Làm rõ những vướng mắc trong GPMB dự án Nam ga Hạ Long

Thứ Sáu, 09/12/2011, 20:41
Có rất nhiều điều khuất tất trong việc quản lý, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tại dự án đô thị Nam ga Hạ Long, thuộc phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là nguyên nhân khiến cho một dự án lớn tại cửa ngõ thủ phủ Quảng Ninh suốt 10 năm đầu tư vẫn nguyên dạng vùng đất hoang hóa. Dưới đây, xin "điểm danh" một số nguyên nhân "kỳ lạ"trên.
>> Khúc mắc GPMB dự án Nam ga Hạ Long

"Mua hươu, bán vượn"?

Đầu tiên phải kể đến Hợp đồng mua bán đất (dạng viết tay, không công chứng) của ông Nguyễn Công Ch. và vợ là Lê Thị X. (trú tại khu 7, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long), bên mua gồm 5 người có hộ khẩu từ nhiều nơi khác nhau, họ cùng hợp đồng mua bán  912m2 đất với giá 400 triệu đồng.

Điều lưu ý ở hợp đồng này là các hộ đã tự ý mua bán mà không qua chính quyền địa phương xác nhận, không nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Hơn nữa, sự sai phạm trầm trọng ở đây là hợp đồng có dấu hiệu "khống" ở thời điểm và địa danh như sau: Hợp đồng được ghi ngày giao dịch là ngày 18/1/2002 tại tổ 10, khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long trong khi nhiều người khẳng định địa chỉ: tổ 10, khu 4 mãi về sau này mới có. Và, những dạng giao dịch này nếu qua được Hội đồng đền bù GPMB và xảy ra hậu quả thì ai dám chắc rằng họ không vi phạm pháp luật?

Một lô đất thứ hai nữa cũng tại phường Giếng Đáy. Lô đất này có diện tích 2.275m2, kèm theo một căn nhà cấp 4 và công trình phụ, giá bán 270 triệu đồng. Hợp đồng được giao dịch ngày 16/11/2000; bên mua gồm có 4 đại diện; bên bán là ông Phạm Văn Đào (chủ đất là bà Nguyễn Thị Hoè, vợ ông Đào), ngoài ra còn thêm 3 nhân chứng khác, trong đó có tổ trưởng tổ 5A, khu 4B, Giếng Đáy. Đây cũng là loại giấy tờ mua bán đất viết tay (một trong những người mua khẳng định: Về sau này việc mua bán có được xác nhận tại UBND phường Giếng Đáy). Trong khi cán bộ của Công ty Licogi số 2 lại cho rằng: Việc cán bộ phường Giếng Đáy xác nhận trong thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ trên là không hợp lệ vì lô đất này đã nằm trong quy hoạch của dự án.

Dự án khu đô thị mới Nam ga Hạ Long sau 10 năm triển khai.

Không biết UBND phường Giếng Đáy cùng các bên xác nhận nguồn gốc đất thế nào mà để xảy ra chuyện hi hữu: Ông Phạm Văn Đào bán đất cho 4 chủ thể khác để thu tiền, sau đó 6 năm ông này lại đóng vai trò là chủ lô đất để đứng tên kiểm kê, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ lên tới 1,9 tỉ đồng khiến  4 người mua lô đất của ông Đào đã "tá hỏa" gửi đơn đi một số nơi "kêu cứu". Khi UBND phường Giếng Đáy mời các bên ra giải quyết tranh chấp thì ông Đào cử người khác ra làm việc, nhưng không hợp lệ theo quy định ủy quyền?

Núp sau chủ đất?

Đây cũng là một trong những hình thức mua bán lòng vòng, không công khai tại dự án này. Chính những người "núp phía sau" có thể xúi bẩy việc chống đối giao đất ngày càng quyết liệt hơn. Xin nêu một mảnh đất tại tổ 80, khu 8, phường Hà Khẩu mà chúng tôi xin không nêu tên chủ đất như sau: Mảnh đất có diện tích gần 1.800m2, có nguồn gốc từ đất khai hoang, phục hóa. Theo phương án bồi thường GPMB đưa ra thì chủ hộ được các khoản bồi thường theo quy định, nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ vì gia đình không ở tại mảnh đất này khi kiểm đếm, và không đủ điều kiện cấp đất tái định cư. Chính sự "thiệt thòi" này mà cho tới nay chủ đất vẫn chưa thể nhận tiền bồi thường và giao đất cho dự án.

Trong khi một cán bộ của Ban quản lý dự án khẳng định, cái khó nhất ở đây là mảnh đất ông Nguyễn Văn Th đứng tên chỉ là hình thức, thực chất là đất của một cán bộ hiện đang công tác tại Ban quản lý dự án huyện Tiên Yên, Quảng Ninh? Việc "ủy quyền" không công khai này khiến sự hợp tác của Hội đồng bồi thường GPMB với "gia chủ" trở nên thiếu khả thi. Khi PV đang thu thập thông tin để viết bài thì cũng gặp cảnh xây dựng trái phép tường bao lô đất nằm trong quy hoạch dự án tại phường Hà Khẩu ngay giữa ban ngày và ven quốc lộ. Được biết, đây là lô đất mà chủ đất đã không hợp tác trong khâu kiểm đếm và không chịu nhận tiền bồi thường.

Mới đây, UBND TP Hạ Long đã ra một số quyết định cưỡng chế, nhưng sau đó đã phải "phanh" lại vì có những tình tiết mới cần được thỏa thuận(?!). Tất nhiên, việc xác định rõ nguồn gốc đất, áp dụng chính xác đơn giá đền bù là một việc cần làm nhưng không thể cứ kéo dài đến cả chục năm được. Dư luận cho rằng, GPMB tại dự án Nam ga Hạ Long cần hoàn thiện để chấm dứt tình trạng "xôi đỗ" như hiện nay và phải có sự vào cuộc quyết liệt, triệt để với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cấp chính quyền TP Hạ Long

Hạ Long
.
.
.