“Lạm phát” học sinh giỏi, hậu quả của bệnh thành tích

Chủ Nhật, 01/06/2014, 10:52
“Việc một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh phản ánh, lớp con chị có 49/50 học sinh giỏi đã dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa. Nhưng so với lớp con em vẫn chưa thấm gì, lớp có 50 bạn thì cả 50 bạn đều giỏi”, đó là tâm sự của một nữ đồng nghiệp khi tôi ngỏ ý hỏi về cái sự học của cậu con trai vừa “tốt nghiệp” lớp 2 của chị.

Học bạ đẹp từ điểm số đến chiều cao, cân nặng

“Đây. Nhìn cái học bạ của con tôi đi. Nếu đọc những lời phê của các cô giáo từ lớp 1 đến lớp 5 thì con tôi đúng là thiên tài”, chị Mai Ngọc, trú tại quận Long Biên, Hà Nội cho tôi xem cuốn học bạ của cậu con trai với thái độ chán ngán. Lật giở cuốn học bạ, từ lớp 1 đến lớp 5 của cậu bé Nhật Quang mà tôi choáng. Lớp 1 cô phê: môn Tiếng Việt: Đọc, viết nhanh; Toán: Nắm chắc kiến thức;  Đạo đức: Biết vận dụng vào thực tế; Tự nhiên Xã hội: Vận dụng tương đối tốt; Nhạc: Hát đúng giai điệu; Mỹ thuật: Hoàn thành các bài vẽ… với các điểm: 9, 10, A, A, A (trừ Toán, Tiếng Việt cho điểm, các môn khác nhận xét theo A, B, C).

Nhiều học sinh có những điểm 9,10 và lời nhận xét mỹ miều của thầy cô như thế này.

Nhận xét cả năm, cô ghi: Tiếp thu bài nhanh, kỹ năng tính toán tốt. Đọc lưu loát, viết đẹp. Xếp loại giỏi. Năm lớp 2, cậu bé Nhật Quang cũng nhận được lời nhận xét đại loại: Tiếp thu bài tốt; kỹ năng tính toán tốt; biết vận dụng thực tế; chăm tìm hiểu. Năm lớp 3, lớp 4, lớp 5 cậu bé này đều nhận được các… mỹ từ của cô. Còn kết quả hai môn Toán, Tiếng Việt đều 10.

“Tôi bám sát con từ bài đọc, bài tập viết, tập làm văn nên tôi khẳng định, con tôi không thể được xếp loại học sinh giỏi môn Tiếng Việt. Còn với môn Toán thì càng không, bởi tôi biết chỉ cần đề bài giải cô ra hơi “đường cong”  một chút là con không làm được. Nếu học sinh giỏi, cháu phải biết tư duy theo kiểu suy luận, lô gíc. Đấy còn chưa kể, các phép tính nhân, chia, cộng, trừ thông thường nhưng đôi khi cháu vẫn sai do cẩu thả”, chị Mai Ngọc nói. Nhìn vào dòng chữ cô phê về môn mỹ thuật, chị Mai Ngọc càng thất vọng. Bởi cậu bé Nhật Quang mù tịt về môn học đòi hỏi phải có chút năng khiếu này.

“Học bạ của con tôi “đẹp” về những môn học đã đành, đến cả chiều cao, cân nặng cũng được “tô” mỹ miều” chị Ngọc nói. Nói rồi, chị chỉ cho tôi cách “làm đẹp” vụng về các chỉ số chiều cao, cân nặng cho cậu bé Nhật Quang của các cô. Ví dụ, đầu năm lớp 4, Nhật Quang nặng 26,9kg. Cuối năm học, cân nặng của cháu là 27kg. Đầu năm lớp 5, Quang nặng 27kg, cuối năm cháu nặng 29kg. Vốn là kế toán nên chị Ngọc biết, đây là cách ghi theo kiểu đầu cuối.

Cô giáo lấy chỉ số cân nặng của cuối năm trước, đính vào đầu năm sau và cứ theo hướng tăng dần. Nhưng điều đáng nói là vào đầu năm học lớp 5, Nhật Quang nặng 31kg nhưng đã bị sửa xuống 27kg (cho hợp với cuối năm học lớp 4 – trong học bạ thể hiện sự sửa chữa này). Và cái đáng buồn cười cái chỉ số cân nặng chính xác đến từng lạng – “26,9kg” mà cô ghi trong học bạ của Nhật Quang. So với số cân nặng 27kg vào cuối năm học lớp 4 thì con số 26,9kg ở phần đầu năm cho thấy, cháu có phát triển về cân nặng?!

Mặc dù đang làm thủ tục xin chuyển cấp cho con, với học bạ đẹp sẽ dễ dàng hơn xong chị Mai Ngọc vẫn thấy buồn. Buồn vì con mình không được đánh giá đúng. Với một đứa trẻ điểm luôn đạt điểm tuyệt đối với tất cả các môn học dễ mắc phải bệnh tự mãn. Đấy còn chưa kể, không phải phụ huynh nào cũng đủ tỉnh táo để nhận ra, bảng thành tích giỏi của con chỉ là ảo. Nếu phụ huynh nhận thức rằng, con mình giỏi bởi cô giáo bảo là… giỏi sẽ thật tác hại. Đó không chỉ là sự ảo tưởng về con, mà còn là tác nhân khiến đứa trẻ ảo tưởng về mình. Khi đó, hậu quả thật khôn lường.

Cô luyện gà, trò trúng tủ 

Khi tôi đặt vấn đề với chị Mai Ngọc, rằng nếu ai đó nói rằng, chị lấy căn cứ đâu mà bảo, con chị không đáng học sinh giỏi? Nói rồi, họ sẽ đưa ra những bài kiểm tra học kỳ với những con số điểm 9, điểm 10 thì chị cãi thế nào? Chị Mai Ngọc thừa nhận, nếu cứ truy theo kiểu, “trọng chứng hơn trọng cung” như vậy thì chị thua. Nhưng vấn đề ở đây cần phải hiểu đúng bản chất của sự việc. Bản chất đó là gì, bất kỳ phụ huynh nào quan tâm đến việc học của con đều hiểu. Đó là, trước kỳ thi bao giờ cô cũng giới hạn. “Giới hạn” ở đây là những đề Tiếng Việt, đề Toán cho trước.

Chị Hoàng Thị Hồng, có con đang học lớp 3 ở quận Thanh Xuân cho biết. Kỳ thi học kỳ II vừa rồi, cô giáo giao cho con 3 đề tập làm văn gồm: Viết thư cho người bạn ở nước ngoài; kể một việc tốt về bảo vệ môi trường; kể lại một trận thi đấu thể thao. Trong năm học, các đề bài này đã nằm trong chương trình được cô giảng dạy. Tuy nhiên, do nằm trong “giới hạn” nên các con lại làm tiếp, bố mẹ sửa, cô sửa và con… học thuộc. Học thuộc bài tập làm văn? Đây chính là lý do để những bài thi Tiếng Việt (trong đó có tập làm văn), có đầy rẫy những con số điểm 9, điểm 10.

Lại nói về vấn đề văn mẫu càng có nhiều chuyện buồn cười. Một đứa trẻ lớp 3 chưa từng xem một trận thi đấu thể thao thì yêu cầu viết một bài văn đối với nó vô cùng khó (và tôi tin chắc, ở tuổi này rất ít đứa trẻ xem và hiểu hết một trận thi đấu thể thao). Thế nên, khi con tôi viết trận đấu bóng đá trên ti vi, tôi đọc mà bật cười vì sự ngô nghê. Rồi cháu lại viết một trận thi đấu cầu lông cũng là những từ ngữ đầy ngờ nghệch. Thế nhưng khi đọc bài văn mẫu mà cô phô tô để tham khảo tôi thấy chất lượng khác hẳn. Khi viết về trận thi đấu cầu lông, bài mẫu có dùng những câu từ cực chất cầu lông như: sơ vít, bỏ nhỏ; tạt trái;…

Với người lớn, nếu không quan tâm đến môn thể thao này, cũng không mấy ai biết đến những cụm từ này. Còn với bài văn mẫu viết về trận thi đấu bóng đá thì “tác giả” còn nói về giải đấu tranh cúp với tên của các cầu thủ sáng giá như Hồng Sơn, Huỳnh Đức… Một đứa trẻ lớp 3, lại ở cái thời mà Hồng Sơn, Huỳnh Đức đã lên làm thầy nhưng vẫn được miêu tả là cầu thủ ghi bàn xuất sắc quả thực… ảo.

Khi đi “nắm tình hình” học tập của con những người bạn đang học Tiểu học ở Hà Nội, tôi nhận được không ít tiếng thở dài. Lớp con 62 học sinh, 18 học sinh tiên tiến, 2 học sinh trung bình là lớp có tỷ lệ ít học sinh giỏi nhất mà tôi nắm được. Còn kiểu tỷ lệ, lớp 55 học sinh, 50 học sinh giỏi; lớp 57 học sinh, 7 tiên tiến, 1 trung bình… nhiều vô kể. Học sinh tiên tiến là những cháu “không may” khi chép sai bài, còn học sinh trung bình theo đánh giá của nhiều phụ huynh thì đấy là những cháu bé có thể chất, trí tuệ phát triển không bình thường. Biết rằng lời nhận xét, “trung bình thường rơi vào những cháu tự kỷ, nghịch ngợm theo kiểu tăng động giảm tập trung…” có phần cay nghiệt nhưng xem ra rất đúng.

Học sinh giỏi nhiều nhưng chất lượng lại ảo. Đó chính là bi kịch của căn bệnh thành tích

Cao Hồng
.
.
.