Lạm thu, lạm chi được chấn chỉnh kịp thời
>> Lạm thu đầu năm: Phụ huynh có quyền không đóng góp
Ngay sau khi Báo CAND và một số cơ quan báo chí khác phản ánh về hiện tượng lạm thu trong giáo dục khi năm học mới vừa bắt đầu, Sở GD & ĐT Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực, quyết liệt vào cuộc để kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên. Có lẽ chưa có năm nào, mọi biện pháp để ngăn chặn hiện tượng phản giáo dục như trên lại được Sở GD & ĐT và UBND thành phố Hà Nội thực hiện có hiệu quả như vậy. 5 đoàn thanh tra của Sở GD & ĐT đã trực tiếp kiểm tra hơn 100 trường học ở 29 quận, huyện.
Ngày 11/10, trao đổi với phóng viên Báo CAND về kết quả hoạt động của đoàn kiểm tra, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội chia sẻ:
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch thanh tra việc thu chi đầu năm học, nhưng khi Báo CAND và một số cơ quan báo chí phản ánh, từ kênh thông tin này chúng tôi hiểu cần phải vào cuộc sớm hơn, quyết liệt hơn để chấn chỉnh nghiêm túc việc thu chi của các trường, làm lành mạnh hoá môi trường giáo dục.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo CAND, chúng tôi đã họp với các Trưởng phòng giáo dục một số quận có trường lạm thu, đồng thời ban hành thêm một văn bản chỉ đạo, trong đó có việc gắn trách nhiệm cụ thể cho hiệu trưởng nhà trường.
Ở nhiều trường, việc nhiều Hội cha mẹ học sinh lạm thu quỹ, chắc chắn không thể không có sự đồng tình của Hiệu trưởng. Văn bản hướng dẫn thu chi đầu năm học do Sở GD & ĐT tham mưu cho UBND thành phố ban hành đã rất rõ ràng, cụ thể, tính được mức trần những khoản thu cần thiết và có tính đại trà, nhưng ở một số trường chúng tôi kiểm tra, Hiệu trưởng vẫn không thực hiện nghiêm túc”.
PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn kết quả kiểm tra của Sở GD & ĐT Hà Nội?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Quỹ phụ huynh là vấn đề được phản ánh nhiều nhất thì sau khi chúng tôi kiểm tra, tiền quỹ ở nhiều trường đã giảm đi đáng kể, dù quỹ này rất khó đề ra mức trần và hiện tại cũng chưa có mức trần.
Ở một số trường, tiền điều hoà, tiền sửa chữa nhỏ cũng đã được trả lại cho phụ huynh và có thư xin lỗi phụ huynh vì chưa làm đúng quy trình. Không thể dựa vào một số phụ huynh có điều kiện kinh tế để áp đặt các khoản thu bình quân, điều đó khiến nhiều phụ huynh không bằng lòng nhưng vì “ngại”, vì sợ con bị trù úm, họ vẫn phải đóng tiền dù trong lòng ấm ức. Xã hội hoá thì cũng phải công khai, dân chủ chứ! Vì thế khi kiểm tra ở các trường, chúng tôi còn cho mời cả đại diện Hội cha mẹ học sinh, kế toán, hiệu trưởng để cùng lắng nghe.
Tôi cũng cảm ơn Ủy ban nhân dân, HĐND thành phố đã cùng vào cuộc hết sức trách nhiệm. Trong thư của Chủ tịch nước và trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD & ĐT đã thể hiện quan điểm, không được thu chi tràn lan gây bức xúc trong nhân dân, với tư cách quản lý ngành giáo dục Thủ đô và là Đại biểu Quốc hội, tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm quyết liệt.
Trẻ em háo hức chào mừng năm học mới. |
PV: Vậy nguyên nhân nào khiến một số trường xảy ra hiện tượng lạm thu đáng tiếc như vậy, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Theo tôi, nguyên nhân chính là các trường đó chưa làm đúng quy trình. Thêm nữa, trong các khoản thu có khoản thu tự nguyện rất dễ gây nhầm lẫn. Dù chỉ là xây một bồn hoa nhỏ để trang điểm cho nhà trường thì một quy trình đúng phải là phụ huynh đề xuất, ban giám hiệu đồng ý, lập dự toán, báo cáo Phòng Giáo dục, sau đó nếu Phòng đồng ý thì dán công khai kế hoạch để phụ huynh tự nguyện đóng góp, phụ huynh đóng góp đủ rồi thì dừng không thu nữa. Lưu ý là tuyệt đối không được ấn định mức đóng góp bình quân. Đáng tiếc là nhiều trường không tuân theo quy trình đó, còn làm tuỳ tiện.
PV: Bà có thể cho biết những trường nào phải trả lại tiền cho phụ huynh không?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Tôi chưa có danh sách cụ thể từng trường nhưng ở địa bàn quận Thanh Xuân mà tôi kiểm tra, có nhiều trường phải trả lại tiền như Mầm non Tràng An, Mầm non Thanh Xuân Bắc, Tiểu học Đặng Trần Côn A, Tiểu học Nguyễn Trãi. Nhưng một số trường lại làm rất tốt, thu chi minh bạch như Tiểu học Đặng Trần Côn B, THCS Nguyễn Trãi, THCS Kim Giang. Ở quận Hà Đông, nhiều trường làm tốt như THCS Nguyễn Trãi, THCS Trần Đăng Ninh, Tiểu học Đoàn Kết.
Một điều tích cực hơn nữa là sau khi các đoàn thanh tra của Sở vào cuộc quyết liệt, thì ngoài những trường thu quá phải trả lại, nhiều trường dự kiến thu tràn lan đã không thu nữa. So với năm trước thì số trường lạm thu đã giảm đi rất nhiều. Phụ huynh rất phấn khởi và yên tâm.
PV: Nhiều phụ huynh điện thoại đến đường dây nóng của Báo CAND hỏi rằng, những trường có vi phạm về thu chi như vậy thì hiệu trưởng có bị xử lý không, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Theo tôi những hiệu trưởng đó họ đều nhận thấy cái sai và đã nghiêm túc sửa sai, nhanh chóng trả lại tiền cho phụ huynh thì mình có nên đẩy họ vào chân tường không? Mình cũng phải nhìn vào bản chất của họ nữa, chỉ do họ nhận thức chưa tốt mà thôi. Tuy nhiên, sau đây nếu trường nào cố tình thu chi sai quy định thì sẽ kiên quyết xử lý để làm gương cho người khác.
Tôi vẫn muốn gửi lời nhắn tới các hiệu trưởng là hãy vì danh dự nhà giáo và tự ái nghề nghiệp mà làm cho đúng quy trình, làm minh bạch để phụ huynh không bức xúc, không kêu ca. Có như thế nhà trường mới thực sự là mẫu mực và kỷ cương…
PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này