Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai kỳ thi lập trình quốc tế

Thứ Sáu, 20/10/2006, 08:41

Mục tiêu của cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC là từng bước đưa thương hiệu các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chuyên ngành CNTT vươn ra thế giới. Cuộc thi hoàn toàn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như sử dụng tiếng Anh, chấm thi trực tuyến công khai kết quả trong ngày.

Kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC là kỳ thi lập trình lâu đời, lớn và có uy tín nhất thế giới. Vượt lên các đối thủ "nặng ký" ở khu vực, lần đầu tiên Việt Nam giành quyền đăng cai tổ chức vòng loại khu vực. Cuộc thi sẽ diễn ra tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 25 và 26/11/2006.

Theo ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức ACM/ICPC thì năm 2005 - 2006, đã có 5.606 đội tuyển đến từ 1.737 trường đại học ở 84 quốc gia dự thi. Đội tuyển BK - Eagle thuộc Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh sau khi vượt qua vòng loại khu vực châu Á tại Iran đã đại diện Việt Nam lần đầu tham dự vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC tại Mỹ.

Những năm trước, nhiều sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài đã tham dự ACM/ICPC, nhưng với danh nghĩa đội tuyển quốc gia khác bởi Việt Nam không có tên chính thức trong danh sách đăng ký. Vì vậy, cuộc thi vòng loại lập trình quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay do Việt Nam đăng cai là cơ hội hiếm có đối với các trường đại học, cao đẳng của chúng ta.

Cuộc thi sẽ giúp khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á và thế giới về nguồn lực trẻ công nghệ thông tin (CNTT), từng bước khẳng định khả năng hội nhập của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Đồng thời là cơ hội cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam rèn luyện, phát triển sự sáng tạo, khả năng làm việc theo nhóm (đây vẫn là điểm yếu của con người Việt Nam), giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận, tìm hiểu và sử dụng các công cụ tiên tiến trong CNTT đang được giảng dạy trên thế giới như ngôn ngữ lập trình tiên tiến, phần mềm nguồn mở.

Ông Long cho rằng, mục tiêu lớn nhất của cuộc thi này là từng bước đưa thương hiệu các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sánh vai trong tốp hàng đầu các trung tâm đào tạo CNTT thế giới. Cuộc thi hoàn toàn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như sử dụng tiếng Anh, chấm thi trực tuyến công khai kết quả trong ngày. Dự kiến 4 giải vàng, 4 giải bạc, 4 giải đồng được trao cho các đội đứng đầu. Đội vô địch sẽ được tham dự kỳ thi chung kết, dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 3/2007.

Thông tin từ Ban tổ chức, hiện có gần 30 đội tuyển đăng ký tham gia, trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng như Đại học Thiên Tân, Đại học Thanh Hoa, Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh (Trung Quốc); Đại học Punjab (Pakistan) và một số đội tuyển từ Nhật Bản, Hồng Kông, Sigapore đã rục rịch đăng ký.

Thế nhưng, nước chủ nhà mới lác đác có vài đại diện của Việt Nam như Đại học Hàng Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mở… đăng ký. Đến nay, những "niềm hy vọng" của Việt Nam với những thế mạnh nổi trội nhiều năm qua như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự… chưa thấy xuất hiện.

Vì sao lại có sự "lạ" này? Theo Ban tổ chức thì họ đã thường xuyên gửi thư mời và thông báo tới gần 70 trường đại học, cao đẳng, học viện trong cả nước nhưng nhận được rất ít hồi âm. Lý giải nguyên nhân trên, ông Long cho rằng, có thể do các trường ở Việt Nam vẫn quen kiểu đăng ký tham dự các cuộc thi trong nước theo kiểu sát ngày khai mạc mới chính thức nộp đơn.

Ông Long cũng nhấn mạnh, ACM/ICPC là cuộc thi tiêu chuẩn quốc tế, quá hạn đăng ký sẽ không được xem xét, chiếu cố. Nhưng đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên chúng ta có dịp tập luyện và làm quen với phong cách mới trong môi trường hội nhập quốc tế và hơn nữa, tên đội và tên trường sẽ được ghi danh trong danh sách 7.000 trường từ 6 châu lục tham gia cuộc thi.

Chúng ta đã từng có niềm tự hào về 3 lần vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương, vì màu cờ sắc áo, vì vinh danh Việt Nam trên đấu trường CNTT thế giới, không có lý do nào những tên tuổi đã từng là "niềm hy vọng" của Việt Nam không "đấu" thử cơ hội "nghìn vàng" này

Trần Hằng
.
.
.