Lao động ngoại tỉnh "khát" việc dịp giáp Tết

Thứ Bảy, 15/01/2011, 16:15
Co ro trong giá rét, từng tốp thợ lao động trên dốc Bưởi - Hoàng Quốc Việt hết đứng lại ngồi nhìn khắp các ngả đường để đợi việc. Áp Tết, không khí mua sắm tăng, hàng hóa chuyên chở nhiều nên công việc của những lao động ngoại tỉnh vẫn có "đất sống". Tuy nhiên, ai cũng đổ ra Hà Nội làm thêm kiếm tiền trang trải cho cái Tết trước biến động về giá, nên "cung - cầu" đã mất cân đối.

Công cao, việc ít

Tại dốc Bưởi - Hoàng Quốc Việt sáng 13/1 có tới 5 tốp thợ đứng, ngồi chờ việc. Trông ai cũng co ro vì rét, có người còn đi dép lê, đôi chân thâm tím vì tê cóng. Một thợ lao động ái ngại bảo: "Anh này mới từ quê ra, chưa kịp mua giầy".

Vừa dừng xe chưa đầy vài phút, tất cả các tốp thợ ào tới vây quanh tôi. Người nào cũng hỏi dồn dập, ai cũng muốn được tôi gật đầu đồng ý, chứng tỏ công việc hiện nay rất khan hiếm? Nghe được yêu cầu của tôi là cần người dọn nhà, ngay lập tức một chị phụ nữ đã leo tót lên sau xe máy giục: "Đi thôi em" trước sự nuối tiếc của hơn chục cánh mày râu.

Tôi lấy làm lạ vì chưa mặc cả giá, chị phụ nữ lại hỏi: "Nhà em mấy tầng?". "Bốn tầng" - tôi trả lời. Chị phụ nữ dứt khoát: "Thế thì 1,5 triệu, chị lau dọn sạch sẽ cho". Tôi kêu đắt, chị phụ nữ bảo: "Đấy là tính khoán, còn nếu tính theo giờ thì 80 nghìn/giờ". Tết năm ngoái, giá thuê dọn nhà theo giờ chỉ từ 35 nghìn đến 40 nghìn đồng, nhưng năm nay đã tăng gấp đôi. Anh Phúc, một thợ làm thuê ở đây thêm vào: "Chị bảo cái gì năm nay cũng tăng, giá nhân công cũng phải tăng chứ".

Các cửu vạn ở đây nhao nhao cho biết, bất kể việc gì họ cũng làm. Tuỳ việc nặng hay nhẹ, giá thuê tính khoán hoặc theo giờ, từ 100 đến 120 nghìn đồng/giờ tùy từng loại việc. Đến giờ trưa, "chợ" lao động ở đây vẫn khá yên ắng. Không có người đến thuê, chỉ thấy các lao động hết đứng lại ngồi vạ vật.

Anh Nguyễn Đức Hiếu ở xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chờ việc trên đường Bưởi kêu: "Thời điểm nhiều việc nhất trong năm là tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Tết năm nay người ta lo sửa nhà, dọn nhà sớm nên bây giờ rất ít việc". Ai cũng tưởng áp Tết thì công việc nhiều, nhưng không ngờ Tết lại là thời điểm kiếm việc rất khó khăn. Những công trình lớn cần thuê nhân công thì giáp Tết họ lại không cần. Chính vì thế mà những ngày này, công việc "thượng vàng hạ cám" gì các lao động cũng làm.

Anh Hiếu kể: "Thường người ta chỉ thuê dọn nhà, chở đồ về nhà mới, chở cây cảnh là nhiều thôi. Chủ các vườn đào, quất người ta có thợ quen hết rồi. Khi mang cây cảnh đến nhà cho khách không vận chuyển được lên gác hay ngõ nhỏ thì họ mới thuê chúng tôi".

Các lao động đang chờ việc ngày Tết.

Chúng tôi đến "chợ" lao động nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cũng thấy cảnh người chờ việc rất đông. Từng tốp lao động tập hợp lại thành một tốp đứng ngóng ra đường đợi việc. Thấy khách đến là họ ào tới vây quanh, ai cũng muốn mình được khách chọn. Nhưng việc đâu mà nhiều thế, nên chọn người nọ thì người kia lại buồn.

Chị Lê Thị Thoa ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang phàn nàn: "Năm nay giá nhân công cao, nhưng chỉ tội ít việc quá, người lại đông nên có hôm đứng ở đây cả ngày rét mướt mà về tay không".

Nỗi lo cơm áo

Áp lực lo Tết cho gia đình khiến anh Phan Văn Thế, ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An quyết định dành 2 tháng áp Tết ra Hà Nội làm thuê. Nhà anh Thế rất nghèo, vùng quê lại thường phải hứng chịu thiên tai như hạn hán, lũ lụt nên vào mùa nông nhàn, nam giới lại kéo ra Hà Nội làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Anh Thế và mấy người bạn ở chung trong một phòng trọ gồm 10 người, mỗi tháng phải trả cho chủ 400 tiền nhà/một người.

Cuối năm ngoái, ky cóp mãi được 10 triệu, vay thêm 5 triệu anh mua một chiếc xe máy mang ra Hà Nội vừa chạy xe ôm, vừa làm cửu vạn. Anh Thế kể: "Mỗi năm tôi ra Hà Nội làm thuê vài tháng. Tết này chỉ mong sao có nhiều việc để có tiền về mua sắm Tết, đóng tiền học cho con tươm tất thôi". Mỗi tháng trừ tất cả các khoản chi tiêu, anh Thế gửi về cho vợ được 3 triệu đồng.

Mấy người cùng làng với anh Thế kể: "Giá lương thực, thực phẩm năm nay khác hẳn năm ngoái, nên áp lực Tết với chúng tôi rất lớn. Có năm chúng tôi làm thuê cho các chủ vườn đào đến chiều 30 Tết mới bắt xe về quê. Đứng đây từ sáng mà chưa có khách thuê, tôi đã thấy sốt ruột".

Năm nào cũng thế, vào dịp giáp Tết, lao động ngoại tỉnh về Hà Nội kiếm việc tăng mạnh. Bà Nguyễn Thị Tâm, quê ở Hưng Yên, năm nay 64 tuổi làm nghề bán hàng tạp hoá rong ở Hà Nội gần 10 năm kể: "Tôi đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng còn sức khoẻ thì còn lao động. Trời rét như mấy hôm nay quần áo, tất, khăn của tôi bán rất chạy, thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường".

Tôi rất khâm phục đức tính "hay lam, hay làm" của bà. Hàng ngày bà chở chiếc xe đạp nặng cồng kềnh với vài chục mặt hàng tạp hoá rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội. Tiền công mỗi ngày bà nhặt nhạnh gửi về quê thêm vào tiền học cho các cháu. Nhặt nhạnh, ky cóp là đức tính của nhiều lao động ngoại tỉnh ra Thủ đô kiếm thêm thu nhập lo cho con ăn học.

Anh Thế kể: "Những lao động chưa có kinh nghiệm khi mới ra Hà Nội còn gặp rủi ro như bị chủ thầu quỵt tiền, việc này tuy không nhiều nhưng vẫn xảy ra, nếu gặp chuyện đó coi như cả tháng chúng tôi làm không công". Nếu không có những người phụ nữ, đàn ông chân quê này thì nhiều gia đình ở Thủ đô không được đón Tết trọn vẹn

Trần Hằng
.
.
.