Lão nông mê sách trong khu vườn măng cụt cổ ở Lái Thiêu

Thứ Ba, 30/04/2013, 15:18
Ông mang cái tên khá mỹ miều: Trương Long Phụng. Thế nhưng, gần như cả cuộc đời ông gần như chỉ gắn bó với vườn măng cụt đã trên trăm tuổi của dòng tộc ở ấp An Hòa, xã An Sơn, Lái Thiêu, Bình Dương. Không chỉ mê cây, ông cũng mê sách đến kỳ lạ. Sách về cây trái, sách về triết học, văn học, đủ loại, kể cả những tác phẩm rất “khó đọc”.

Nhắc đến tên ông, hầu hết các công chức mẫn cán của Lái Thiêu cho đến người dân địa phương đều bảo rằng, chưa thấy ai yêu cây măng cụt một cách kỳ lạ như thế.

Thực ra, trước khi chúng tôi đặt chân đến khu vườn măng cụt cổ của lão nông Trương Long Phụng, nơi đây đã từng đón rất nhiều đoàn cán bộ nghiên cứu từ các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn, bà Tống Thị Nga tự hào: Khu vườn này không chỉ là vườn mẫu, được tham quan nhiều nhất mà còn là một trong số ít vườn măng cụt cổ còn sót lại của vựa trái Lái Thiêu nức tiếng ngày xưa...

Để được mục sở thị vườn cây ăn trái đặc biệt này, khách buộc phải vượt qua cả chục km đường đất vòng vèo, kể cả những cây cầu nhỏ còn vẹn nguyên dấu vết mới xây dựng. Đón chúng tôi là một “lão nông” đã ngoại 60 nhưng vẫn rất khỏe mạnh và lanh lợi. Dắt thẳng khách ra vườn, chỉ vào những hàng măng cụt thẳng tắp như vườn cây cao su, ông Trương Long Phụng tự hào bảo rằng, cô có khắp xứ cũng khó có thể tìm được vườn trồng độc đáo như vườn của ông (?!). Các gốc măng cụt ở đây đều đã trên trăm tuổi. Khu vườn được những người trong dòng tộc của ông đến khai khẩn từ những năm 1897 – 1890.

Ông Trương Long Phụng và những gốc măng cụt trên trăm tuổi.

Để có vườn cây như hiện nay cũng là cả một kỳ công. Bởi, ngày ấy, vùng Lái Thiêu này vẫn còn khá hoang sơ, rậm rạp. Ông bà cố của ông chọn trồng măng cụt, học cách lập vườn giống cách trồng... cao su của người Pháp. Nghĩa là cũng đào mương thoát nước, bố trí cây trồng theo những khoảng cách đều đặn, ngay hàng thẳng lối đến nỗi người vào vườn, đứng ở bất kỳ chỗ nào cũng thấy những gốc cây xù xì liên tiếp đứng thẳng tắp mà tỏa tán.

Riêng với giống măng cụt Lái Thiêu, cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được tài liệu nào xác định được nguồn gốc chính xác, nhưng, theo một cuốn sách mỏng của một nhà nghiên cứu người Pháp trước đây ông sưu tầm được thì giống măng này được mang về từ nước ngoài và đặc biệt chỉ hợp với thổ nhưỡng của vùng Lái Thiêu.

Măng cụt Lái Thiêu trong ký ức của ông Phụng cũng không phải là hơn 300 gốc măng cụt hiện hữu vườn nhà mà là những vườn trái ngút ngàn. Từ khi mới chập chững biết đi, ông đã thích được bố mẹ, ông bà dắt ra vườn ngắm cây, nghịch đất, hít hà mùi cây lá ẩm mục đặc trưng mỗi sáng. Mê vườn, mê cây nên được cha mẹ cho ăn học, biết chữ rồi ông cũng quay về với vườn. Cây ngày ấy cho trái nhiều lắm. Chỉ có điều chiến tranh loạn lạc, những vườn cây cứ thu hẹp dần.

Ngày ấy, sau mỗi trận bom, chạy ra vườn, chứng kiến  từng vạt cây đổ rạp, dù còn non nớt nhưng lòng ông cứ quặn thắt như mất đi những người bạn thơ bé. Sau này, không bom rơi đạn nổ nhưng công nghiệp phát triển, đất đai ô nhiễm, cây cối cứ bào mòn từng cái rễ, ngả màu. Xót cây, ông lại mày mò tìm cách chữa trị. Từ đọc sách để lấy kiến thức trồng vườn, ông mê đọc sách lúc nào không hay. Không phải chỉ là sách của phương Đông, ông đọc cả sách triết học phương Tây, sách văn học kén độc giả: “Anh em nhà Kazamazov”, “Tội ác và trừng phạt”...

Đọc sách và thử nghiệm thực tế, ông chắc chắn rằng không nơi nào trồng được giống măng cụt đặc biệt như măng cụt Lái Thiêu: vỏ mỏng, chua chua, ngọt ngọt, vị mát. Ông mày mò mang lại giống cây ấy về trồng lại ở Lái Thiêu, sau vài năm, cây mới cho trái có chất lượng như các cây khác.

Riêng về khu vườn, ông Phụng tự hào: Nhờ có nó mà gần 20 người con, cháu trong dòng họ đã học hành, thành tài. Hiện nay, ông vẫn chăm chút cây lâu năm, mày mò nhân giống, trồng thêm cây mới. Ông  trồng là để cho thế hệ mai sau. Với người trồng vườn, ai cần cây giống ông cho cây giống, ai cần kinh nghiệm chăm sóc phát triển vườn cây, ông sẵn sàng chia sẻ. Điều ông luôn mong mỏi  nhất là tìm được người có đủ tâm huyết để tin cậy giao lại vườn cây, tiếp tục phát triển hơn giống măng cụt quý của Lái Thiêu mà ông và dòng tộc đã dày công chăm sóc

N.H.
.
.
.