Làm việc sáng thứ 7: Lãng phí, chưa hiệu quả

Thứ Bảy, 17/10/2009, 14:39
Tại Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất TP HCM, nơi ngày thường rất đông thì mỗi buổi sáng thứ 7, bình quân chỉ nhận được 3 hồ sơ. Trừ đi định mức giá trị làm ra của 3 hồ sơ này là 525 ngàn đồng, tính ra trung tâm này phải bù lỗ thêm số tiền là 2,875 triệu đồng sau mỗi buổi sáng thứ 7.

Có một thực tế hết sức mâu thuẫn là hiện tại, các cơ quan hành chính sự nghiệp của TP HCM vào ngày làm việc bình thường đều đông nghẹt nhưng vào ngày thứ 7 lại… vắng hoe! Lý do, theo báo cáo mới đây của UBND thành phố thì nhiều cơ quan, đơn vị hành chính mở cửa ngày thứ 7 đều chờ dân và… cán bộ công chức đi làm vào ngày này chủ yếu chỉ ngồi chơi xơi nước bởi không nhận đủ hồ sơ.

Do hiệu quả mang lại không cao, sau hơn một năm thực hiện làm việc ngày thứ 7, đã có rất nhiều ý kiến của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp từ cấp Sở, ngành đến cấp phường, xã đề xuất với chính quyền thành phố cho tạm ngưng thực hiện việc này.

Mở cửa để ngồi chơi xơi nước

Theo UBND thành phố, mặc dù các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với nhiều phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, thông báo cho người dân về việc tổ chức làm việc tại trụ sở sáng thứ 7. Nhưng tính hiệu quả của việc tổ chức làm việc không cao, điều này thể hiện qua các con số: Khối các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp Sở, ngành, lượng hồ sơ tiếp nhận trong ngày thứ 7 chỉ dao động ở mức từ 1 - 15% so với lượng hồ sơ của ngày thường. Một số ít thủ tục liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp tuy có khá hơn như lĩnh vực công chứng thì cũng chỉ đạt 30%, thông quan hàng hoá XNK đạt 50%, cấp chứng minh nhân dân và đăng ký hộ khẩu tại Công an thành phố là 60%...

Thậm chí, ngay cả lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch  - Đầu tư, ngày làm việc bình thường vốn từ lâu đã quá tải trầm trọng thì ngày thứ 7, lượng hồ sơ nhận vào cũng chỉ được một nửa so với ngày thường.

Quá tải vào ngày làm việc bình thường tại Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM (Ảnh: Đ.T).

Ở khối đơn vị hành chính sự nghiệp cấp quận huyện, lượng hồ sơ nhận vào trong buổi sáng thứ 7 cũng khá thấp, chỉ bằng 12,5% so với ngày thường. Sau 1 năm thực hiện làm việc sáng thứ 7, lượng hồ sơ 23 quận, huyện nhận vào đạt tổng cộng hơn 38,7 ngàn hồ sơ, chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nhà đất và công chứng, chứng thực...

Rà soát, điều chỉnh lại để tránh lãng phí

Huy động một lực lượng lớn cán bộ công chức và cơ quan hành chính vào phục vụ người dân, doanh nghiệp vào ngày nghỉ cuối tuần suốt một thời gian dài như vậy, song, đã có 80% số cơ quan, đơn vị đang thực hiện làm vào sáng thứ 7 hàng tuần cho rằng gây lãng phí về mặt kinh tế - xã hội khi mức chi phí phát sinh cho buổi làm việc sáng thứ 7 chiếm từ 50 - 80% so với ngày thường.

Ngay tại Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất của thành phố, nơi ngày thường rất đông thì mỗi buổi sáng thứ 7, bình quân chỉ nhận được 3 hồ sơ. Trong khi đó, chi phí điện nước, khấu hao và tiền lương tăng thêm hết 176,8 triệu đồng/năm. Trừ đi định mức giá trị làm ra của 3 hồ sơ này là 525 ngàn đồng, tính ra trung tâm này phải bù lỗ thêm số tiền là 2,875 triệu đồng sau mỗi buổi sáng thứ 7.

Tại Sở Xây dựng cũng vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, vào mỗi sáng thứ 7 Sở này phải bố trí đến 12 cán bộ, công chức làm việc chỉ để tiếp, giải quyết hồ sơ cho từ… 2 đến 4 người dân...

Về phía đội ngũ cán bộ công chức luân phiên làm việc vào sáng thứ 7 hàng tuần, theo kết quả mà UBND thành phố đã tổng hợp từ đề xuất của các đơn vị mới đây thì "Đa số đều có nguyện vọng được nghỉ bù, nhưng do điều kiện về biên chế, nên hầu như chỉ được đơn vị giải quyết cho hưởng 200% lương so với ngày làm việc bình thường".

Về phía các cơ quan hành chính sự nghiệp, để tránh phải "động chạm" đến khoản kinh phí từ nguồn khoán chi hành chính cho chi phí phát sinh của ngày làm việc cuối tuần, các đơn vị đều chủ động sử dụng khoản lệ phí thu được. Mặc dù vậy, khoản lệ phí thu trong ngày làm việc này thấp hơn nhiều so với khoản chi phát sinh.

Từ thực tế này, đã có đến 62,5% số sở, ngành; 70,8% số quận, huyện và 71,4% số phường, xã đồng loạt đề xuất nên chấm dứt thực hiện làm việc vào sáng thứ 7… Tuy vậy, quan điểm của chính quyền thành phố là vẫn phải tiếp tục duy trì thực hiện để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhưng trước thực trạng trên, để tránh lãng phí và tránh tạo thêm áp lực làm việc sáng thứ 7 cho số đông cán bộ công chức, UBND thành phố cần phải tiến hành rà soát từng lĩnh vực, từng khu vực: Những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn nào cần làm thêm sáng thứ 7; cách tuyên truyền ra sao để người dân mang hồ sơ đến giải quyết vào ngày này… để có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý

Đức Thắng
.
.
.