Làng “cao kều”

Thứ Ba, 16/09/2008, 09:05
Thôn Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), được nhiều người biết bởi có nghề truyền thống chữa khoá và thu mua đồng nát. Nhưng giờ đây, Tương Chúc còn được mệnh danh là làng “cao kều” vì có số người cao, to nổi trội hơn hẳn so với các làng khác trong vùng.

Ra ngõ gặp “người cao”

Cảm nhận của người lạ khi đến thôn Tương Chúc là bước chân vào đây gặp rất nhiều nam thanh, nữ tú có chiều cao vượt trội.

Dưới thời bao cấp khốn khó, người Tương Chúc đã có sẵn vóc dáng “to con”. Khác với hiện nay, thể trạng cao, to được cho là một lợi thế, thì hồi đó, khi chiều cao trung bình của mọi người còn khiêm tốn, những người cao 1,70m (đối với đàn ông); 1,60m (đối với phụ nữ) đã cảm thấy lạc lõng và thiếu tự tin.

Có khi chỉ vì sở hữu thân hình “lênh khênh” mà nhiều người gặp rắc rối trong cuộc sống, nhất là đối với phụ nữ. Chị Đỗ Thị Yến nhớ lại: “Lúc 16 tuổi, đang học lớp 10, chỉ vì có chiều cao 1,67 m, thường xuyên bị bạn bè chế giễu “cao như sào...” mà chị xấu hổ bỏ cả học”. Chị Mén, một phụ nữ buôn bán lặt vặt ở chợ Tự Khoát (gốc người Tương Chúc) có chiều cao 1,70 m, vì bị coi là cao “quá cỡ” mà mãi mới lấy được chồng.

Thôn Tương Chúc với gần 600 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu, cuộc sống hôm nay đổi thay đáng kể. Ông Vũ Văn Ngợi, Chủ nhiệm HTX Tương Chúc, cho biết, cả thôn gần như không còn hộ đói nghèo; đa phần các gia đình làm được nhà cao tầng, nhà mái bằng; thôn đã xây được nhà văn hoá, ba sân vui chơi công cộng. Cuộc sống các gia đình được cải thiện nên số người có thể lực nổi trội ở đây ngày càng nhiều.

Chưa có một con số thống kê chính thức của cơ quan chức năng, nhưng theo ước tính của người dân địa phương thì 3/4 số người trưởng thành (khoảng 800-900 người) ở Tương Chúc có chiều cao trung bình hơn hẳn những người cùng trang lứa ở các làng khác. Riêng lực lượng trẻ (từ 18-20 tuổi) hiện nay, cả thôn có hơn 100 thanh niên nam thì hơn 80 bạn cao trên 1,70 m; khoảng 30-40 thanh niên cao từ 1,75m trở lên.

Gia đình ông Cư có sáu, bẩy người con cả trai lẫn gái đều có chiều cao 1,70-1,80 m. Hộ anh Nam, chị Vinh có ba con trai Vũ Nam Dương, cao 1,78 m; Vũ Nam Dân (hiện là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng) cao 1,81 m; Vũ Nam Sơn, cao 1,77 m. Vợ chồng chú Tuấn, cô Lục mặc dù bố mẹ có chiều cao chưa vượt 1,60 m; nhưng hai cậu con trai lại cao nổi bật: Vũ Đức Minh cao 1,78; Vũ Minh Đức cao 1,80 m (hiện Đức đang làm việc cho một công ty liên doanh với mức lương hậu hĩnh).

Em Nguyễn Minh Đức (14 tuổi) học sinh lớp 9, cao 1,80 m.

Có thể kể ra đây nhiều thanh niên của thôn sở hữu chiều cao “lý tưởng”: hai anh em Vũ Đức Lập, Vũ Đức Lộc; anh Phạm Minh Tuấn (mẹ là người Tương Chúc); anh Đàm Xuân Thuỷ đều có chiều cao xấp xỉ 1,80 m... Gia đình ông Khảm, ở xóm Bể Dấm, có mấy người con trai cao “ngất ngưởng”, trong đó có người cao 1,85m.

Trẻ em ở Tương Chúc cũng thường có chiều cao, cân nặng hơn hẳn nhiều trẻ em các làng khác trong xã. Đồng chí Vũ Văn Bội, Trưởng công an xã Ngũ Hiệp (người làng Tương Chúc) khoe với chúng tôi, cháu ngoại anh là gái chưa đầy hai năm tuổi đã có chiều cao gần 90 cm, nặng hơn 13 kg, tương đương với nhiều đứa trẻ 3-4 tuổi. Cháu Ngọc Trang, con gái anh Hải (lái xe tải) mới 10 tuổi (học lớp 5) đã cao gần 1,60m.

Thử tìm nguyên nhân

Qua tìm hiểu những người dân ở thôn, chúng tôi nghĩ chiều cao của người Tương Chúc có lẽ do gen “di truyền”. Từ xa xưa, đàn ông, đàn bà thôn Tương Chúc đều có chiều cao trung bình hơn hẳn những người khác ở các làng quanh vùng.

Tuy nhiên, di truyền chỉ là một yếu tố, chế độ dinh dưỡng nơi đây cũng được các gia đình rất quan tâm khi nuôi dưỡng trẻ em. Thôn được coi là một trong những nơi tiêu thụ nhiều thực phẩm nhất của xã. Chợ Tự Khoát với vài chục quầy hàng hằng ngày cung cấp nhiều lượng thịt, cá cho cả xã, trong đó có các gia đình của thôn Tương Chúc.

Ngay trong khuôn viên Tương Chúc cũng xuất hiện hàng chục quán bán thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Tuyết, có hai đứa con trai 14, 17 tuổi đều cao trên 1,70m kể kinh nghiệm nuôi con: “Tôi thường xuyên chú ý khẩu phần ăn của gia đình đầy đủ nguồn thực phẩm nhiều chất đạm, can-xi, bữa ăn luôn đổi món và cho các cháu ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều sữa”.

Ông Vũ  Đình Quy, Trưởng thôn Tương Chúc cho biết thêm: “Công tác chăm sóc trẻ em được các bà mẹ đặc biệt quan tâm. Các cháu được tiêm phòng đầy đủ, nuôi dưỡng chu đáo cho nên có thể lực tốt ngay từ nhỏ”.

Một lý do nữa khiến người Tương Chúc ngày càng cao là phong trào luyện tập thể thao ở đây rất được quan  tâm. Vào các buổi tối, nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều đi dạo bộ. Thanh niên ham mê đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe. Em Vũ Quang Huy, 11 tuổi, học sinh lớp 6, cho biết: “Ngoài giờ học, chiều tối, em thường theo mẹ đi bộ lên đê sông Hồng hóng mát, thấy khoẻ người, giúp học tập tốt hơn”.

Rèn luyện thể lực tốt để học tập, lao động tốt hơn. Có sức khoẻ còn giúp con người làm được nhiều việc khác, đơn giản như việc tự phòng vệ trước cái xấu, cái ác. Mỗi khi ở làng Tương Chúc có kẻ gian đột nhập, già trẻ gái trái đều hăng hái tham gia đuổi bắt. Có lẽ vì thế mà ít khi kẻ trộm dám bén mảng vào làng Tương Chúc

Hải Châu
.
.
.