Dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội):

Làm gì để đồng thuận lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân?

Thứ Tư, 16/04/2014, 12:16
Trong số hơn 77 khu chung cư, tập thể cũ được xây dựng và đưa vào sử dụng có tuổi thọ trên 40 năm, khu tập thể Nguyễn Công Trứ là một trong những địa điểm được TP Hà Nội lập dự án cải tạo khá sớm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã gần 15 năm, kể từ khi dự án được manh nha hình thành, dù được TP tạo nhiều cơ chế đặc thù, nhưng vẫn gần như giậm chân tại chỗ gây hoang mang cho những người dân đã di dời tạm cư chưa biết ngày nào được trở về.

Người dân “thở ngắn than dài”

Dự án thí điểm cải tạo và xây dựng lại tập thể Nguyễn Công Trứ được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội nghiên cứu quy hoạch từ tháng 12/2002. Và sau 8 năm, đến năm 2010, mới chính thức triển khai phần đầu tiên cải tạo lại nhà A1, A2. Hơn một năm sau, TP Hà Nội mới có quyết định thu hồi hơn 4.800m2 đất tại A1, A2 giao cho Công ty Xây dựng nhà N03 với chiều cao 17 tầng phục vụ tái định cư cho các hộ dân.

Theo tổng thể quy hoạch dự án, sau khi cải tạo xong, khu chung cư Nguyễn Công Trứ sẽ có 8 tòa nhà cao tầng, đáp ứng 9.300 người với mức đầu tư tính giá tại thời điểm năm 2010, khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi thực hiện dự án, tiến độ gần như giậm chân tại chỗ, số lượng công trình được thực hiện chỉ đạt khoảng 1%, do nhiều vướng mắc về quy hoạch và không nhận được sự đồng thuận của nhiều hộ dân. Trong nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành về tiến độ triển khai cải tạo khu tập thể này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thừa nhận, cải tạo chung cư cũ như “húc đầu vào tường”.

Câu chuyện hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân, hầu như chưa tìm được điểm chung và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bế tắc” của các dự án cải tạo chung cư cũ và kết thúc bao giờ cũng có màn cưỡng chế, dù ít hay nhiều hộ dân. Đa số người dân sinh sống trong các khu nhà cũ nát, đều có mong muốn được thay đổi nơi ở, sạch sẽ hơn, an toàn hơn. Bác Nguyễn Thanh Hương, đang sống tại nhà B1, khu tập thể Nguyễn Công Trứ  làm nghề bán nước ở đầu hồi đã chục năm nay cho biết, bác cũng chỉ mới thấy có dự án triển khai ở nhà A1, A2, còn lại chưa thấy có cơ quan chức năng nào thông báo, họp với dân về việc cải tạo nhà khác, trong đó có khu nhà bác đang sinh sống.

Sau nhiều năm, dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công trứ vẫn “nằm im” chờ cơ chế.

Trò chuyện, bác cho biết: “Thật ra chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của TP, vì sau khi cải tạo chúng tôi sẽ được ở nhà mới, nhưng cũng rất lo, vì nhìn hoàn cảnh của những hộ dân nhà A1, A2. Với diện tích căn hộ được mua thì số tiền đền bù của Nhà nước không đủ. Mà chúng tôi toàn công nhân lao động về hưu, lấy đâu ra tiền để bù vào?”. Bác chỉ vào tấm biển quảng cáo rao bán căn hộ chung cư N03 trên tường: “Đây này, người ta chả đủ tiền mua lại nhà của chính mình, nên đang rao bán đấy”.

Quả thật, bước chân vào các cầu thang dẫn lên các căn hộ ở những nhà tập thể cũ này mới thấy sự xuống cấp. Nhà đã lún đến mức nhiều lối vào cầu thang chạm đầu người cao 1.6m. Muốn đi vào phải cúi đầu, khom lưng. Trên tường, ẩm mốc, vữa trát đã rơi hết loang lổ. Ẩm thấp, điều kiện sống không đảm bảo nhưng rất nhiều người không muốn “ra đi” vì sợ không có cơ hội được quay về tái định cư tại chỗ.

Mong doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ

Việc “ì ạch”, chậm trễ tiến độ triển khai cải tạo khu tập thể cũ Nguyễn Công Trứ đã nhiều lần được lãnh đạo TP đem ra mổ xẻ, bàn phương án, nhưng dường như vẫn chưa hiệu quả. Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội lại có ý kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với Hà Nội, đưa dự án cải tạo xây dựng khu tập thể Nguyễn Công Trứ vào danh mục cơ chế đặc thù. Theo Phó Chánh văn phòng UBDN TP Hà Nội, với khu nhà N03 đang thi công, để đảm bảo tiến độ, Hà Nội yêu cầu tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc. Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối thu chi, hỗ trợ tiền sử dụng đất, đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện. Kế hoạch này sẽ phải báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết trước ngày 30/4. Và trước thực trạng thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, Hà Nội sẽ hỗ trợ DN bằng cách đầu tư nguồn vốn ngân sách đối với việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội của dự án.

Dự kiến, Hà Nội sẽ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép có cơ chế đặc thù để hỗ trợ DN trong bối cảnh bất động sản trầm lắng như hiện nay. Hy vọng với cơ chế mới được áp dụng, sự vào cuộc tích cực của TP Hà Nội và DN, những ách tắc trong cải tạo các khu nhà chung cư cũ sẽ được giải quyết, để lợi ích của DN đồng thuận với lợi ích của người dân

Ngọc Yến
.
.
.