Lãnh đạo kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ Ba, 25/04/2006, 07:56

Tại phiên họp sáng 24/4, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đọc bản giải trình tiếp thu các ý kiến của đại biểu đóng góp các Văn kiện của Đại hội X. Bản giải trình nêu rõ: Không khí thảo luận rất sôi nổi nội dung các ý kiến phong phú, thẳng thắn. Các ý kiến phát biểu tại Đại hội làm sáng tỏ, sâu sắc và bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng cả trên quan điểm chung và từng lĩnh vực cụ thể…

Có 16 vấn đề cần lấy ý kiến Đại hội. Vấn đề được đông đảo đại biểu và dư luận quan tâm tại Đại hội lần này là đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không. Các ý kiến nhất trí cao về vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân. Một số ý kiến đồng ý để đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể để ngăn ngừa nguy cơ đảng viên thoái hóa, biến chất, sa vào pháp luật...

Đoàn Chủ tịch có ý kiến, đảng viên làm kinh tế tư nhân là một vấn đề cụ thể, rất hệ trọng, vì liên quan đến quan điểm, đường lối của Đảng được đặt ra nhiều năm nay; đây là vấn đề nhạy cảm nên còn nhiều luồng ý kiến khác nhau là điều dễ hiểu. Sự lo ngại của một số đại biểu về sự tha hóa, biến chất là chính đáng. Chúng ta nhận thức rằng, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta còn nghèo, phải tập trung phát triển nguồn lực sản xuất, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Muốn thế, phải huy động mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng và phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc, của mọi thành phần kinh tế, thực hiện khẩu hiệu, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chúng ta không xem kinh tế tư nhân là gắn với chủ nghĩa tư bản mà lãnh đạo kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đảng viên có thể làm kinh tế tư nhân, trên cơ sở chấp hành nghiêm luật pháp, chính sách của Nhà nước.

Nhiều vấn đề quan trọng được biểu quyết thông qua tại Đại hội X.

Thực tế, đảng viên làm kinh tế tư nhân ở nước ta còn ít. Họ số đông là cán bộ đảng viên đã từng làm trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nay nghỉ hưu, mất sức, bộ đội xuất ngũ, Công an chuyển ngành… đã được Đảng, Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết đều nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhìn chung, dư luận xã hội hiện nay chưa có băn khoăn nhiều đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Vì những đảng viên đó góp phần vào việc giải quyết việc làm cho dân, làm tăng của cải xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Đảng viên còn đương chức, tại ngũ thì không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, không đến nỗi quá lo ngại về việc đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân lợi dụng cương vị, chức quyền, thu vén cho doanh nghiệp tư nhân của mình.

Về vấn đề chống tham nhũng, các ý kiến nêu rõ, đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, trước hết phải có các biện pháp quyết liệt chống tham nhũng ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan Nhà nước liên quan đến đầu tư, cấp phát vốn, chi tiêu ngân sách; phải xóa bỏ cơ chế xin-cho, nếu còn cơ chế này thì sẽ phát sinh tiêu cực...

Hiện nay, tình trạng tham nhũng đã xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả ở cơ quan pháp luật với tính chất nghiêm trọng. Vụ án tham nhũng ở PMU18 Bộ Giao thông vận tải đang gây bất bình lớn trong Đảng và trong nhân dân. Qua vụ án trên, chúng ta càng thấy sự suy thoái nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, sự sơ hở và lỏng lẻo của bộ máy quản lý Nhà nước, sự yếu kém trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát. Tính chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên ở nhiều cơ quan, đơn vị rất yếu, thậm chí có nơi tê liệt.

Qua vụ án, chúng ta rút ra những bài học đắt giá trong quá trình quản lý Nhà nước về công tác xây dựng Đảng, về lựa chọn, sử dụng, giám sát cán bộ, về sự bao che nể nang đối với các vụ việc tiêu cực, về những tai hại của bệnh quan liêu. Đảng và Nhà nước ta không che giấu khuyết điểm, trái lại bày tỏ thái độ kiên quyết và xử lý thích đáng những tổ chức và cá nhân sai phạm hư hỏng, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, xử lý đúng pháp luật, không để lọt tội phạm nhưng cũng không để oan sai.

Đại hội X thể hiện quyết tâm của Đảng ta kiên quyết phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thật sự trong sạch, vững mạnh, tạo ra một thái độ mới, một bước chuyển mới trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống tệ nạn tham nhũng ở nước ta.

Cũng có ý kiến cho rằng, tham nhũng không còn là một nguy cơ mà đã là một thực tế, một quốc nạn; tụt hậu về kinh tế cũng không phải là một nguy cơ mà là một thực tế, trong Đảng ta không có nguy cơ chệch hướng, nêu ra nguy cơ đó làm kìm hãm sự năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, gây ra những rụt rè, ngần ngại trong hoạt động thực tiễn vì sợ chệch hướng. Những Đại hội gần đây của Đảng chỉ ra 4 nguy cơ là đúng, chỉ ra những thách thức, những vấn đề nếu không được giải quyết tốt thì có thể đe dọa sự sống còn của xã hội và đó là thực tế khách quan. Đến nay, những nguy cơ đó vẫn tồn tại, thậm chí có mặt còn gay gắt hơn.

Nguy cơ chệch hướng XHCN là có thật, chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác. Tuy nhiên, để tránh gây tranh cãi không cần thiết thế nào là nguy cơ, có mấy nguy cơ, Báo cáo chính trị không dùng cụm từ 4 nguy cơ mà nói thẳng nội hàm của những nguy cơ đang thách thức đối với nhân dân ta như sau: Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp không thể coi thường bất cứ thách thức nào.

Nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là rất nghiêm trọng; những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH chưa được khắc phục, các thế lực thù địch đang thực hiện các âm mưu diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đoàn Chủ tịch xin kiến nghị Đại hội cho giữ cách diễn đạt về các thách thức như trong Báo cáo chính trị

Q.A. (tổng hợp)
.
.
.