Tái diễn tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học
Theo đó, các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành rà soát các điều kiện phục vụ cho năm học mới như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên… Đặc biệt là các khoản thu đầu năm học mới. Để công tác thanh kiểm tra thực sự thoát khỏi căn bệnh hình thức, nhiều phụ huynh cho rằng, ngành Giáo dục cần tăng cường những chuyến “vi hành”, để có thể lắng nghe được tâm sự thật của phụ huynh.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, năm học 2015-2016, mức thu học phí của các trường học trên địa bàn thành phố vẫn giữ nguyên như năm học trước. Với các khoản thu khác, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường áp dụng Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Theo đó, danh mục các khoản thu khác trong nhà trường gồm có 10 khoản, gồm: Thu, chi phục vụ việc học bán trú trong các trường có tổ chức mô hình này, gồm tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; thu, chi học phẩm trong các trường mầm non; thu, chi nước uống tinh khiết; thu bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế; thu, chi dạy thêm trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; thu, chi viện trợ, quà biếu, tặng cho; thu, chi tài trợ; thu, chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ, hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; khoản thu quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.
Ngoài một số khoản thu đã quy định mức trần cụ thể như chăm sóc bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm… với các khoản thu còn lại, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường phải thỏa thuận bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh trước khi thực hiện.
Quy định là thế nhưng trên thực tế, mỗi trường đều có những cách thức riêng để “hợp thức hóa” các khoản thu ngoài quy định, hoặc việc thỏa thuận bằng văn bản với phụ huynh cũng được các trường thực hiện trên tinh thần “đưa phụ huynh vào sự đã rồi”. Phụ huynh có muốn phản đối cũng khó, vì có hàng tá lý do để “ngại”. Thế nên dù có không muốn, không hài lòng thì cũng đành “ấm ức trong im lặng”.
Chị Phan Hiền, phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Dù chưa phải đóng các khoản tự nguyện như quỹ trường, quỹ lớp vì nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh đầu năm, tuy nhiên, không ít phụ huynh trong lớp học của con chị tỏ ra rất bức xúc với quy định “đồng phục vở” của nhà trường mà không hề có sự thông báo trước.
“Trước ngày khai giảng, tôi đã mua cho con mấy chục cuốn vở dùng dần nhưng đến khi nhập học thì cô giáo cho hay, các con sẽ dùng toàn bộ vở của trường chứ không dùng vở tự mua. Cứ tính mỗi cuốn vở ô li của tiểu học là 9.000 đồng, cả khối lớp 1 có hơn 400 cháu, mỗi cháu lại có ít nhất 20-30 cuốn vở, thì số tiền bị bỏ phí lên đến cả gần trăm triệu đồng” - chị Hiền bức xúc.
Hạn chế các khoản thu không hợp lý sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế đầu năm học mới cho phụ huynh. (Ảnh minh họa) |
Chị Lưu Thủy, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng cho biết: Mặc dù chị không đăng ký với giáo viên chủ nhiệm đặt báo thiếu nhi ở trường cho con, nhưng tuần nào trong ba lô của cháu cũng có báo. Mà khổ một nỗi, con chị mới học lớp 1 thì đã đọc được gì. Sau khoảng 1 tháng, thấy điều này lãng phí và không phù hợp, chị đã phải đến gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm để xin “cắt”, dù trước đó không hề đăng ký.
Cũng theo chia sẻ của chị Thủy, hiện nhà trường nơi con gái chị đang học đang áp dụng hình thức sổ liên lạc điện tử, gửi email thông báo đến phụ huynh về việc học của các con. “Điều này là khá tiện lợi với các phụ huynh là dân công sở, thường xuyên tiếp xúc với mạng, song một số phụ huynh là người lao động lại cho là không phù hợp và lãng phí vì họ chẳng mấy khi tiếp xúc với internet, đọc email và việc nhà trường thu mỗi cháu 20 ngàn đồng/tháng là hơi nhiều”-chị Thủy cho biết.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài các khoản lớn trong quy định, như tiền xây dựng, lắp đặt điều hòa, đồng phục, quỹ trường, quỹ lớp... còn có tới cả hàng chục khoản thu “không tên” khác như nước uống, giấy ăn, giấy vệ sinh, thiết bị rửa tay khử trùng, nhãn vở, phiếu phô tô bài tập, sổ liên lạc điện tử, hỗ trợ tiền điện, mua bảng chống lóa, bảng tương tác, máy chiếu... Đồng ý là những khoản thu này đều là phục vụ học sinh, song cũng cần phải thu làm sao cho đúng, cho hợp lý. Chẳng lẽ điều hòa, quạt, bảng chống lóa hay tương tác... cứ dùng một năm là hỏng, phải đầu tư mua mới, nên năm nào phụ huynh cũng phải đóng tiền? Một số trường cứ “nhắm mắt” thu như thế, nên bức xúc của phụ huynh hoàn toàn là có thật.
“Ở đâu cũng bảo tự nguyện: Tự nguyện đóng xây dựng trường, tự nguyện học thêm, tự nguyện phụ cấp giáo viên... Nhưng cái tự nguyện đấy là con cầm giấy nhà trường phát cho và bố mẹ dù không muốn cũng phải nhắm mắt kí vào chỉ vì không muốn con trẻ bị làm khó. Những chuyện này, phụ huynh bức xúc bao nhiêu năm nay và năm nào ngành Giáo dục cũng tiến hành kiểm tra, nhưng câu chuyện lạm thu đầu năm vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác, không có gì thay đổi. Tôi nghĩ rằng, có lẽ đã đến lúc ngành Giáo dục cần thay đổi hình thức thanh kiểm tra, bên cạnh làm việc trực tiếp với các trường, ngành Giáo dục cũng cần tăng cường những chuyến “vi hành” để có thể lắng nghe những tâm sự thật, những bức xúc không biết tỏ cũng ai của phụ huynh”, chị Phương Mai, một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết.
Từ những câu chuyện thực tế của phụ huynh, có thể thấy rằng, các khoản thu đầu năm học mới luôn là bài toán khó làm thỏa mãn cả phụ huynh lẫn ban giám hiệu các trường. Trong đó, có những khoản thu phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện ngân sách Nhà nước không đủ đáp ứng cũng là một cách để các gia đình cùng chia sẻ với nhà trường trong công cuộc xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, các trường cũng cần phải cân nhắc, tính toán thu làm sao cho hợp lý, để giảm bớt “tai tiếng” lẫn gánh nặng kinh tế cho phụ huynh vào năm học mới.