Làm giàu từ "đôi tay sắt"

Thứ Năm, 03/06/2010, 14:05
Cách đây sáu năm, tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đức Vệ với ý định viết một bài báo, Vệ cười: "Em có chi mô mà nhà báo viết, chưa làm được chi cho ra ngô, ra khoai cả". Lần này tôi đến, Vệ lại say sưa với những chiếc xe khách đường dài bị hỏng máy. Xe nổ máy, tài xế cười nói: "Trên thế giới tui cá không ai có tài bằng cha này, cụt hai tay vẫn giỏi sửa chữa ôtô".

Bên bát nước chè xanh, tôi như bị cuốn theo lời kể của Nguyễn Đức Vệ về chính cuộc đời anh. Vượt qua mặn, chát, chua, cay từ một phế nhân, Vệ trở thành ông chủ của hai garage ôtô lớn ở Quảng Bình và một rừng bạch đàn che cát, chắn gió.

Nghiệt ngã vào đời

Nguyễn Đức Vệ (38 tuổi) chào đời nơi làng cát nghèo Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ở mảnh đất nhỏ nằm dưới chân đèo Ngang này chỉ gió Lào, cát trắng cũng đủ làm khô quắt cuộc sống của người dân. Vì vậy, người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh sống hai bên chân đèo Ngang thường ví von "đèo Ngang - đang nghèo". Nguyễn Đức Vệ trải qua nhiều bĩ cực từ tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ. Cha là thương binh bị mù hai mắt trong trận chiến sinh tử ở cảng Hòn Lo năm 1972. Một mình mẹ còng lưng nuôi 6 anh em Vệ.

20 tuổi, Vệ cưới vợ. Cha đau, mẹ yếu, vợ chồng Vệ trở thành trụ cột cho cả gia đình. Cuối năm 1991, vợ chồng Vệ sinh một thằng cu bụ bẫm, cả nhà ai cũng mừng. Dứt khoát phải thoát nghèo, Vệ nghĩ vậy. Song khi con trai chưa đầy tuổi, thì Nguyễn Đức Vệ đã gặp nạn. Buổi trưa im ắng xóm nhỏ nơi đèo Ngang bị xé toang bởi tiếng nổ lớn. Cả xóm bàng hoàng chạy đến thì thấy Vệ đã chết lịm giữa vạt đất còn sặc mùi thuốc bom, thân hình bê bết máu. Một quả bom sót lại sau chiến tranh đã phát nổ khi anh làm vườn. Tai nạn đã vĩnh viễn cướp đi của Vệ hai cánh tay và chân trái.

Mọi người bảo "giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", nhìn thân thể mình, Vệ chán nản. Ngồi trên xe lăn trong hành lang bệnh viện, Vệ bật dậy, chồm từ xe lăn qua lan can tầng bốn của bệnh viện lao xuống. Rất may, khi Vệ trườn qua được lan can thì người nhà phát hiện chụp giữ lấy. Sau lần ấy, nhìn vào đôi mắt khô đục nước mắt của mẹ, Vệ mới thôi.

Vợ Vệ không chịu được gia cảnh nghèo túng, lại phải đèo bòng thêm người chồng què quặt chỉ còn một cái chân, lết ra lết vào, nên đã bỏ lại đứa con thơ và khăn gói ra đi trong một đêm mưa sầm sập. Nhiều đêm, Vệ ôm con vào lòng, hai cha con khóc cho khổ đau, bất hạnh của đời mình. Chết không thể hết nợ trần gian, sống để khẳng định mình, Vệ nghĩ vậy, và anh lao vào đời tìm cho mình một lối đi riêng.

Nguyễn Đức Vệ bên xưởng sửa chữa ôtô của mình.

Không chịu làm phế nhân

Vay mượn mãi được 500 nghìn đồng, Vệ mở quán nước nhỏ cạnh quốc lộ 1A. Quán rách níu khách nghèo, khi chén nước, lúc điếu thuốc… cha con Vệ rau cháo qua ngày. Người làng rơi nước mắt khi chiều chiều thấy cảnh cha con Vệ nhìn xa xăm ra đường lớn. Đời thay đổi khi tự mình thay đổi, có lẽ Vệ nghĩ vậy. Vệ nghĩ ra cách... làm tay cho mình. Anh lấy hai ống nhôm tròn, uốn cong lại rồi cưa một rãnh để tì cố định vào nạng gỗ, sau đó luồn hai ống tay cụt vào ống nhôm để mà hất nạng đi. Đi rồi ngã dúi dụi, Vệ nghiến răng bật máu tập tiếp. Hai cùi tay tóe máu tươi, cũng mặc...

Cuối năm 1995, nghe tin Trung tâm Chỉnh hình ở Nghệ An có lắp tay giả, Vệ lần mò ra đó xem thử. May mắn sao, đầu năm 1996 anh được một tổ chức ở Mỹ lắp tặng một đôi tay sắt. Vệ bồi hồi: "Có hai cái tay sắt tui như bắt được vàng. Buổi đầu về, tui "cầm" cái chén đưa lên miệng uống nước được, tui reo lên: sống tốt rồi trời ơi!".

Từ khi có tay giả, Vệ quyết tâm làm giàu. Quảng Đông chưa có điện, Vệ vay tiền ngân hàng mua máy phát điện, đầu máy video chiếu phim bán vé kinh doanh. Khi làng có điện, Vệ lại buôn bán đồ điện tử, cửa hàng của Vệ luôn tấp nập người mua. Đầu năm 1998, có được một số vốn, Vệ đầu tư mở xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô nhỏ tại nhà thuê người về làm. Không làm được bằng tay, Vệ tìm sách học, tìm tới các cơ sở khác ngồi xem người ta làm rồi cố nhập tâm để biết nghề. Ngày ngày với đôi tay sắt, Vệ cùng anh em thợ trằn lưng với xưởng. Hiện Vệ có 2 cơ sở cơ khí và xưởng sửa chữa ôtô với hàng chục công nhân, thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Nói về công việc, Vệ cười: "Còn ít người biết là tui đã từng nhận được công trình ở hầm đường bộ qua đèo Ngang. Tui ra nhận thầu mà ai cũng lắc đầu vì lạ. Bởi có mô tiền lệ lâu ni, một người bị cụt như vầy lại dám ra đấu công trình lớn với người ta. Rứa mà tui nhận được hạng mục xây cống và mái bạt taluy ở hai đầu cửa hầm với tổng trị giá tới 400 triệu đồng. Để quyết định cho tui mần công trình, họ cũng xoay tui ra trò chớ có phải họ ưu ái, chứng tỏ là tui cũng có năng lực anh hè?".

Tích lũy được ít vốn, Vệ mua đất mặt tiền đường lộ để mở rộng cơ sở sản xuất và mua đất... trồng rừng. Bên cạnh là chủ garage ôtô lớn tấp nập xe cộ ra Bắc, vào Nam trên quốc lộ 1A, Vệ còn trồng được gần 10ha rừng. Vươn lên từ một phế nhân để trở thành người hữu ích, và giúp đỡ được nhiều người khác thoát nghèo, Nguyễn Đức Vệ trở thành niềm tự hào của người dân ở chân đèo Ngang

Sông Lam - Tâm Phùng
.
.
.