Lạm thu đầu năm: Phụ huynh có quyền không đóng góp

Thứ Hai, 24/09/2012, 09:37
"Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp không được thu tiền quỹ phụ huynh không theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu Hiệu trưởng nhà trường có tâm, nếu giáo viên chủ nhiệm làm tốt công việc của mình và nếu phụ huynh biết vai trò của mình thì sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm thu và cả lạm chi trong giáo dục", bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT bày tỏ.
>> Lạm thu trường học đầu năm: Hội phụ huynh không thể “vô can”

Ai gây nên tình trạng lạm thu? Khi phát hiện lạm thu, xử lý như thế nào? Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng lạm thu? Cuộc trao đổi sau đây với bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phần nào trả lời những câu hỏi này.

- Trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thưa bà?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây đã có Công văn số 8568/SGD&ĐT ngày 11/9/2012 hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập. Trước khi ra công văn này, chúng tôi đã xin ý kiến UBND TP Hà Nội, thống nhất với Sở Tài chính. Những khoản thu, mức thu quy định trong công văn này được xác định là cơ bản, cần phải thu.

- Vì sao, Sở GD&ĐT Hà Nội phải ra văn bản hướng dẫn tạm thời mà không phải là chính thức?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Vì liên Ngành chưa thông qua nên chúng tôi chưa có văn bản chính thức. Tuy nhiên, tránh để mỗi trường thu mỗi kiểu và hạn chế tình trạng lạm thu nên chúng tôi phải ra văn bản hướng dẫn tạm thời.

- Theo hướng dẫn này thì các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập là những gì, mức thu như thế nào?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Khoản thu hộ bắt buộc: Bảo hiểm y tế học sinh. Khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh: Phục vụ bán trú (Chăm sóc bán trú: Không quá 150.000đ/hs/tháng; Trang thiết bị phục vụ bán trú không quá 150/hs/năm khối mầm non và không quá 100.000đ/hs/năm với khối tiểu học, THCS); tiền học phẩm (không quá 150.000đ/học sinh/năm đối với học sinh mầm non); khoản thu học 2 buổi/ngày không quá 100.000đ/hs/tháng với khối tiểu học và 150.000đ/hs/tháng với khối THCS; nước uống tinh khiết cho học sinh không quá 12.000đ/hs/tháng.

- Như vậy là những khoản thu ngoài học phí đã rất rõ ràng và có mức trần. Tuy nhiên, trong thực tế lại có những trường đưa ra thêm các khoản thu khác như tiền cơ sở vật chất, tiền hỗ trợ giáo dục, thu tiền vượt trần...?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ văn bản hướng dẫn quản lý các khoản đóng góp tự nguyện và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trước khi đưa ra các khoản thu nêu ra trong Văn bản số 5584 và 6890 của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi khẳng định, đấy là những khoản thu phục vụ trực tiếp học sinh được nhà trường thu từ cha mẹ học sinh. Việc trường nào đó thu tiền xây dựng trường, thu vượt trần là sai. Đề nghị phụ huynh phản ánh và UBND các quận/huyện kiểm tra. Nếu phát hiện thu tiền sai, thu tiền quá theo quy định thì nhà trường phải trả lại cho cha mẹ học sinh.

- Ngoài những khoản thu khác ngoài học phí đã được Sở GD&ĐT quy định, phụ huynh còn đóng góp một số quỹ như: Quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp? Bà có biết việc làm này không và theo bà, việc thu các quỹ này có đúng không và mức thu bao nhiêu là hợp lý?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Khi họp bàn bạc để đưa ra văn bản hướng dẫn các khoản thu ngoài học phí, chúng tôi có đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, căn cứ Điều lệ cha mẹ học sinh không có quy định việc thu quỹ phụ huynh nên chúng tôi phải gạt đi. Từng có ý kiến cho rằng nên đưa ra mức trần cho khoản thu này và quy định rõ vùng nông thôn, vùng thành thị là bao nhiêu để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” của quỹ phụ huynh.

- Bà có nhận xét gì trước việc, các lớp thu quỹ phụ huynh lớp từ vài trăm lên đến cả triệu đồng?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Đây là khoản thu tự nguyện nên không được cào bằng. Phụ huynh đóng bao nhiêu là tùy vào từng người. Có người đóng nhiều, có người đóng ít và có cả người không đóng. Khi sử dụng quỹ này phải nhằm phục vụ việc học của học sinh một cách công bằng, không thể vì phụ huynh không đóng quỹ lớp mà phân biệt đối xử không phải với con em họ. Ban giám hiệu nhà trường phải quan tâm đến việc này, không nên để việc thu quá nhiều tiền quỹ phụ huynh và sử dụng không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến giáo dục, đến danh dự nhà giáo, đến danh tiếng của nhà trường.

- Tiếc rằng, trong thực tế lại đang diễn ra tình trạng các khoản thu tự nguyện nhưng cào bằng. Đó không chỉ là quỹ phụ huynh lớp mà còn có các khoản như lắp điều hòa, trang bị máy chiếu, làm sàn gỗ...

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Các khoản mà phóng viên vừa nêu đều là những khoản thu tự nguyện. Thế nên, tôi nhắc lại là không được cào bằng. Phụ huynh có thể tặng điều hòa, hoặc tặng hẳn một phòng máy tính cho nhà trường và nhà trường có quyền nhận. Tuy nhiên, không thể ép tất cả các phụ huynh đóng tiền để tặng nhà trường những thiết bị này mà phải tùy thuộc vào khả năng của từng người.

Nhiều lớp học ở miền núi còn rất sơ sài, cần sự đầu tư của Nhà nước. (Ảnh minh họa).

- Sở GD&ĐT Hà Nội đã có biện pháp gì để kiểm tra việc lạm thu trong năm học này chưa, thưa bà?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Với các bậc học từ mầm non đến THCS, chúng tôi đề nghị UBND các quận/huyện giao Phòng Giáo dục kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Đối với bậc học THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ kiểm tra. Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn thành lập 6 đoàn kiểm tra để kiểm tra đột xuất các trường và ưu tiên những trường mà các phương tiện truyền thông phản ánh có tình trạng lạm thu. Năm học 2011-2012, chúng tôi đã đi kiểm tra 157 trường và phát hiện một số trường thu sai. Người chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra sai phạm này sẽ là Hiệu trưởng nhà trường.

- Bà nhìn nhận vai trò của Hiệu trưởng nhà trường trong việc để xảy ra lạm thu và cả việc chấn chỉnh tình trạng này như thế nào?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong nhà trường, đặc biệt là vấn đề thu chi, kể cả việc thu quỹ phụ huynh của trường, của lớp. Để tránh xảy ra sai sót trong lĩnh vực lạm thu trong giáo dục, tôi đề nghị các Hiệu trưởng nhà trường cần đọc kỹ văn bản hướng dẫn của Bộ, của Sở GD&ĐT về các khoản thu ngoài học phí. Việc thu đúng, thu đủ không chỉ giữ danh tiếng cho nhà trường mà còn cho mỗi giáo viên. Hiện nay, cán bộ, đảng viên trong cả nước đang thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo Nghị quyết TW4, đây là dịp để các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục xem xét lại việc mình đã làm.

- Chúng tôi cũng nhận thấy, để việc lạm thu xảy ra cũng một phần do lỗi phụ huynh. Bà có bình luận gì về ý kiến này không?

- Bà Phạm Thị Hồng Nga: Tôi quan niệm, tự nguyện là có thì đóng, không có thì thôi. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp không được thu tiền quỹ phụ huynh không theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu tôi làm Hiệu trưởng, phụ huynh đặt vấn đề thu những khoản nọ, khoản kia không đúng trong văn bản, tôi sẽ bác bỏ ngay. Phụ huynh có thể tặng nhà trường vàng, bạc hay kim cương nhưng không thể bắt mọi người nộp tiền để mua những thứ này được. Nếu Hiệu trưởng nhà trường có tâm, nếu giáo viên chủ nhiệm làm tốt công việc của mình và nếu phụ huynh biết vai trò của mình thì sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm thu và cả lạm chi trong giáo dục. Là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, chúng tôi thấy phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Chúng tôi mong nhận được thông tin phản hồi của bạn đọc về tình trạng lạm thu tại địa chỉ email: plbd66@gmail.com; điện thoại: 0439.420.595

Nhóm Phóng viên
.
.
.