Lãnh đạo buông lỏng, công viên Thủ đô bị "xẻ thịt"

Thứ Sáu, 13/07/2012, 11:23
Sáng 12/7, ngay mở đầu phiên chất vấn, tình trạng vi phạm, xây dựng các công trình sai mục đích tại các công viên lớn của Thủ đô như Tuổi Trẻ, vườn thú Thủ Lệ, Thành Công, công viên Hòa Bình đã làm “nóng” hội trường kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XIV với những câu hỏi yêu cầu truy cứu rõ trách nhiệm của cá nhân để xảy ra những sai phạm này. Nhiều đại biểu đã gọi vi phạm tại những công viên là có hệ thống và đây chính là tình trạng “xẻ thịt” công viên kéo dài không được giải quyết khiến nhân dân bức xúc.

Khuôn viên công viên thành nhà hàng, quán bar…

Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, hồ Thành Công đã biến thành “ao làng” vì những công trình xây dựng  ngày một dày đặc bao quanh hồ. Theo ông Nam, vi phạm xây dựng trái phép tại công viên Thủ Lệ cũng đã diễn ra 4-5 năm, UBND TP cũng đã yêu cầu phá dỡ tất cả công trình lấn chiếm trong công viên, song đến nay vẫn chưa hoàn tất... 

Công viên Tuổi Trẻ, một địa điểm đã từng là sự kỳ vọng của người dân nhưng đến nay, hàng loạt sân tenis, nhà hàng, quán bar... mọc lên. Ông Nam bức xúc: “Sai phạm của chủ đầu tư này đã 10 năm, họ lấn chiếm, xây dựng sai mục đích. Tại 2 khóa họp HĐND trước, lãnh đạo UBND  đã khẳng định xem xét và thay thế chủ đầu tư, nhưng họ vẫn tiếp tục được làm và tiếp tục sai phạm, thậm chí có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Vậy trách nhiệm của TP và chủ đầu tư ra sao?”.

So sánh với TP HCM, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn, Hà Nội làm quá chậm công tác xã hội hóa công viên. TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện nhiều công viên xã hội hóa, nhưng ngay tại Thủ đô, công viên Tuổi Trẻ 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội trong phiên chất vấn.

Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, với công trình công viên Tuổi Trẻ, các hạng mục xây dựng trong công viên từ những năm 2001 đến 2007 phần lớn không có giấy phép xây dựng. Cụ thể, tổng số 29 hạng mục đầu tư trong giai đoạn này có 25 hạng mục sai quy hoạch, phải phá dỡ 23 hạng mục. TP đã cưỡng chế cơ bản hoàn thành, song vẫn còn một số hạng mục còn tồn tại, phấn đấu quý 4 năm nay hoàn thành.

Với Công viên Đống Đa, Phó Chủ tịch cho biết, dự án được giao cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư có diện tích 7,26 ha, phải GPMB khoảng 900 hộ dân và 4 cơ quan đơn vị. UBND quận Đống Đa đã GPMB được 2,65 ha. “Công viên hồ Thành Công có nhiều công trình được điều chỉnh từ quy hoạch cũ vào các năm trước. Tuy nhiên, hiện nay những công trình mới như khu làm việc của công ty xăng dầu, nhà văn hóa và bể bơi Thành Công, khu tổ hợp văn phòng, nhà ở cho thuê chưa xây dựng thì sẽ được rà soát, kiểm soát mật độ xây dựng”, ông Khôi giải thích.

Để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng ở các công viên, Phó chủ tịch HĐND Lê Văn Hoạt đặt vấn đề trách nhiệm của những người buông lỏng quản lý. Theo ông Hoạt, phải xem xét trách nhiệm từ trên xuống, cá nhân người phụ trách, của lãnh đạo Sở, ngành quận huyện đến đâu.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, mọi hoạt động của TP, dù to hay nhỏ, thì trước hết UBND TP phải chịu trách nhiệm. “Trong giải trình, UBND TP đã nói rõ trách nhiệm của mình. Nguyên nhân làm phát sinh các tồn tại ở Công viên Tuổi trẻ là giao đơn vị không đủ năng lực thực hiện thì trách nhiệm của UBND TP  và UBND TP vẫn đang giải quyết tồn tại. Đến giờ chúng tôi vẫn không đổ trách nhiệm cho ai, trách nhiệm vẫn là của UBND TP”, ông Khôi nhận lỗi.

2 năm nữa mới có quy định hợp lý về quản lý nhà chung cư

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong phiên chất vấn sáng 12/7 là việc quản lý nhà chung cư và cấp giấy chứng nhận cho cư dân ở các khu chung cư mới được hình thành ở Hà Nội. Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam đưa ra vấn đề, trong xây dựng các khu đô thị, chung cư mới ở Hà Nội, không chỉ chủ đầu tư mà ngay cả các cơ quan quản lý cũng mới chỉ quan tâm đến diện tích.

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định khi chưa có ban quản trị, việc giải quyết tranh chấp phải có cả chính quyền địa phương, các Sở, ngành liên quan, chủ đầu tư và người dân phối hợp. Cũng theo ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tại Quyết định 08/QĐ - UB (ngày 28/5/2008) TP có ghi rõ những quy chế quản lý nhà chung cư.

Tuy nhiên, đây là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư nên còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Sở đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho TP sao cho trong vòng 2 năm tới sẽ có văn bản về quản lý nhà chung cư với những quy định hợp lý nhất

Ngọc Yến
.
.
.