Làng nghề miến, mì, bột sắn dây gây ô nhiễm môi trường

Thứ Sáu, 22/03/2013, 19:14
Miến, mì gạo, bột sắn sản xuất xong đem phơi cạnh rãnh thoát nước, trên đường đi, ngoài cánh đồng, bờ đê bụi bặm. Đường làng bốc mùi thối do nước thải, chất thải của làng nghề sản chưa được xử lý tống thẳng ra môi trường. Đó là thực trạng chung của 3 xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế chuyên sản xuất miến, mì gạo, bột sắn dây lớn nhất ở huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Mặc dù vài tháng trước, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất chấm dứt việc phơi mỳ, miến trên các trục đường đi, bờ đê, gần các nơi ô nhiễm như cống rãnh, bãi rác. Tuy nhiên, đến nay cảnh mất ATVSTP và ô nhiễm môi trường ở đây vẫn tái diễn nghiêm trọng.

“Cánh đồng miến” ngay mặt đê và đường làng

Huyện Hoài Đức có 3 xã nằm ven đê sông Đáy có nghề sản xuất miến, mì gạo, bột sắn dây, bánh kẹo nổi tiếng cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Các làng nghề chế biến nông sản đã thu hút trên 4 nghìn hộ dân của 3 xã tham gia, mang lại thu nhập và đời sống kinh tế cao cho người dân. Nhưng kéo theo nó sự ô nhiễm môi trường trầm trọng mà con người ở đây đang phải hứng chịu do hàng tấn rác thải, chất thải mỗi ngày không được xử lý tống thẳng ra môi trường.

Ngày 19/3, chúng tôi có mặt tại xã sản xuất miến, mì gạo lớn nhất của Hà Nội là Dương Liễu. Về mùa này tuy không nhộn nhịp như vụ giáp Tết nhưng vừa đến đầu xã chúng tôi đã bắt gặp hàng dài sạp miến được phơi ngay trên cánh đồng và đường đi bụi bẩn. Cả 3 xóm ngoài bãi là xóm Mới, Đồng Phú và Me Táo người dân tận dụng tối đa mọi chỗ trống như đường đi, bờ ruộng, bờ ao để phơi bột sắn dây, mì gạo và miến. Có hộ phơi mì gạo trên những chiếc sào bắc quá đầu người ngay tại đường làng. Nhìn xa thì có thể coi là tạm sạch, nhưng lại gần chúng tôi thấy chi chít các con bọ bâu đen lấy những sợi mì. Hóa ra, phía dưới đường đi là hai rãnh thoát nước đen ngòm, hôi thối lộ thiên và bọ cũng từ đây mà bay ra. Số mì này sau khi phơi sẽ đem vào đóng gói và bán ra thị trường.

Xưởng sản xuất miến của anh Lưu ở Đội 8 vào chính vụ sản xuất và cung cấp ra thị trường 1 tấn miến/ngày. Ngoài miến mộc là còn nguyên chất, theo anh Lưu thì miến quấn, miến xuất khẩu đều phải dùng thuốc tẩy trắng hoặc phẩm màu để nhuộm vàng sợi miến. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua miến giá rẻ, anh Lưu cho biết: “Giá nào cũng có, nếu khách đặt giá rẻ thì sẽ độn sắn hoặc khoai tây, đậu xanh”. Anh Lưu khoe tiếp: “Nhà tôi có giấy chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn VSATTP nên chị cứ yên tâm”.

Nằm cạnh xưởng miến của anh Lưu là xưởng sản xuất bột sắn dây, bột dong và các loại bột để làm chè. Bột được nhào, nặn bằng tay không. Nền xưởng là nền đất khá bụi bặm. Do dân cư đông đúc, các xóm nối liền với nhau như ô bàn cờ nên bột sắn dây được tận dụng tối đa để phơi ngay tại đường đi, cạnh ao tù ngập rác… Chứng kiến công đoạn lọc, chế biến rồi phơi bột mất vệ sinh như ở đây có lẽ chẳng ai dám ăn. Miến, mì còn có thể rửa rồi mới nấu, nhưng bột sắn thì pha trực tiếp. Nếu cứ tái diễn cảnh sản xuất và phơi mất ATVSTP như hiện nay thì sẽ không đảm bảo cho người sử dụng. Chất thải, rác thải ở mấy xóm này đã tống ra kênh T5 khiến cho đoạn cầu Đầm đặc quánh, không còn dòng chảy và ô nhiễm nghiêm trọng.

Dọc tuyến đê sông Đáy chúng tôi còn bắt gặp hàng dài sạp miến, mì gạo của xã Minh Khai, Cát Quế phơi trên mặt đê. Mặt đê bị cày nát, bụi bẩn, xe máy, ôtô tải chạy qua rầm rầm cuốn theo đất bụi vào những món ăn quen thuộc này.

Bột sắn dây phơi ngoài đồng ngay bên ao tù, mất vệ sinh ATTP.

Giải pháp chỉ mang tính tạm thời

Bà Hồ Thị Huê, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu thừa nhận việc ô nhiễm vệ sinh môi trường từ làng nghề sản xuất nông sản gây ra đang ở mức nghiêm trọng. “Việc sản xuất miến, mì gạo, bột sắn dây của nhiều hộ còn chưa đảm bảo VSATTP. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo hàng tháng, hàng quý đều kiểm tra VSATTP, nhưng chủ yếu nhắc nhở là chính. Chúng tôi vẫn tuyên truyền trên loa, tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất, đặc biệt không được phơi miến, mì trên đường đi, ngoài cánh đồng nhưng bà con vẫn làm”- bà Huê cho biết. Sở dĩ tại Dương Liễu còn tồn tại tình trạng trên theo bà Huê là do xã chưa có khu sản xuất riêng, nên việc sản xuất vẫn còn xen kẽ trong khu dân cư, chăn nuôi và sản xuất làng nghề lẫn lộn. Địa phương đã đề xuất thành phố phê duyệt xây dựng làng nghề từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn được chấp thuận.

Hiện nay, tốc độ xả thải ra môi trường của Dương Liễu quá lớn (trung bình có 1.273,2 tấn rác, chất thải và 12.943m3 nước thải/ngày) so với khả năng của lực lượng đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường ở xã. Do đặc thù của sản xuất và chế biến nông sản là lượng nước thải, bã thải từ sản xuất thải ra quá nhiều khiến cho hệ thống tiêu thoát không đáp ứng kịp, gây tình trạng ứ đọng, tắc cục bộ. “Kênh T5 địa phương không đủ năng lực để nạo vét nên chỉ khơi thông thủ công nhưng không ăn thua. Để có giải pháp lâu dài thì thành phố phải đầu tư kè hai bên kênh”- bà Huê giải thích. Theo chúng tôi, kể cả thành phố có kè thì với ý thức của người dân còn kém như hiện nay, liên tục xả rác, phế thải xuống dòng kênh này thì dù có đầu tư bao nhiêu đi nữa cũng là vô ích.

Theo khảo sát của xã Dương Liễu thì cả xã có trên 2.000 hộ sản xuất nông sản, trong đó có 270 hộ chế biến tinh bột sắn, bột dong; 79 hộ làm miến… Mỗi năm số hộ chế biến sắn thải ra 75 nghìn tấn, trong đó có 562 tấn phế thải, 750 tấn chất thải, 120 tấn rác thải… Tương tự số hộ chế biến dong cũng thải ra 64 nghìn tấn mỗi năm là quá lớn khiến cho công tác thu gom vệ sinh môi trường làm không xuể. Theo bà Huê thì tới đây UBND xã sẽ giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dương Liễu triển khai công tác quản lý, điều hành công tác vệ sinh môi trường với tổng kinh phí năm 2013 lên hơn 1 tỷ đồng chắc sẽ mang lại hiệu qủa. Vấn đề VSATTP của làng nghề, bà Huê cam kết: “Cuối tháng 3 này chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra”.

Để đảm bảo VSATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu cho làng nghề, thiết nghĩ chính quyền địa phương của 3 xã Cát Quế, Minh Khai và Dương Liễu phải khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hộ sản xuất vi phạm. Nếu chỉ dừng lại ở biện pháp nhắc nhở thì sẽ không mang lại hiệu quả. Để chấm dứt những hình ảnh trên, thiết nghĩ TP Hà Nội nên sớm nghiên cứu và phê duyệt xây dựng cụm sản xuất làng nghề để đưa việc sản xuất tách riêng khỏi khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ văn phòng UBND xã Minh Khai: Do không có điểm công nghiệp làng nghề nên 550 hộ sản xuất lâm sản, bánh kẹo ở xã vẫn phải sản xuất trong nhà, đất làng nên chưa đảm bảo VSATTP và vệ sinh môi trường. Miến, mì phơi ngoài đê sông Đáy cũng do không có đất. Các hộ dân cũng chưa có điều kiện làm hệ thống máy sấy khô nên các sản phẩm này vẫn phải phơi ngoài đường. Làng nghề tống nước thải ra máng rãnh thoát nước 2 bên đường, UBND xã đang vận động các hộ lắp hệ thống mặt rãnh cho kín, giảm ô nhiễm. Muốn dứt điểm tình trạng trên vẫn cần phải quy hoạch làng nghề riêng ra khỏi khu dân cư. (N.M.)

Trần Hằng
.
.
.