Lễ chùa đầu năm mới: Những điều trông thấy...

Thứ Sáu, 27/01/2012, 14:05
Những ngày đầu năm, ở các di tích, danh thắng luôn đón một lượng khách rất đông đi cầu an, vãng cảnh. Có điều, sự thương mại hóa ở chốn tâm linh đã khiến cái thú vui nho nhỏ đầu xuân ấy của nhiều người không trọn vẹn ...

Như mọi năm, Phủ Tây Hồ, nơi thờ một trong “tứ bất tử” vẫn là điểm thu hút người dân ngay từ phút giao thừa. Vì thế, đây cũng là nơi bọn “đạo chích” thường xuyên tìm đến “làm ăn”. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1/2012, Công an quận, Công an phường, Tiểu BQL di tích Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo ANTT ở đây nên những ngày Tết đã không xảy ra đốt pháo và số vụ mất trộm của khách hành lễ đã giảm so với năm trước. Nhờ có sự phối hợp giữa Công an phường, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113 để phân luồng từ xa, nên dù lượng người đổ về phủ ngày càng đông, nhưng lực lượng Công an đã kịp thời giải tỏa ách tắc trên đường Xuân Diệu vào chiều mồng Một chỉ sau một tiếng và những ngày sau đã không còn xảy ra ách tắc. Phủ Tây Hồ cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc không đốt đồ mã nơi công cộng.

Ông Trương Công Đức, Trưởng tiểu BQL di tích Tây Hồ cho biết: Lực lượng bảo vệ kiên quyết không cho người đi lễ mang đồ mã, kinh sách ngoài luồng đặt lên bàn thờ, đồng thời, hạn chế tối đa việc thắp hương trong phủ, ngăn chặn bẻ cây lấy lộc. BQL di tích cũng cho dán ảnh các “đạo chích” ở cổng và liên tục phát loa nhắc nhở mọi người cảnh giác, nên năm nay, chưa xảy ra hiện tượng mất đồ lễ.

Tuy nhiên, cũng như mọi năm, dịch vụ trông giữ xe ở Phủ Tây Hồ của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp (NNKDDVTH) Quảng An tiếp tục gây bức xúc cho du khách. Đã nhiều năm, báo chí, trong đó có Báo CAND phản ánh vi phạm của đơn vị này. Nhưng chẳng những không khắc phục, mà việc vi phạm còn ở mức cao hơn như thách thức dư luận: không niêm yết công khai giá vé; sử dụng vé của ngành Tài chính với mức giá 2.000 đồng, nhưng thu tới 10.000đ/xe máy.

Dùng vé Nhà nước phát hành có giá, nhưng thu tiền gấp 5 lần.

Chiều 2 Tết, trước sự phản ứng của nhiều người rằng “đài, báo đã phê phán mà vẫn chặt chém” thì anh thu tiền vé tỉnh bơ: “Báo với đài là cái đinh gì!”. Với mức thu cao gấp 5 lần quy định, thì mỗi ngày, với hàng vạn lượt xe máy, ôtô, vi phạm về kinh tế của HTX này là rất lớn! Đó là chưa kể tội trốn thuế. Đây không biết là lần thứ bao nhiêu HTX NNKDDVTH Quảng An vi phạm Quyết định 149/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội cũng như các điều kiện mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quy định: “Lệ phí trông giữ phương tiện giao thông thực hiện theo quy định của UBND TP”. Dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự “bảo kê”, thậm chí tiếp tay của cơ quan chức năng cũng như địa phương khi một đơn vị có tư cách pháp nhân mà ngang nhiên vi phạm quản lý kinh tế thành hệ thống nhưng không bị xử lý?

Với hàng vạn lượt xe gửi mỗi ngày, vi phạm của điểm trông giữ xe ở Phủ Tây Hồ là rất lớn.

Di tích cấp quốc gia Bia Bà ở thị xã Hà Đông năm nay khang trang hơn hẳn vì vừa được tôn tạo. Đây vẫn là một trong rất ít nơi có chỗ đặt lễ rộng rãi, giảm bớt sự chen chúc trước ban thờ. Tấm Bia Bà gần 500 tuổi vốn dựng ở cửa đền năm nay được đưa vào ngay trước ban thờ, đặt trong khung kính. Có điều, không một dòng nào giới thiệu về tấm bia lịch sử này, ngoài mấy chữ nằm ở chân bia “Bia Đức bà xây dựng tôn tạo năm 2011”, còn bên hông chân bia ghi tên…

BQL di tích khóa 9 và số người công đức chiếc chân bia, như chỉ nhằm “tôn vinh” những người cung tiến con rùa làm chân bia, khiến nhiều người tưởng bia được làm năm 2011. Với cách làm này, không mấy ai biết rằng, đây là tấm bia có từ năm 1539, ghi sự tích về bà Đệ nhị cung phi triều Mạc Thái Tông (1530- 1540), do hai vị đại quan là Phụng chế Đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Hàn lâm viện Thị độc Chưởng Hàn lâm viện sự Tư chính thượng khanh Nguyễn Tiến Thanh và Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Hoằng cùng soạn.

Tấm bia không chỉ giúp khách thập phương hiểu thêm về sự tích Bia Bà, mà còn cung cấp nhiều tư liệu quý về chế độ quan chức, nghi thức tế lễ, tập tục thờ cúng của vương triều Mạc. Thế nhưng, với việc tôn tạo hiện nay là không đúng với chủ trương của Bộ VH-TT&DL trong việc tuyên truyền sâu về giá trị, ý nghĩa của các di tích, nhất là di tích cấp quốc gia, nên cần phải chấn chỉnh.

Chỉ có những dòng tiếng Việt ở chân bia là tên của… BQL di tích.

Đặc biệt, năm nay, ở hầu hết các chùa chiền, số nơi đặt bát hương và hòm công đức tăng quá nhiều, đi ngược lại chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL. Ở cụm di tích đình, chùa, đền Bia Bà cũng thế cùng với số lượng người khấn thuê. Chị bạn tôi đặt 10 ngàn vào tay một bà nhờ khấn thuê, liền bị bà quắc mắt quát: “Cô không đi lễ bao giờ à?”. Khiến chị vội đặt thêm tờ 50 ngàn mới được bà khấn cho vài câu! Đội ngũ viết sớ chữ Nho ở mọi lứa tuổi cũng xuất hiện đông hơn tại hầu hết các điểm. Nhưng sau khi “ông thầy” ở đường vào Phủ Tây Hồ viết xong lá sớ, chúng tôi đề nghị “thầy” đọc lại, thì chả lần nào “thầy” đọc đúng tên và địa chỉ của chúng tôi, đủ thấy “thầy” không biết chữ Nho. Ở các điểm trông giữ xe tại các chùa chiền trên địa bàn Hà Nội như chùa Hà, đền Quán Thánh, chùa Phúc Khánh, Quán Sứ, Trấn Quốc v.v… cũng nhan nhản các điểm trông xe của tư nhân mọc lên không có giấy phép, không dùng vé của ngành Tài chính và đều thu phí cao hơn quy định.

Chúng tôi đồng tình với ý kiến của ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL: Di tích nào cũng có liên ngành thanh tra, nhưng việc kiểm tra, nắm bắt, xử lý lại thiếu kiên quyết. Một khi công tác quản lý yếu kém thì vi phạm xảy ra là đương nhiên

Thanh Hằng
.
.
.