Lão ngư dân giao nộp nhiều vật liệu nổ

Chủ Nhật, 23/02/2014, 11:08
Từ nhiều năm nay, ông Lê Văn Tập, 64 tuổi, hiện trú tại xã Trường Thành, huyện An Lão, TP Hải Phòng được biết đến như là một “công binh” trên sông nước khi trục vớt, giao nộp rất nhiều vũ khí, vật liệu nổ.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nên dù được trả giá cao, ông Tập kiên quyết không bán các loại “phế liệu” nguy hiểm này. Với thành tích xuất sắc trong việc tham gia giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, đảm bảo ANTT trên địa bàn, ông Tập đã được Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã trao tặng giấy khen.

Vợ chồng ông Tập hiện mưu sinh trên con thuyền tôn rộng chừng 2m2. Đây vừa là nhà ở và cũng là tài sản đáng giá nhất của vợ chồng ông. Từ nhiều đời nay gia đình ông vẫn sống như thế này.

Ông Tập chia sẻ, từ đời ông cha đến các con, các cháu chưa có một ngày được sống trên bờ. Hình như, tổ tiên của ông cũng là dân sông nước ở làng chài Kim Lai, huyện Kim Thành, Hải Dương. Do cuộc sống mưu sinh, các thành viên trong gia đình xuôi theo các dòng sông làm nghề đánh bắt cá, tiện bến nào thì dừng lại ở bến đó. Do cuộc sống lênh đênh trên sông nước nên hầu hết những người dân xóm chài đều mù chữ. Khi không đánh bắt tôm cá, các ngư dân chuyển sang mò sắt vụn. Đây là công việc vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng mang lại thu nhập cao hơn đánh bắt tôm cá. Mỗi khi nước cạn, vợ chồng ông Tập chèo thuyền dọc mò sắt vụn. Có ngày vợ chồng ông Tập mò được hàng chục kilôgam sắt vụn. Khi còn trẻ, khỏe mạnh, ông Tập có thể lặn 11 - 12 sải. Nhưng bây giờ, do tuổi cao sức yếu nên ông chỉ có thể lặn được từ 5 - 6 sải. Nghề sông nước cứ khô mái chèo là đói nên vợ chồng ông thường di chuyển từ các khúc sông ở Hải Phòng, có khi vào tận Thái Bình, Nam Định để kiếm sống.

Ông Lê Văn Tập và số vũ giao nộp cho cơ quan Công an.

Theo ông Tập, những người làm nghề mò sắt vụn thường có một cục nam châm từ 2 - 3kg, một đầu được buộc vào sợi dây thừng thả xuống tận đáy sông và kéo đi. Cục nam châm này có thể hút được tất cả những gì là kim loại ở độ sâu dưới lớp bùn 5 - 10cm. Do đặc thù công việc rất vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên các “thợ lặn” đều cố gắng mò tất cả mọi thứ có thể bán được. Nếu ngư dân lặn thêm vài sải hoặc do người điều khiển máy khí bơm khí không có kinh nghiệm sẽ rất nguy hiểm. Nhiều người đã tử vong khi máy bơm khí xảy ra sự cố hoặc người lặn bị cảm, bị áp suất đè nén…

Trong cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, thành phố Hải Phòng từng là mục tiêu đặc biệt quan trọng. Do đó, lực lượng không quân Mỹ đã tiến hành hàng trăm trận đánh phá dữ dội, trút nhiều loại bom, mìn hiện đại… xuống thành phố. Trong những lần thám hiểm lòng sông, ông Tập từng mò được nhiều bom, mìn, lựu đạn còn sót lại sau chiến tranh… Trong đó, những quả bom, mìn có trọng lượng từ 5 - 7kg hay nặng tới chục kilôgam gắn cánh quạt ở đuôi.

Cách đây khoảng 5 năm, ông Tập từng phát hiện một quả bom nặng gần 300kg ở khu vực gần chân cầu Quay. Sau vài hơi lặn dài, ông Tập và một số người dân đã đưa quả bom lên bờ. Thấy sự lạ, nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến xem rất đông. Ngay lúc đó, lực lượng Quân đội và Công an địa phương đã có mặt giải tán đám đông, xử lý và đưa quả bom về nơi an toàn. Biết ông Tập hay vớt được các lại vũ khí, bom mìn, nhiều người đã tìm đến hỏi mua với giá cao. Ban đầu, nhìn con thuyền cũ nát, ông Tập cũng tự nhủ sẽ bán số phế liệu này để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, ông Tập nhận thấy việc mua bán bom, mìn là vi phạm pháp luật nên kiên quyết không bán. Ông Tập liền gom số bom mìn vớt được vệ sinh sạch sẽ rồi cất giấu vào một nơi kín đáo. Để tránh số bom, mìn, lựu đạn và vũ khí các loại rơi vào tay các đối tượng xấu, gây nguy hiểm cho xã hội, ông Tập quyết định giao nộp cho chính quyền địa phương.

Thấy ông mang một đống bom mìn, nhiều người dân không khỏi giật mình. Chỉ sau khi lực lượng chức năng đến xử lý, người dân mới cảm thấy yên tâm. Vì trách nhiệm với công đồng, khi phát hiện các loại vũ khí dưới sông, ông Tập dùng mọi phương pháp di chuyển, vận chuyển “phế liệu nguy hiểm” này lên bờ an toàn. Để ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của bom, mìn đối với người dân, đến nay, ông Tập đã trục vớt, giao nộp cho lực lượng chức năng hàng tạ vũ khí, vật liệu nổ

Đăng Hùng
.
.
.