Làm rõ cơ sở khoa học của việc tăng học phí

Thứ Ba, 29/12/2009, 09:19
Như Báo CAND đã đưa tin về việc Bộ GD&ĐT vừa công bố bản dự thảo lần hai về Nghị định "Quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015". Tuy nhiên, còn nhiều điều cần phải điều chỉnh xung quanh bản dự thảo này.
>> Học sinh phổ thông ở thành thị có thể phải đóng học phí 200.000 đồng/tháng

Giáo dục mầm non và phổ thông - không thể chung một khung học phí

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, nguyên tắc để xác định học phí được nêu ra trong dự thảo là "Từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng". Và khung học phí được chia theo 3 vùng: thành thị, nông thôn và miền núi, với mức học phí "sàn" và "trần" mà học sinh mầm non và phổ thông (gồm cấp THCS và THPT) có thể phải đóng tới 40.000-200.000 đồng/tháng đối với vùng thành thị, 20.000-80.000 đồng/tháng đối với vùng nông thôn và 5.000-40.000 đồng/tháng đối với vùng miền núi. Biên độ khung học phí như vậy cũng khá rộng để các địa phương "liệu cơm gắp mắm", nhưng việc áp dụng nguyên tắc "học phí không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng" không phải là dễ.

Ông Vũ Trọng Khang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nêu ví dụ: Trường Nguyễn Trãi có hơn 1.000 học sinh, trong đó phần lớn bố mẹ các em đều lao động tự do, thu nhập không cao và cũng không đồng đều, nên để xác định "mức 5% thu nhập bình quân hộ gia đình" sẽ rất khó. Do đó, cần phải có cơ sở khoa học để xác định vì sao lại lấy mốc 5% và tiền học phí sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu so với mức lương cơ bản hiện hành? Thầy Vũ Trọng Khang đồng tình với dự thảo khi xác định mức thu học phí dành cho chương trình chất lượng cao sẽ cao hơn học phí chương trình đại trà.

Học sinh mầm non ở các thành phố có thể phải đóng tới 200.000 đồng/tháng.

Còn theo ông Vũ Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) mức học phí phù hợp được với thu nhập của cha mẹ học sinh là lý tưởng, nhưng trong mối tương quan này, trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn vì đó sẽ là nơi xác nhận cho các em ở diện đối tượng nào, ở mức học phí nào. Theo phản ánh của một số Sở GD&ĐT, họ đang gặp khó khăn trong việc việc xây dựng một mức học phí cho cả giáo dục mầm non và phổ thông (vì dự thảo đề ra khung học phí chung cho cả hai bậc học này). Hai cấp học này có đối tượng giáo dục, mục tiêu giáo dục và đầu tư giáo dục, chi phí rất khác nhau, nếu đưa vào cùng một khung sẽ rất bất hợp lý.

Đại học: Cần sử dụng có hiệu quả học phí

Khung học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mà dự thảo đưa ra có 6 nhóm ngành, theo đó, cao nhất là nhóm ngành Y dược, có thể sinh viên sẽ phải đóng tới 800.000 đồng/tháng (vào năm học 2014-2015). Theo GS.TS Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thì việc chia học phí căn cứ vào đặc thù đào tạo để chia thành 6 nhóm ngành là hợp lý.

Còn theo GS.TS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính thì việc tăng học phí ở thời điểm này là chấp nhận được, nhưng tăng như thế nào thì phải cân nhắc kỹ. Hiện nay, cơ sở vật chất của nhiều trường không chuẩn, địa điểm thuê mướn ở nhiều nơi, không đáp ứng được nhu cầu học tập của người học. Do đó, nếu tăng học phí sẽ giúp các trường trang trải việc thuê địa điểm và hỗ trợ một phần để nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đầu tư vào phòng thực hành.

Một lãnh đạo khoa của ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đề xuất, bên cạnh việc tăng học phí thì cũng nên có chính sách hỗ trợ học phí như: mở rộng vay ưu đãi với người có thu nhập thấp và phải hỗ trợ, chia sẻ với các trường trong việc chi miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên

Thu Phương
.
.
.