Lá vàng... gánh nỗi truân chuyên

Thứ Hai, 20/10/2008, 09:50
Khi dự đám tang chị Mai Thị Thu (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, An Nhơn, Bình Định) vào giữa năm 2007, nhìn cụ Nguyễn Thị Hé ôm 4 đứa cháu nội vật vã bên quan tài ai cũng chạnh lòng, lo lắng về tương lai của mấy bà cháu. Đến nay bà Hé vẫn canh cánh bên lòng: Khi tôi có mệnh hệ nào, các cháu sẽ trở thành những người bơ vơ…

Đầu bạc… khóc đầu xanh

Đã bước sang tuổi 70, cụ Hé trông gầy rạc, đôi mắt sâu hoắm. Cặp nách đứa cháu nội chưa đầy hai tuổi mà trông bà liêu xiêu như bóng cây muốn đổ. Đấy là đứa cháu út của cụ, khi nó vừa được một tuổi phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. "Mỗi lần nghe nó bập bẹ tập nói "ba… ba…, má…má,…" mà sao nghe não ruột, nước mắt chỉ chực trào ra. Bây giờ nó lớn, ít gọi ba, má nhưng nghe mấy đứa trẻ hàng xóm gọi, nó cũng gọi theo…"- nói chưa dứt câu mà nước mắt đã lăn dài trên má cụ Hé.

Chỉ hơn một năm mà cụ đã hai lần "đầu bạc khóc đầu xanh". Mười năm trước khi chồng cụ Hé mất đi vì bạo bệnh, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Ba người con lớn của cụ lên Tây Nguyên lập nghiệp và chọn luôn nơi ấy làm quê hương thứ hai của mình.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, con trai út của cụ, anh Phan Văn Nam (SN 1970), về quê chăm sóc mẹ già. Qua năm tháng, hạnh phúc tuổi già của cụ Hé như ngày càng được nhân lên khi anh Nam lập gia đình với chị Mai Thị Thu (SN 1969) và lần lượt sinh cho bà 4 đứa cháu nội, 3 gái, một trai. Gần mười năm như thế, hạnh phúc của gia đình cụ lẳng lặng trôi nhanh như giấc mộng. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ yên ả trôi, nào ngờ… chỉ trong vòng 1 năm, những nỗi bất hạnh, tang tóc liên tiếp ập xuống.

Cụ Hé vừa khóc, vừa kể: "Vào vụ gặt lúa đông xuân năm 2006, thằng Nam vốn khoẻ mạnh thế mà bỗng dưng đổ bệnh. Nó gầy tóp đi, hốc hác xanh xao, đi làm thường xuyên ngất ngoài đồng. Đến cuối vụ gặt đó, nó đi khám ở Bệnh việân Đa khoa tỉnh bác sỹ cho biết đã mắc bệnh ung thư đại tràng. Hốt hoảng, gia đình bán bò rồi bán các vật dụng khác đưa tiền cho nó đi TP Hồ Chí Minh điều trị. Do phát hiện muộn quá nên không thể cứu chữa, 1 tuần sau bệnh viện trả con tôi về là nó "đi" liền...".

Nghẹn ngào không nói thành câu, bà Hé dừng lại một lát rồi với tiếp: Kể từ đó, con dâu tôi bỗng phát bệnh khó thở, thường xuyên phải đi bệnh viện cấp cứu. Đâu phải chỉ có vậy, nó lại mắc thêm căn bệnh u bướu nổi khắp mặt mày, thân thể. Gia đình tôi lại tận lực đưa nó đi chữa bệnh khắp nơi nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Một năm sau khi chồng nó mất, sau 1 cơn khó thở, chưa kịp kêu xe chở nó đi bệnh viện cấp cứu thì nó lại "đi" theo chồng nó, bỏ lại 4 đứa con nhỏ dại. Khi hai vợ chồng nó chết, trong nhà chẳng còn một thứ vật dụng nào đáng giá vài trăm ngàn".

Một tay bà "đóng cả ba vai chèo"

Trong căn nhà cấp 4, mấy bà cháu quây quần bên nhau vẫn thấy trống trải. Ngày chị Thu mất (năm 2007), cháu  Phan Thị Thanh Thủy mới chỉ 14 tuổi, cháu Phan Thị Thư 10 tuổi, Phan Thị Tâm 7 tuổi và cu út mới chỉ hơn 1 tuổi. Từ đó, cụ Hé vừa làm bà nội lại phải làm cha, làm mẹ của 4 đứa cháu mồ côi.

Kinh tế của 5 bà cháu chỉ biết trông vào 1 sào ruộng nhưng sào ruộng này cũng cho người khác thuê vì gia đình bà không người lao động, mỗi vụ 100 ký lúa tươi. Không chỉ lo lắng cái ăn, cái mặc cho các  cháu, cụ còn lo nhiều hơn về sự thiếu thốn tình cảm của các cháu. Sợ các cháu bỏ học, bà cụ gần 80 tuổi gần như quên bẵng đi căn bệnh đau khớp của mình, luôn tỏ ra "mạnh mẽ" để an ủi, động viên những đứa trẻ không được bỏ học ngày nào.

Cụ Hé tâm sự: "Tôi luôn nhắc chúng là phải cố gắng học tập để sau này tự lo cho bản thân. Sau này tôi có mệnh hệ nào, mấy chị em nương nhau mà sống chứ mồ côi thì chẳng có ai mà lo cho. Chúng cũng hiểu tôi nói gì nên rất ráng học, đứa nào học cũng giỏi, cháu Thủy đang học lớp 8 được nhà trường khen tặng nhiều lần. Ngoài giờ học, nó còn biết nhắc nhở, dạy cho 2 em nó học nữa. Cũng có lúc chúng phạm lỗi, dù thương chúng đến mấy tôi cũng phải "bấm bụng" nạt nộ, răn đe để uốn nắn chúng. Nhiều khi tôi dùng roi dạy, chúng tủi thân oà khóc thì tôi lại lén xuống bếp khóc thầm".

Bây giờ được nhiều nhà hảo tâm và bà con, láng giềng hỗ trợ giúp đỡ, bà cháu cụ Nguyễn Thị Hé đã đỡ lo phần nào về cái ăn, cái mặc cho các cháu. Thế nhưng bà vẫn không ngừng chăm chút, lo lắng về mặt tinh thần cho chúng, nhất là trong tình trạng tuổi bà ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu vì bệnh tật hành hạ.

Cụ Hé băn khoăn:  Nếu tôi mà có bề gì thì ai sẽ chăm sóc, dạy dỗ mấy đứa cháu. Thôi thì trời thương cho sống ngày nào tôi sẽ cố gắng lo cho chúng ngày đó. Nếu tôi có bề nào thì nhờ bà con hàng xóm và xã hội lo giúp chứ biết làm sao"

Hoàng Minh
.
.
.