“Làng đại học” đất Kinh Bắc

Thứ Ba, 23/08/2011, 07:42
Thời xưa, làng có 8 vị hiền tài đỗ tiến sỹ, được khắc tên trên bia đá trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thời nay làng có 14 tiến sỹ, 40 thạc sỹ, 1 phó giáo sư, còn cử nhân thì nhiều không đếm xuể. Năm nào con em trong làng cũng đạt tỷ lệ đỗ đại học cao… Đó là làng Vọng Nguyệt, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi làng nhỏ nằm nép bên bờ sông Cầu.

100% dòng họ trong làng có Hội Khuyến học

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là cả làng Vọng Nguyệt như vào mùa thu hoạch thóc lúa. Từ đầu thôn đến cuối thôn, từ người già đến con trẻ, hễ gặp nhau là mọi người lại hỏi nhau con nhà nào đỗ đại học điểm cao nhất, câu chuyện cứ tíu tít, nóng hổi.

Gặp ông Trưởng thôn Ngô Văn Quây khi ông đang ở đình làng để chuẩn bị làm lễ gặp mặt và phát phần thưởng cho các cháu học tốt, thi tốt trong năm học vừa qua, ông tự hào cho chúng tôi biết: “Năm nào tỷ lệ các cháu ở làng Vọng Nguyệt thi đỗ các trường đại học (công lập) đều đạt đến 80%. Có gia đình có 3 con thì cả 3 đều đỗ đại học với điểm số cao”.

Sở dĩ làng Vọng Nguyệt có thành tích như vậy là bởi đã phát huy được truyền thống hiếu học từ xưa để lại. Trong số 41 vị Đại khoa của huyện Yên Phong, đất Kinh Bắc xưa, thì có 8 vị Đại khoa của làng Vọng Nguyệt được ghi danh ở Văn Miếu, và hiện đang được tôn thờ ở đình làng. Vào đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 1995, lãnh đạo thôn và các nhà giáo tận tâm của làng đã thành lập “Hội Khuyến học làng Vọng Nguyệt”. Đây là Hội Khuyến học đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh.

Ngay năm đầu tiên đã có 630/730 gia đình tham gia Hội Khuyến học thôn, cũng trong năm đó có 8 cháu đỗ đại học. 3 năm sau thì phong trào học giỏi để lập thành tích trong các kỳ thi đã bắt đầu hình thành. Cho đến nay, 100% gia đình trong thôn và cả 12 dòng họ trong làng đều tham gia hoạt động Hội. Để động viên các cháu học tập, Hội Khuyến học thôn đã lập “Quỹ học bổng”, hằng năm cấp 10-15 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo. Quỹ này do tất cả các gia đình hội viên tham gia đóng góp, mỗi nhà đóng 4kg thóc/năm. Ngoài ra, Hội còn quyên góp tiền của tất cả những cá nhân có lương bảo hiểm để ủng hộ xây dựng quỹ. Đến nay, Quỹ học bổng của làng đã có 38 triệu đồng.

Tiếng trống học ban đêm

Thầy Nguyễn Lệ, Thường trực Hội Khuyến học huyện Yên Phong, Bắc Ninh chia sẻ: “Tiếng trống học ban đêm” ra đời đầu tiên ở làng Vọng Nguyệt, sau đó lan sang các làng, các xã và rồi được nhân rộng ra khắp các huyện rồi cả tỉnh Bắc Ninh. Đến nay, “Tiếng trống học ban đêm” vẫn được duy trì và hoạt động có hiệu quả tại làng Vọng Nguyệt.

Để các cháu học sinh trong làng tận dụng có hiệu quả thời gian học ở nhà, cứ từ 19h vào mùa hè (và 19h30 vào mùa đông), trên loa phát thanh thôn bắt đầu truyền thanh: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có sánh ngang các cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ vào công học tập của các cháu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, học sinh Vọng Nguyệt thực hiện 3 giờ vàng ngọc. Giờ học bắt đầu”. Sau đó, một hồi trống dài vang lên, khi nghe tiếng trống đó, tất cả các cháu học sinh trong làng tự động ngồi vào bàn học.

Thầy Nguyễn Lệ đang giới thiệu về các hoạt động của Hội Khuyến học làng Vọng Nguyệt.

Để 3 giờ học của các cháu thực sự có hiệu quả, lãnh đạo thôn, Hội Khuyến học và Hội Phụ huynh trong thôn thường xuyên đi kiểm tra việc thực hiện của các cháu. Theo từng tháng, tổ kiểm tra sẽ bất chợt đến nhà các nhóm học sinh cấp I, cấp II, cấp III để kiểm tra. Tại mỗi gia đình, tổ sẽ đánh giá góc học tập của các cháu có ngăn nắp không, xem các cháu sử dụng 3 giờ vàng ngọc có hiệu quả không. Sau đó, thông tin về việc thực hiện của các cháu sẽ được thông báo trên loa và thông tin về nhà trường để kịp thời khen thưởng những cháu thực hiện tốt, và rút kinh nghiệm đối với những cháu chưa thực hiện đúng. Từ khi có phong trào “Tiếng trống học ban đêm” đã giúp các học sinh có ý thức trong việc học tập, đồng thời xây dựng nét đẹp văn hóa của làng.

Chính bởi có “Tiếng trống học ban đêm” mà thành tích học của các cháu đã nâng lên đáng kể. Ngày càng xuất hiện nhiều cháu học giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc tế. Đặc biệt như cháu Ngô Anh Đức, đoạt giải nhì môn Vật lý quốc tế năm 2003; tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao nhất toàn tỉnh.

Cô giáo Chu Thị Nhung, giáo viên Trường THCS xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh), là người làng Vọng Nguyệt, cho biết, năm nay cả làng có 51 cháu tham gia thi đại học, tính đến thời điểm này đã có gần 40 cháu đạt điểm sàn như với năm ngoái, trong đó có nhiều cháu đạt 28 điểm trở lên. Đặc biệt, năm nay có cháu Ngô Văn Đăng, con anh Ngô Văn Mạnh là thí sinh thi đại học đạt điểm cao nhất làng.

Đăng thi Trường Đại học Dược Hà Nội đạt 28,5 điểm; Trường Kinh tế quốc dân 28 điểm. Nhà Đăng rất nghèo, mẹ làm ruộng, bố làm thợ xây, Đăng là út trong số 3 chị em. Chị cả của Đăng đỗ Đại học Bách khoa, hiện đang làm ở Hà Nội; chị thứ đỗ Học viện Ngân hàng, giờ đang công tác tại Ngân hàng Á Châu, Hà Nội. Và bây giờ là cậu út, thi đạt điểm cao cả 2 trường đại học lớn. Đăng tâm sự, chính vì có “Tiếng trống học ban đêm” đã giúp cậu chú tâm học hành hơn.

Về làng Vọng Nguyệt, nhiều người dân trong làng vẫn luôn kể về tấm gương vượt khó, học giỏi của cháu Ngô Thị Chờ, con anh Ngô Văn Ngọ. Cháu Chờ đã từng phải bỏ học vì gia đình quá khó khăn, bố bị tàn tật, lưng còng gập không làm gì được, mẹ ốm đau bệnh tật suốt ngày đi viện, Chờ phải bỏ học để phụ giúp bố mẹ nuôi em. Nhưng rồi cháu nhận được suất học bổng của làng, được mọi người trong làng động viên, giúp đỡ, cháu Chờ đã đi học trở lại và thi đỗ Đại học Bách khoa. Giờ cháu đang làm tại một công ty lớn ở Hà Nội, lương đủ để nuôi 1 em kế tiếp học đại học và 1 em đang học cấp III...

Chúng tôi rời làng “đại học” khi bóng hoàng hôn bắt đầu đổ xuống một khúc sông Cầu nước xanh ngăn ngắt. Trời chiều ở vùng đất khoa bảng này thật yên bình, trong mỗi nhà có con thi đỗ điểm cao, mọi người đang kéo đến chia vui tíu tít. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã một khúc sông…

Minh Hà
.
.
.