website rongbay.vn chúng tôi còn tìm thấy rất nhiều các website khác đều có những mục tin đề cập tới vấn đề này, đặc biệt là tại các trang web  mang tính chất quảng cáo hay rao vặt. Với trang web muare.vn các thành viên của website này còn mở hẳn một diễn dàn (forum) trao đổi thảo luận chủ đề "học thuê, học hộ, điểm danh hộ" thu hút khá đông thành viên tham gia... Trong đó rất nhiều người khi đọc xong đã để lại địa chỉ email, nickname, số điện thoại và thậm chí cả địa chỉ nhà riêng để những ai có nhu cầu thì sẽ tiện cho liên lạc.

Tôi đi thuê người học

Để kiểm tra độ chính xác về những cuộc thảo luận học thuê trên mạng, chúng tôi tìm đến một số điện thoại, ngay lập tức đã bắt mối được một nữ sinh tên là T., sinh viên Khoa C.N.T. của một trường đại học. Theo đề nghị của T, để tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho hai bên, chúng tôi sẽ gặp nhau trực tiếp mà không nên thỏa thuận qua điện thoại. 25 phút sau, cuộc điện thoại liên hệ, T. đã xuất hiện cùng một bạn trai tên Đ.

Trong câu chuyện thỏa thuận và ngã giá cho mỗi môn học, để củng cố niềm tin tuyệt đối và trách nhiệm hết mình  trong những ngày T. "đóng thế" học hộ cho tôi trên giảng đường, nữ sinh này quả quyết: "Em sẽ học hộ anh hai buổi đầu không lấy tiền, anh có thể kiểm tra em bất kỳ lúc nào. Khi nào anh tin tưởng tuyệt đối chúng ta sẽ tính tiền toàn thể các buổi học với giá 35 ngàn đồng cho mỗi buổi học".

Khi tôi nói cần một một người nữa để học giúp cho một người bạn cũng đang rất bận vì công việc, T. hào hứng: "Nhóm em có tới bốn đưa, nếu bạn anh ai có nhu cầu, anh cứ alo cho em".

Cuộc thỏa thuận chỉ diễn ra trong vòng hai mươi phút nhưng qua những gì T nói thì chúng tôi được biết: Mặc dù mới chỉ là sinh viên năm thứ hai nhưng T và nhóm bạn của mình cũng đã có thâm niên trong quá trình "đóng thế" nơi giảng đường. Trước khi ra về, T nói thêm: "Anh hãy lấy lịch học cẩn thận và báo cho em trước một buổi nhé…".

Các số điện thoại công khai “rao” trên mạng.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết tình trạng học hộ, học thuê hay điểm danh thuê phần lớn là diễn ra lại các khóa học đào tạo văn bằng tại chức hay văn bằng hai, song trong đó cũng không ít trường hợp là sinh viên của các trường đại học chính quy. Mỗi người với một lý do riêng để tìm cho mình những người "đóng thế", song phần lớn trong suy nghĩ của họ vẫn là lụy bằng cấp, cốt có được bằng cấp, hay chứng chỉ để hợp thức hóa vị trí công tác của mình.

Để mục kích thực sự nạn học thuê, học hộ hay điểm danh thuê, cách đây không lâu tôi cũng đã chủ động xin được "đóng thế" cho một kỹ sư giao thông đang theo khóa học 6 tháng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình do trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ ngành Xây dựng tổ chức. Lớp học đông tới gần trăm người, nhộn nhạo người đọc báo, kẻ chơi điện tử.

Khi buổi học qua tiết thứ hai, thấy học viên ngồi cạnh mình gục mặt xuống bàn ngủ, tôi hỏi: "Anh không chép bài à?". Học viên này liền đáp lại: "Người ta chỉ yêu cầu điểm danh đủ buổi, không cần chép bài, chờ điểm danh xong về lấy tiền…". Thật bất ngờ khi ngồi cạnh chính mình lại cũng là một "đóng thế". 

Qua trao đổi, lãnh đạo của một trường đại học cũng tâm sự: "Mặc dù nhà trường thường xuyên thanh tra đột xuất, lớp có giáo viên chủ nhiệm nhưng không thể có mặt hằng ngày. Trong mỗi lớp học luôn có số lượng sinh viên đông, thầy cô giáo gần như không thể nhận biết được sinh viên của mình. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhà trường là ý thức tự rèn cũng như tự quản lý cá nhân trong mỗi sinh viên…".

Trong những năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra hàng loạt những chủ trương, quyết sách để chấn hưng giáo dục nước nhà, tuy nhiên với những gì phác họa như trên cũng đủ để cho thấy nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa ra những biện pháp mạnh và thiết thực hơn nữa thì trong công cuộc thúc đẩy nền giáo dục nước nhà đi lên vẫn còn gặp nhiều cam go, thử thách

Quốc Hưng
.
.
.