Lao động ngoại tỉnh lao đao tìm việc những ngày cận Tết

Thứ Bảy, 25/01/2014, 02:14
Từng tốp lao động đứng chờ việc, có khách đi xe tới, tất cả chạy ùa ra vây quanh. Cận Tết rồi nhưng lao động ngoại tỉnh vẫn đông tấp nập, họ cố bám trụ ở Hà Nội đến những ngày cuối cùng trong năm để tìm kiếm việc làm, có thêm thu nhập lo cho cái Tết. Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, tìm kiếm việc làm của lao động tự do ngày cuối năm gặp nhiều khó khăn. Việc khan hiếm, người tìm việc lại đông, để kiếm được một công việc xem ra cũng vô cùng vất vả.

Đầu giờ sáng, ngay tại ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc một tốp khoảng 20 người cả nam và nữ đang đứng đợi việc. Thấy tôi đi xe đến, họ ùa ra nhao nhao hỏi: “Tìm người làm gì hả em?”. Biết tôi là phóng viên, họ nhanh nhảu: “Đứng từ sáng tới giờ chưa ai kiếm được việc gì hết”.

Theo mấy chị phụ nữ thì Tết năm nay công việc khan hiếm, kiếm việc rất khó khăn. Thường giáp Tết người ta hay thuê khuân vác đồ, dọn nhà mới, lau chùi nhà cửa, sửa chữa nhà, đào đất… nhưng năm nay việc hiếm hơn. Nhiều tuổi nhất trong nhóm lao động ở đây, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Nhiều gia đình họ tiết kiệm tự lau chùi lấy nhà cửa nên việc hiếm hơn. Làm nghề này như đi câu, ngày có việc thì có tiền, có ngày về tay không”.

Theo chị Hạnh thì vào mùa nông nhàn, chị lại ra Hà Nội tìm việc. Đến nay đã có 3 năm đứng đợi việc ở ngã tư Trần Cung – Hoàng Quốc Việt này rồi. Không chỉ chị mà tất cả anh chị em lao động tự do đứng tìm việc ở ngã tư này đều là người ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Họ rủ nhau sang Hà Nội kiếm việc và dần hình thành nên một nhóm đứng đợi việc ở đây. Người nhiều thì đã làm được 5 năm, người ít thì hai năm.

Thấy người đi xe máy tới, nhóm lao động ở dốc Bưởi ùa ra hỏi việc.

Ngày nào cũng vậy, cứ 6h sáng là họ đạp xe khoảng 15 cây số từ nhà sang đây chờ việc. Vóc dáng gày gò, gương mặt đen sạm, chị Hạnh cho biết thêm: “Ngày này việc gì chúng tôi cũng làm, miễn là có thu nhập lo Tết. Nhưng việc hiếm lắm, mà năm nay khách trả công chỉ bằng nửa năm ngoái”. Xen vào lời chị Hạnh, mấy người đàn ông cùng ở xã Kim Nỗ kể: “Trước đây công thuê đào đất 200.000đ/nửa ngày thì giờ chỉ có 120.000 thôi. Mấy chị này đi lau nhà cũng thế, nhà 3 tầng mà khách quen thì họ trả 35.000đ/tiếng, chưa quen là 50.000đ nhưng giờ chỉ trả 25.000đ/tiếng thôi”. Chính vì không có việc nên mấy lao động nam làm cả nghề xe ôm để có thêm thu nhập.

Ngược lên dốc Bưởi, chúng tôi gặp vài tốp lao động nam đang đứng ngồi chờ việc. Ở đây có tới vài chục người và điều đặc biệt là hầu hết họ đều quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chỉ số ít trong đó là quê ở Thanh Hóa. Một phụ nữ đi xe máy tới, lập tức họ ùa đến vây quanh, ai cũng sốt sắng hỏi han để tìm việc. Lao động thì đông, chị phụ nữ không biết chọn ai, mà công việc lại chỉ cần có 1 người. Thế là cả đám lại tản mát, chỉ có một người ở lại lấy thông tin và số điện thoại của chủ thuê. Dù việc rất khan hiếm, nguồn cung lại nhiều nhưng tôi thấy họ đều nhường nhau, không tranh giành công việc. Anh Nguyễn Văn Long, ở huyện Yên Thành, Nghệ Anh cho biết: “Năm nay quả là ảm đạm, Tết đến nơi rồi ngày có việc, ngày không. Có khi hai ba ngày mà tôi cũng chẳng kiếm được việc gì”.

Quanh năm vất vả đứng hóng bụi ngoài đường để đợi việc, những lao ngoại tỉnh ra Hà Nội kiếm việc làm gặp rất nhiều khó khăn. “Suy thoái kinh tế, tìm việc lao động chân tay khó lắm. Nhà cửa xây dựng ít, việc ít. Đặc biệt Tết năm nay, người ta thuê chúng tôi ít lắm”- anh Phạm Văn Dũng, quê ở Yên Thành, Nghệ An cho biết. Theo anh Dũng thì mỗi tháng đi làm thuê, ngoài tiền ăn, tiền trọ, anh tằn tiện dành dụm được 2 triệu gửi về quê cho vợ con. “Phải 29 Tết mới về, cố xem có kiếm thêm được ít nào về lo Tết cho tươm tất”.

Để tiết kiệm tiền, các lao động ở đây thuê nhà trọ ở gộp, khoảng 10 người/phòng. “Chỉ cần chỗ ngủ, ở rộng tốn kém. Thế mà có tháng ít việc chỉ đủ tiền ăn và thuê trọ, không gửi cho vợ con được đồng nào” – một lao động cho biết thêm. Tuy rất gần với chợ cây cảnh Hoàng Hoa Thám và Hoàng Quốc Việt, nhưng những lao động tự do này cũng không “xen” được vào làm khuân vác hay chuyên chở cây cảnh bởi chủ hàng đều có đội thợ quen rồi. Vì thế họ chỉ bị động đứng chờ đợi công việc vãng lai.

Bám trụ đến ngày cận Tết là hình ảnh quen thuộc của những lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội. Ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, những gánh hàng nặng trĩu vẫn được các chị phụ nữ ngoại tỉnh kĩu kịt trên vai. Vất vả bươn chải mưu sinh, nhưng đôi lúc họ vẫn bị lừa gạt rơi vào cạm bẫy. Theo lời kể của tốp phụ nữ đứng đợi việc ở ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc thì đi làm cùng các chị đã có 2 người bị khách lừa theo xe ôtô để vận chuyển hàng rồi họ chở luôn lên biên giới bán sang Trung Quốc. “Họ bị bán sang đó lấy chồng, sinh con và giờ thì trở về rồi” - nhóm phụ nữ cho biết. “Các chị phòng tránh như thế nào?” - tôi hỏi. Họ lắc đầu: “Khó biết lắm, mình chỉ cảnh giác thôi. Làm nghề này đã vài lần chúng tôi bị khách không trả tiền. Họ bảo làm xong thì thanh toán, nhưng rồi lại không trả, gọi điện mãi không được thì cũng đành thôi”

Trần Hằng
.
.
.