Làng Vòng tự cứu mình bằng cốm không phẩm màu

Thứ Ba, 08/11/2011, 15:39
Sau khi cơ quan chức năng công bố kết luận chính thức về loại phẩm màu nhuộm trong cốm làng Vòng là hóa chất độc hại, lượng người mua cốm đã giảm đáng kể. Để tự cứu thương hiệu của cả làng nghề, các hộ sản xuất cốm ở làng Vòng đã chuyển sang làm cốm mộc...
>>Phẩm màu dùng trong cốm Vòng thuộc danh mục hóa chất bị cấm

Dù không được "bắt mắt" như cốm đã được nhuộm màu nhưng vì có độ an toàn cao nên loại cốm này đã nhanh chóng được nhiều người mua lựa chọn. Theo các hộ sản xuất cốm tại làng Vòng, nếu tinh ý thì chỉ bằng mắt thường, người mua cũng có thể phân biệt được cốm mộc với loại cốm đã qua xử lý màu.

Có mặt tại các điểm bán cốm trên đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội để hỏi mua cốm "không có phẩm màu", chúng tôi đều được các hàng cốm ở đây giới thiệu loại cốm có tên gọi là cốm mộc. Theo các chủ cửa hàng, loại cốm mộc này có độ an toàn tuyệt đối vì giã xong là mang đi bán, không nhuộm bất kỳ loại phẩm màu nào và có giá bán từ 220 - 250 ngàn đồng/kg.

Thấy chúng tôi có vẻ "lăn tăn" vì không biết phân biệt cốm mộc với cốm có nhuộm hóa chất, bà Phượng - một chủ cửa hàng bán cốm trên đường Xuân Thủy cho biết: Ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội kết luận về 2 mẫu cốm làng Vòng có sử dụng hóa chất độc hại, các hộ sản xuất cốm ở làng Vòng đã chuyển sang làm cốm mộc. Loại cốm này trước đây chủ yếu bán cho khách quen và thường phải đặt trước một ngày. Tuy nhiên, do nhiều người ngại ăn phải cốm có nhuộm phẩm màu nên khoảng gần một tuần trở lại đây, cốm mộc bán rất chạy.

Nói rồi bà Phượng rút trong túi áo một tờ card, trong đó có in địa chỉ nhà, số điện thoại bàn và di động. Theo bà, việc ghi rõ địa chỉ và số điện thoại chính là cách để tạo uy tín với khách hàng bởi qua đó khách hàng có thể phân biệt được hộ làm ăn uy tín với hộ làm ăn gian dối. Thấy hành động của bà Phượng có vẻ dứt khoát, một khách hàng nữ cùng ngồi xem cốm với chúng tôi đã quyết định mua 2kg cốm để làm quà. Theo lập luận của khách hàng này, "vừa mới đình chỉ 2 hộ sản xuất cốm có dùng hóa chất nên chắc là không ai dám vi phạm tiếp".

Cốm làng Vòng đang nỗ lực lấy lại tiếng thơm.

Cũng trên đường Xuân Thủy, tại một điểm bán hàng khác, cô Loan đã giới thiệu cho chúng tôi loại cốm mộc do chính gia đình cô sản xuất. Ngay sau khi chúng tôi đặt vấn đề muốn được vào tận nhà xem để đặt mua với số lượng lớn làm quà biếu, cô Loan đã dẫn chúng tôi vào nhà.

Theo cô Loan, gia đình cô chủ yếu bán cốm mộc vì người mua thường là khách quen, lại mua với số lượng lớn. Gia đình cô không dùng phẩm màu để nhuộm cốm trừ khi khách hàng gọi điện đặt yêu cầu trong trường hợp làm quà đi biếu. Với kinh nghiệm nhiều năm làm cốm, cô Loan cho biết: Có thể nhận biết được giữa cốm mộc và cốm nhuộm phẩm bằng mắt thường. Cốm nhuộm có màu vàng xanh tươi, màu không thật, còn cốm mộc (cốm không nhuộm phẩm) thì có màu vàng ánh lục, màu của lá lúa héo, hơi xám xám.

Cam kết không dùng hóa chất độc hại để nhuộm cốm

Để thương hiệu cốm và người sản xuất cốm nghiêm túc ở làng Vòng không bị ảnh hưởng nặng nề, theo chỉ đạo của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, vừa qua, Chi Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP) Hà Nội đã phối hợp với UBND phường Dịch vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội tập huấn và phổ biến kiến thức về ATVSTP cho 9 hộ sản xuất cốm ở làng Vòng. Sau khi được tập huấn, cả 9 hộ sản xuất cốm đều đã ký vào bản cam kết không sử dụng hóa chất độc hại để nhuộm cốm. Đồng thời, các hộ dân này cũng đã được cán bộ của Cục VSATTP hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các loại phẩm màu thực phẩm an toàn nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế, cũng như cách thức sử dụng, tỷ lệ an toàn.

Huyền Thanh
.
.
.