Lão nông chuyên… "nối nhịp bờ vui"

Thứ Sáu, 03/10/2014, 12:01
Đối với người dân xã vùng sâu Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang), mỗi cây cầu được dựng lên mang lại niềm vui khôn tả. Trong đó, người không bao giờ vắng mặt trong suốt thời gian hình thành những cây cầu "nối nhịp bờ vui" ấy chính là lão nông Nguyễn Văn Phèn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn.

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua là thời điểm khó quên với người dân ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước, khi cây cầu Vĩnh Thành 3 được khánh thành, đưa vào sử dụng. Không vui sao được khi trên tuyến đường gập ghềnh đất đá dọc theo kênh T5, một cây cầu trụ sắt kiên cố đã mọc lên, thay cho cầu gỗ tạm không đảm bảo an toàn khi lưu thông.

Cũng giống như 22 cây cầu nông thôn đã được xây dựng trong hơn 10 năm qua ở xã Vĩnh Phước, lão nông Nguyễn Văn Phèn luôn nhiệt tình tham gia từ giai đoạn vận động tài trợ xây cầu, thiết kế, chỉ huy thi công cho đến khánh thành. Ông có mặt tại công trình từ sáng sớm cho đến nhá nhem tối. Ông Phèn chia sẻ: "Nếu tính thẳng thừng, để xây cầu Vĩnh Thành 3 cần nguồn kinh phí cả tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tốn chưa tới 500 triệu đồng đã hoàn thành công trình. Sở dĩ tiết kiệm đến 50% một phần nhờ chúng tôi tận dụng được sắt, gỗ của cầu cũ. Bên cạnh đó, bà con tự nguyện đóng góp hơn 500 ngày công, chúng tôi chỉ phải thuê thợ ở những công đoạn khó. Trong suốt một tháng rưỡi xây dựng cầu, người dân ủng hộ gạo, thực phẩm, nấu cơm giúp đội thi công. Cũng nhờ mọi người đồng lòng mà tiến độ xây cầu được đẩy nhanh, tiết kiệm chi phí đến mức tối đa".

Ông Nguyễn Văn Phèn bên cầu Vĩnh Phước.

Song song với việc xây mới cầu Vĩnh Thành 3, đội thi công cầu của ông Phèn còn sửa chữa, nâng cấp cầu Vĩnh Thành 2 với kinh phí trên 126 triệu đồng, giúp việc lưu thông trên tuyến đường kênh T5 ngày càng thuận tiện. Lão nông ngoài 60 tuổi này phải chạy đôn chạy đáo giữa 2 cây cầu. "Mình lớn tuổi rồi, không trực tiếp làm nặng được nhưng phải có mặt để động viên, hướng dẫn các cháu thực hiện đúng thiết kế nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Nhà tôi tuy ở gần cầu nhưng thường ăn cơm trưa tại chỗ với mọi người rồi bắt tay vào làm việc tiếp. Thứ bảy, chủ nhật tôi vẫn đi xây cầu hoặc vận động hiến máu nhân đạo, chứ ở nhà thấy khó chịu lắm" - ông Phèn bộc bạch.

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Văn Phèn còn là một "cao thủ" vận động hiến máu nhân đạo. Hầu như năm nào số lượt người hiến máu tình nguyện của xã Vĩnh Phước cũng vượt chỉ tiêu mà huyện giao. Nghĩa cử cao đẹp ấy một phần cũng xuất phát từ sự nhiệt tình của ông Phèn. Ông Phèn chia sẻ bí quyết, đến ngày hiến máu, tôi tập hợp bà con tại UBND xã Vĩnh Phước, thuê xe đưa ra Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn để lấy máu, xong rồi rước về. Toàn bộ chi phí ăn uống khi ra huyện đều do xã lo. Nhờ vậy, số người tham gia luôn nhiều hơn kế hoạch.

So với địa bàn có hệ thống kênh rạch chằng chịt như Vĩnh Phước, con số xây dựng 2 cây cầu mỗi năm vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhưng đó đã là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương. Nhiều cây cầu sau khi thông xe vẫn còn thiếu nợ vật tư, ông Phèn cùng mọi người lại đi vận động tiếp để trả nợ. Cũng nhờ UBND huyện Tri Tôn, các doanh nghiệp và Mạnh Thường Quân quan tâm hỗ trợ mà đến nay, giao thông trên các tuyến đường chính liên ấp đã tương đối thuận lợi

Đức Văn - H.X.
.
.
.